Những năm qua trên địa bàn huyện Yên Mô, ngành sản xuất vật liệu xây dựng đã phát triển mạnh và là ngành có giá trị sản xuất chiếm tỷ lệ cao trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp, với các sản phẩm chính: Đá xây dựng, gạch đất nung, gạch không nung, đá mỹ nghệ,.... Hiện trên địa bàn huyện có 5 nhà máy gạch tuynen đang sản xuất với công suất 90-130 triệu viên/năm và nhiều đơn vị khai thác đá xây dựng cung cấp lượng hàng lớn ra thị trường. Tuy nhiên, theo đánh giá của các doanh nghiệp trên địa bàn huyện, 3 tháng đầu năm, sản xuất vật liệu xây dựng gặp khó khăn do sức tiêu thụ về mặt hàng này giảm đáng kể.
Tại Tổ hợp tác sản xuất vật liệu xây dựng Hồng Hải (xã Yên Lâm) chúng tôi ghi nhận được hoạt động sản xuất ở đây khá trầm, máy móc hoạt động không hết công suất. Ông Nguyễn Minh Nguyệt, đại diện Tổ hợp tác cho biết: Đơn vị đã thành lập và hoạt động 30 năm nay với ngành nghề chính là khai thác và cung cấp đá xây dựng.
Mỗi năm Tổ hợp tác cung ứng ra thị trường tương đương 20-23 nghìn m3 đá, doanh thu đạt trên 2,5 tỷ đồng, tạo việc làm cho 9 lao động thường xuyên với mức thu nhập bình quân 5 triệu đồng/người/tháng.
Trong 3 tháng đầu năm 2017, sản lượng sản xuất ra ước đạt 4.000m3, thấp hơn năm trước. Nguyên nhân là do ngành chăn nuôi gặp khó khăn, nhất là người nuôi lợn đang bị lỗ vốn, dẫn đến nguồn tiền ít, người dân không đầu tư, kiến thiết nhà cửa, chuồng trại...
Bên cạnh đó, có nhiều doanh nghiệp mới chuyên về cung cấp đá vật liệu xây dựng đi vào hoạt động nên sức cạnh tranh ngày càng gay gắt hơn.
Dù khó khăn nhưng Tổ hợp đã cố gắng tìm kiếm đơn hàng, tạo công ăn việc làm và thu nhập ổn định cho người lao động. Hy vọng trong quý II thị trường tiêu thụ các sản phẩm nói chung và vật liệu xây dựng nói riêng sẽ sáng hơn.
Theo đại diện lãnh đạo Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Yên Mô: Những năm qua, Yên Mô đã có nhiều cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, hỗ trợ, tạo điều kiện cho lĩnh vực sản xuất công nghiệp phát triển.
Đặc biệt, huyện Yên Mô đã quy hoạch 4 Cụm công nghiệp, bao gồm: Mai Sơn, Khánh Thượng, Yên Lâm, Yên Thổ (thị trấn Yên Thịnh) với tổng diện tích gần 160 ha; quy hoạch 17 điểm công nghiệp với tổng diện tích đến năm 2020 trên 200 ha đã tạo điều kiện thuận lợi cho lĩnh vực sản xuất CN-TTCN phát triển.
Nhờ đó, địa phương đã thu hút trên 170 doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn sản xuất các sản phẩm: gạch các loại; đá mỹ nghệ; vôi củ; thảm cói, chiếu cói, mây tre đan, hàng bèo, lúa non tết bện, thêu ren, đính cườm...
Hàng năm, lĩnh vực sản xuất CN-TTCN đã tạo việc làm cho khoảng 5.000 lao động thường xuyên với thu nhập bình quân đạt từ 3 - 5 triệu đồng/người/ tháng và hơn 10.000 lao động thời vụ.
Trong quý I năm 2017, hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn huyện Yên Mô gặp nhiều khó khăn, nhất là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực vật liệu xây dựng. Nhờ thực hiện tốt các giải pháp thúc đẩy sản xuất, cùng sự nỗ lực của chính các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất nên hoạt động sản xuất CN-TTCN trên địa bàn huyện Yên Mô duy trì ổn định.
Giá trị sản xuất CN-TTCN trên địa bàn huyện ước đạt trên 166,7 tỷ đồng, bằng 24% kế hoạch năm và tương đương với cùng kỳ năm trước. Trong đó các sản phẩm ngành vật liệu xây dựng có sự sụt giảm, còn các ngành nghề truyền thống như: thảm cói, thêu ren, may mặc, gốm sứ… được duy trì, phát triển với chất lượng sản phẩm được nâng cao.
Nhiều doanh nghiệp đã đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất, đa dạng hóa các mẫu mã sản phẩm, nhạy bén trong tìm kiếm các đơn hàng nên có giá trị sản xuất tăng khá.
Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, các làng nghề truyền thống đã nhận thức được tầm quan trọng trong chiến lược sản xuất, kinh doanh, mạnh dạn mở rộng quy mô, nâng cao tay nghề cho người lao động, tạo ra những sản phẩm có sức cạnh tranh cao, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng ngày càng khắt khe đối với hàng xuất khẩu.
Với mục tiêu phấn đấu giá trị sản xuất CN-TTCN năm 2017 đạt 670 tỷ đồng, trong thời gian tới Yên Mô triển khai tốt kế hoạch và giải pháp thúc đẩy sản xuất đã đề ra. Trong đó, huyện tập trung duy trì và phát triển các doanh nghiệp hiện có, đồng thời đẩy mạnh thu hút đầu tư về hạ tầng, đầu tư sản xuất, kinh doanh tại các cụm công nghiệp đã được quy hoạch và phê duyệt.
Tạo điều kiện thuận lợi để Doanh nghiệp tư nhân gốm Bồ Bát (Yên Thành) xây dựng nhà xưởng, mở rộng quy mô sản xuất, khôi phục lại nghề gốm sứ Bồ Bát xưa.
Tiếp tục duy trì và mở rộng ngành nghề thủ công mỹ nghệ, các ngành nghề truyền thống, phát triển nghề mới theo hướng đa dạng hóa ngành nghề.
Tăng cường công tác cải cách thủ tục hành chính liên quan đến sản xuất, kinh doanh, đầu tư, nhất là các thủ tục về thuế và đất đai.
Cùng với đó, tổ chức rà soát các cơ chế, chính sách để sửa đổi, bổ sung, tạo mọi điều kiện thuận lợi về hạ tầng, mặt bằng, nguồn nhân lực, vốn... nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, khuyến khích đầu tư.
Hồng Giang