Trong các làng nghề ở Yên Mô được công nhận là làng nghề truyền thống cấp tỉnh, phần lớn làm nghề chế biến cói. Nhiều làng như Đông Đoài, Ngọc Lâm, Nộn Khê... có cả doanh nghiệp và nhiều chủ hộ làm vệ tinh thu gom nên việc làm, thu nhập thường ổn định và cao hơn các làng nghề khác.
Nghề chế biến cói ở đây đã có những bước chuyển biến rõ rệt, hầu hết mọi người dân trong làng nghề đều yên tâm, gắn bó với nghề. Tại làng nghề cói, bèo bồng Nộn Khê (xã Yên Từ) hiện đang là cao điểm của hoạt động nghề vì thời gian này là lúc nông nhàn của người nông dân. Anh Đinh Văn Dũng, làng Nộn Khê cho biết: "Đã nhiều năm qua, gia đình tôi luôn gắn bó với nghề sản xuất và chế biến cói, bèo bồng xuất khẩu.
Cùng với làm nghề, gia đình tôi còn làm thêm vệ tinh thu mua sản phẩm cho bà con. Mỗi tháng cơ sở thu mua trên 12 tấn sản phẩm bán cho các Công ty lớn trên địa bàn tỉnh. Nhờ có nghề truyền thống mà gia đình tôi có thu nhập ổn định, không chỉ thoát nghèo mà còn có điều kiện lo cho con cái học hành, mua sắm đầy đủ vật dụng gia đình".
Được biết, làng nghề cói, bèo bồng Nộn Khê được công nhận là làng nghề cấp tỉnh năm 2010. Từ đó đến nay làng nghề liên tục phát triển với trên 500 hộ dân làm nghề (chiếm gần 80% số hộ trong làng). Làng nghề có 4-5 hộ làm vệ tinh cung cấp nguyên liệu và thu mua sản phẩm cho bà con nông dân.
Bình quân thu nhập của người dân làm nghề đạt từ 50-60 nghìn đồng/ngày, nếu chịu khó lấy nguyên liệu bèo về phơi khô có thể đạt 100 nghìn đồng/ngày công. Thu nhập từ làm nghề góp phần không nhỏ cải thiện đời sống của người dân làng Nộn Khê trong những năm qua.
Làng nghề cói Ngọc Lâm (xã Yên Lâm) nổi tiếng có từ lâu đời và hoạt động khá sôi nổi, hiệu quả. Ông Đàm Văn Thực, chủ cơ sở sản xuất và thu mua hàng cói cho bà con trong làng cho biết: "Người dân thôn Ngọc Lâm luôn gắn bó với nghề chế biến cói xuất khẩu có từ bao đời nay. Có nghề, người dân không phải đi làm ăn xa mà vẫn đảm bảo được việc đồng áng, việc nhà. Hiện nay hầu hết các hộ dân đều làm nghề với mức thu nhập đạt 70 nghìn đồng/ngày".
Để tạo điều kiện thuận lợi và giúp bà con yên tâm sản xuất, thôn Ngọc Lâm có 2 cơ sở chuyên cung cấp nguyên vật liệu và thu mua sản phẩm hàng cói. Riêng cơ sở của gia đình ông Thực mỗi tháng thu mua 20 tấn thành phẩm của hơn 300 hộ dân làm cói.
Những năm qua, phát huy lợi thế sẵn có, nhiều địa phương trên địa bàn huyện Yên Mô đã khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ dân đẩy mạnh phát triển nghề truyền thống và mở thêm các ngành nghề mới.
Cùng với đó, Yên Mô phối hợp với các ngành chức năng đẩy mạnh các giải pháp bảo tồn và phát triển làng nghề. Người dân trong huyện đã năng động tìm kiếm thị trường, đưa các mặt hàng chế biến từ cói, bèo của địa phương đến với nhiều thị trường trên thế giới.
Đồng thời đa dạng hóa sản phẩm và liên tục cải tiến thay đổi mẫu mã phù hợp với nhu cầu thị trường với hàng trăm mẫu mới như hộp cói, túi xách, giỏ, khay đựng….Do đó làng nghề được duy trì và ngày càng phát triển.
Nhiều làng nghề truyền thống hoạt động ở các lĩnh vực ngành nghề có thế mạnh đã phát triển khá mạnh mẽ với quy mô lớn, lao động có việc làm ổn định như: các làng nghề chế biến cói, bèo xuất khẩu; làng nghề bún Yên Thịnh; làng nghề thợ nề Bình Hải…
Hoạt động sản xuất các làng nghề góp phần phát triển kinh tế địa phương, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn và góp phần xây dựng nông thôn mới và bảo tồn, phát huy được giá trị văn hóa truyền thống của địa phương.
Hàng năm các làng nghề đóng góp khoảng 30- 32% giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp toàn huyện, giải quyết việc làm cho gần 6.500 lao động nông nhàn với mức thu nhập bình quân từ 2-3 triệu đồng/tháng.
Trong thời gian tới, làng nghề tiếp tục giữ vị trí, vai trò quan trọng trong việc góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm và nâng cao thu nhập, thực hiện thành công chương trình xây dựng nông thôn mới.
Do đó huyện Yên Mô xác định bên cạnh bảo tồn phát triển làng nghề truyền thống cần phát triển làng nghề theo hướng nâng cao quy mô, chất lượng, hiệu quả và du nhập nghề mới về vì hiện nay số lượng các làng nghề, làng có nghề vẫn chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ trong tổng số các đơn vị thôn, làng trong huyện.
Tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng, hỗ trợ đào tạo nghề, cải tiến mẫu mã nâng cao chất lượng sản phẩm tiểu thủ công nghiệp phục vụ trong nước và xuất khẩu, tạo điều kiện cho các làng nghề truyền thống phát triển.
Hồng Giang