Những ngày đầu tháng 8, trên các cánh đồng của các xã, thị trấn của Yên Mô, bà con nông dân đang tập trung chăm sóc, bón phân, làm cỏ, phòng trừ sâu bệnh cho cây lúa. Bác Tạ Văn Sỹ, xóm 6 xã Khánh Thượng cho biết: Vụ mùa này, gia đình bác gieo cấy 1 mẫu ruộng. Từ trung tuần tháng 7, gia đình bác đã cơ bản hoàn thành gieo cấy. Do ảnh hưởng của thời tiết mưa lớn kéo dài nên phần lớn diện tích lúa đã gieo bị ngập úng. Sau khi nước rút, gia đình bác tập trung nhân lực gieo lại những diện tích lúa chết và chăm sóc diện tích lúa còn lại. Những diện tích lúa không bị ảnh hưởng do ngập úng, gia đình bác bón phân qua lá để kích thích cho lúa bén rễ và hồi xanh. Hiện nay, toàn bộ diện tích lúa của gia đình bác đang phát triển tốt.
Được biết, xã Khánh Thượng là một trong những địa phương có diện tích lúa bị thiệt hại nhiều do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới. Toàn xã có 201 ha lúa đã gieo bị ngập và bị thiệt hại trên 70%, 178 ha bị thiệt hại từ 50-70%, 41 ha bị thiệt hại từ 30-50%. Ông Ngô Xuân Hanh, Phó Chủ tịch UBND xã Khánh Thượng cho biết: Ngay sau khi nước rút, xã đã chỉ đạo các đoàn thể phối hợp các HTX nông nghiệp, các đội sản xuất hướng dẫn bà con nông dân gieo lại 201 ha bị thiệt hại trên 70%, gieo dặm và tỉa dặm diện tích bị thiệt hại ít hơn, đảm bảo trong khung thời vụ. Riêng những diện tích không bị ảnh hưởng nhiều, bà con tập trung chăm bón, sử dụng các loại phân bón qua lá để điều hòa sinh trưởng. Hiện nay, cây lúa sinh trưởng, phát triển tốt, nhiều diện tích đang trong giai đoạn đẻ nhánh rộ. Trên các cánh đồng của xã chưa có diện tích nào bị sâu bệnh cần phun trừ. Tuy nhiên, bệnh lùn sọc đen đang có diễn biến phức tạp, xã đã chỉ đạo các HTX nông nghiệp kiểm tra tình hình phát sinh, mật độ của rầy các loại để phun trừ. Bởi vì, rầy chính là môi giới truyền bệnh lùn sọc đen. Ngoài ra, xã tiếp tục phát động nhân dân tổ chức diệt chuột đợt 3, bắt ốc bươu vàng, tích cực thăm đồng phát hiện sớm sâu bệnh hại lúa để có biện pháp kịp thời xử lý.
Từ ngày 13-21/7, do ảnh hưởng của hoàn lưu áp thấp nhiệt đới và bão số 3, trên địa bàn huyện Yên Mô đã xảy ra mưa to đến rất to, làm cho gần 2.840 ha lúa mới gieo cấy bị ngập úng, gây thiệt hại và tiến độ sản xuất bị chậm lại. Tuy nhiên, với sự nỗ lực của các cấp ủy Đảng, chính quyền từ huyện đến cơ sở và sự cố gắng khắc phục khó khăn của nhân dân trong huyện, sau khi tiêu thoát nước, các hộ sản xuất đã tích cực, chủ động gieo dặm bổ sung và gieo vãi lại đối với diện tích bị thiệt hại. Đến ngày 25/7, toàn huyện đã cơ bản hoàn thành công tác gieo cấy lúa đảm bảo trong khung thời vụ với tổng diện tích là 6.769 ha, trong đó diện tích lúa gieo vãi là 5.744 ha, chiếm 85% diện tích, tăng 1.496 ha so với vụ mùa năm 2017. Trong vụ mùa năm nay, phần lớn các đơn vị đã tích cực chuyển đổi cơ cấu giống lúa theo hướng giảm tỷ lệ lúa lai, tăng tỷ lệ gieo cấy lúa thuần, lúa chất lượng cao để giảm chi phí sản xuất, tăng giá trị thu nhập trên 1 đơn vị diện tích đất canh tác phù hợp với nhu cầu của thị trường. Các đơn vị có diện tích gieo cấy lúa nếp và lúa chất lượng cao đạt trên 80% như: Yên Nhân, Yên Mạc, Khánh Thịnh, Yên Lâm, Yên Thắng.
Theo đại diện lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Yên Mô: Ngay từ giữa tháng 6, các đơn vị như Yên Phong, Yên Lâm, Yên Đồng, Yên Thái đã triển khai xuống đồng cấy lúa và gieo vãi, đến ngày 4/7 đã có 3 xã Yên Lâm, Yên Đồng, Yên Thái hoàn thành gieo cấy. Các xã Mai Sơn, Yên Thắng, Khánh Thượng, Yên Hòa, Yên Hưng, Yên Mỹ từ ngày 5/7 mới bắt đầu gieo vãi, nhiều diện tích gieo vãi sau ngày 10/7, chậm hơn so với lịch thời vụ của huyện. Qua đợt thống kê ảnh hưởng của mưa lũ vừa qua thì hầu hết diện tích gieo vãi sau ngày 10/7 đều bị thiệt hại phải gieo dặm bổ sung và gieo cấy lại. Cùng với gieo lại diện tích bị thiệt hại hoàn toàn, dặm tỉa những diện tích bị khuyết dảnh, khuyết khóm, huyện đã hướng dẫn nhân dân tập trung cao cho công tác chăm sóc, bón bổ sung cho cây lúa từ 7-10 kg super lân/sào hoặc phun bổ sung phân bón qua lá, tạo điều kiện cho cây trồng nhanh chóng hồi phục. Khi cây ra lá mới tiến hành chăm sóc kịp thời theo quy trình kỹ thuật tạo điều kiện cho các cây trồng sinh trưởng, phát triển thuận lợi.
Thời điểm này, thời tiết có diễn biến phức tạp, nắng nóng xen mưa khiến độ ẩm không khí cao, tạo điều kiện cho sâu bệnh phát triển, phát sinh gây hại cho lúa. Trước tình hình này, Yên Mô chỉ đạo cơ quan chuyên môn phối hợp với các xã, thị trấn tăng cường xuống cơ sở tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân về công tác chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh. Các HTX nông nghiệp tổ chức thực hiện tốt các khâu dịch vụ phục vụ sản xuất như: dịch vụ tưới tiêu, dịch vụ cung ứng vật tư nông nghiệp: thuốc BVTV, phân bón… đảm bảo đủ số lượng, chất lượng theo yêu cầu sản xuất. Chỉ đạo cán bộ khuyến nông các xã, thị trấn phối hợp với các HTX nông nghiệp, Trạm trồng trọt và BVTV thực hiện tốt công tác dự tính, dự báo về tình hình sâu bệnh hại để tham mưu cho UBND các xã, thị trấn có biện pháp chỉ đạo kịp thời khi sâu bệnh gây hại đến ngưỡng phải phun trừ. Để nâng cao hiệu quả công tác dự tính, dự báo và phòng trừ sâu bệnh, đặc biệt là bệnh lùn sọc đen, vừa qua huyện đã tổ chức tập huấn cho cán bộ các HTX nông nghiệp về vấn đề này. Sau buổi tập huấn, các cán bộ HTX sẽ áp dụng kiến thức vào thực tế, tăng cường kiểm tra đồng ruộng, phát hiện sâu bệnh và kịp thời phun trừ hiệu quả.
Bài, ảnh: Giáng Hương