Đến ngày 29-2, huyện Yên Mô đã cơ bản gieo cấy xong lúa đông xuân năm 2016 đảm bảo trong khung thời vụ cho phép. Nhiều xã cơ bản hoàn thành gieo cấy sớm như: Khánh Thượng, Khánh Dương, Khánh Thịnh, Yên Từ, thị trấn Yên Thịnh. Tổng diện tích gieo cấy toàn huyện đạt là 6.543,4 ha, trong đó diện tích lúa cấy là 3.608,7 ha, chiếm 55,2% diện tích, diện tích lúa gieo vãi là 2.934,7 ha, chiếm 44,8% diện tích, tăng 765,5 ha so với vụ đông xuân năm 2015. Năm nay huyện Yên Mô có 16/17 xã, thị trấn áp dụng và mở rộng phương thức gieo vãi lúa và nhiều đơn vị có diện tích lúa gieo vãi chiếm tỷ lệ cao như: xã Khánh Dương đạt 99,7%; Khánh Thượng 99,6%; Yên Từ 98,9%; Khánh Thịnh 98%; thị trấn Yên Thịnh 97,8% ; Yên Phong 93%.
Bên cạnh đó, nhiều đơn vị còn tích cực chuyển đổi cơ cấu giống theo hướng mở rộng diện tích gieo cấy lúa chất lượng cao, lúa nếp để nâng cao giá trị thu nhập trên 1 đơn vị diện tích đất canh tác.
Do đó Yên Mô đã có 3.724,3 ha diện tích lúa chất lượng cao, lúa nếp các loại, chiếm 56,8% tổng diện tích gieo cấy và tăng 242,4 ha so với vụ đông xuân năm 2015.
Sau gieo cấy, bà con nông dân đã tập trung vào công tác chăm sóc, đến nay lúa đang sinh trưởng và phát triển tốt, diện tích lúa cấy ngoài đê đang giai đoạn đẻ nhánh, lúa cấy đại trà đang giai đoạn bén rễ hồi xanh, lúa gieo vãi ở giai đoạn 2-3 lá, ra lá mới và rễ trắng.
Để bà con nông dân nắm vững kỹ thuật chăm sóc, huyện đã chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện phối hợp Trạm Khuyến nông, Trạm Bảo vệ thực vật cử cán bộ xuống cơ sở tăng cường kiểm tra đồng ruộng thực tế, hướng dẫn bà con quy trình chăm bón cho từng loại lúa cấy và lúa gieo vãi, hướng dẫn biện pháp theo dõi phòng trừ sâu bệnh hiệu quả.
Theo đó, bà con nông dân cần lưu ý ở những diện tích lúa cấy, khi lúa đã bén rễ hồi xanh tiến hành chăm sóc lần 1 với lượng phân cho 1 sào như sau: Đối với lúa lai bón 4-5 kg đạm urê + 3 kg kali, đối với lúa thuần bón 3-4 kg đạm urê + 2 kg kali.
Do điều kiện thời tiết trong thời gian gieo cấy nhiệt độ xuống thấp, lúa chậm bén rễ hồi xanh, sinh trưởng phát triển chậm, vì vậy nên tách lượng phân trên làm hai lần bón: lần một 30%, lần hai 70% và bón cách lần một từ 4-5 ngày. Đồng thời bà con nông dân kết hợp làm cỏ sục bùn để vùi lấp phân, giải phóng các khí độc, tiêu diệt cỏ dại, tăng cường oxy trong đất, giúp cho lúa đẻ nhánh sớm, đẻ nhánh tập trung.
Ngoài ra, Yên Mô khuyến cáo bà con nên sử dụng phân bón đa dinh dưỡng NPK chuyên dùng bón thúc cho cây lúa để bón và trước khi bón cần quy đổi về dạng phân đơn để điều chỉnh lượng bón cho phù hợp với từng giống lúa và từng chân đất khác nhau. Ở diện tích lúa bị ảnh hưởng do thời tiết rét đậm, rét hại cây còn yếu, bà con nông dân cần bón bổ sung phân lân từ 5-7 kg/sào và phân chuồng hoai mục, sau 3-5 ngày khi lúa đã hồi phục thì tiếp tục bón theo quy trình trên.
Đặc biệt ở những diện tích lúa gieo vãi, huyện hướng dẫn bà con nông dân tiếp tục duy trì nước ở rãnh, đảm bảo mặt luống luôn đủ ẩm để cho lúa sinh trưởng, phát triển thuận lợi. Khi cây lúa đạt 2-2,5 lá đưa nước láng mặt ruộng, kết hợp bón phân thúc lần 1 với lượng cho 1 sào 1,5-2 kg đạm urê + 1kg kali, sau khi bón phân 3 ngày tháo cạn nước và chỉ giữ nước ở rãnh, đảm bảo mặt luống luôn đủ ẩm.
Cây lúa đạt 5-6 lá, đưa nước trở lại, bón phân thúc lần 2 với lượng cho 1 sào như sau: đối với lúa lai bón 4 kg đạm urê + 2,5 kg kali; đối với lúa thuần bón 3 kg đạm urê + 1,5 kg kali kết hợp làm cỏ sục bùn, tỉa dặm định mật độ, giữ mực nước nông từ 3-5 cm để lúa đẻ nhánh được thuận lợi.
Cùng với việc chăm sóc, Yên Mô khuyến cáo bà con nông dân thường xuyên theo dõi diễn biến thời tiết, tình hình phát sinh sâu bệnh và sự chỉ đạo của UBND huyện, UBND xã, HTX nông nghiệp để kịp thời phòng trừ có hiệu quả các đối tượng gây hại như: ốc bươu vàng, rêu nhớt, bệnh đạo ôn, sâu cuốn lá, sâu đục thân, rầy các loại...
Đặc biệt ở giai đoạn đầu vụ, bà con chú ý thực hiện tốt công tác diệt chuột theo kế hoạch của UBND huyện để bảo vệ kết quả sản xuất vụ đông xuân 2016.
Hồng Giang