Đổi mới cơ chế, chính sách hỗ trợ Khi bắt đầu triển khai Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh, mặc dù ngân sách huyện còn khó khăn nhưng Yên Mô đã ban hành một số chính sách hỗ trợ, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, như: hỗ trợ kiên cố hóa kênh mương mức 340 triệu đồng/km; hỗ trợ dồn điền đổi thửa 100 nghìn đồng/ha; hỗ trợ xây dựng hạ tầng chung vùng chuyển đổi diện tích cấy lúa kém hiệu quả sang sản xuất lúa cá từ 0,5 -2 triệu đồng/ha, hỗ trợ triển khai xây dựng các công trình thủy lợi đáp ứng yêu cầu sản xuất và chủ động phòng chống thiên tai...
Qua quá trình thực hiện, xuất phát từ yêu cầu thực tế và để tiếp tục trển khai có hiệu quả đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, địa phương đã điều chỉnh bổ sung kịp thời các chính sách hỗ trợ để khuyến khích phát triển nông nghiệp. Điển hình như: Nghị quyết số 09 ngày 21/12/2015 và Nghị quyết số 12 ngày 19/12/2017 cho phép các hộ có diện tích ruộng trũng cấy lúa kém hiệu quả trong vùng quy hoạch được chuyển đổi sang sản xuất lúa-cá, trồng cây hàng năm, cây lâu năm kết hợp nuôi thủy sản và ao nổi; nâng mức hỗ trợ kiên cố hóa kênh mương từ 340 triệu đồng/km lên 500 triệu đồng; nâng mức hỗ trợ xây dựng hạ tầng chung vùng chuyển đổi diện tích cấy lúa kém hiệu quả sang sản xuất lúa cá từ 2 triệu đồng/ha lên 10 triệu đồng/ha. Tổng kinh phí thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn toàn huyện là 7,49 tỷ đồng.
Các chủ trương, chính sách của tỉnh hỗ trợ thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp được thực hiện theo Nghị quyết số 05-NQ/TU của Tỉnh ủy và Nghị quyết số 37/NQ-HĐND của HĐND tỉnh và chính sách riêng của huyện đã thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa với nhiều mô hình sản xuất có hiệu quả kinh tế cao.
Một số kết quả khả quan
Sau 5 năm thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, với nhiều cơ chế, chính sách và giải pháp cụ thể, thiết thực đã thúc đẩy sản xuất của Yên Mô phát triển theo hướng nông nghiệp hàng hóa có giá trị cao ở tất cả các lĩnh vực.
Về trồng trọt, Yên Mô chuyển dịch mạnh cơ cấu cây trồng, mùa vụ, ứng dụng khoa học, kỹ thuật gắn với xây dựng chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và hiệu quả sản xuất.
Hầu hết diện tích lúa đã chuyển từ phương thức gieo cấy truyền thống sang gieo vãi, mở rộng diện tích gieo cấy lúa chất lượng cao, lúa nếp; chuyển diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng hoa, quả, cây hàng năm kết hợp nuôi thủy sản, sản xuất lúa-cá và chuyên nuôi thủy sản.
Trên đất màu đã có những giống cây trồng mới như giống lạc L27, giống đậu xanh ĐXVN 07 có năng suất, chất lượng và khả năng chống chịu sâu bệnh tốt được đưa vào sản xuất thay thế các giống lạc, giống đậu xanh cũ năng suất thấp.
Đặc biệt, Yên Mô là địa phương đầu tiên của tỉnh thực hiện thành công mô hình canh tác 4 vụ/năm trên diện tích đất màu, đất lúa màu.
Nếu như trước đây, diện tích này chỉ canh tác 2-3 vụ/năm thì từ năm 2017 đã triển khai canh tác 4 vụ trên diện tích 34,8 ha với công thức luân canh: khoai tây đông xuân + ngô ngọt xuân hè hoặc đậu tương rau + đậu xanh hoặc lúa mùa + lạc đông hoặc ngô ngọt... Giá trị thu hoạch đạt từ 300-350 triệu đồng/ha/năm. Tất cả 4 vụ đều được các doanh nghiệp tham gia liên kết từ khâu sản xuất đến khi tiêu thụ sản phẩm.
Sản xuất vụ đông được tập trung chỉ đạo theo hướng đảm bảo ăn chắc, hiệu quả, bên cạnh phát triển các cây trồng truyền thống, các đơn vị tiếp thu, mở rộng diện tích các cây trồng có giá trị kinh tế cao, thông qua liên kết tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp như ngô ngọt, ớt xuất khẩu, đậu tương rau, lạc đông, đậu xanh...với quy mô 234 ha, tăng 70 ha. Giá trị thu hoạch 1 ha cây vụ đông năm 2017 đã đạt 72,3 triệu đồng, tăng 26 triệu đồng/ha so năm 2013.
Công tác chuyển đổi được các địa phương tích cực thực hiện. Từ năm 2016 đến nay toàn huyện đã chuyển đổi được 94,4 ha diện tích gieo cấy lúa kém hiệu quả sang các mô hình canh tác mới, trong đó có 12,3 ha trồng cây hàng năm, 13,9 ha trồng cây ăn quả, 33,1 ha sản xuất chuối-cá, 6,7 ha trồng cây ăn quả kết hợp thủy sản, 8,1 ha sản xuất lúa-cá-ốc, 25 ha ao nổi nuôi thâm canh thủy sản, chạch đồng, chạch sụn.
Đến nay các cây trồng sinh trưởng, phát triển khá tốt, sản phẩm tiêu thụ thuận lợi, cho thu nhập từ 200-250 triệu/ha, gấp 3-4 lần so với trồng lúa. Các mô hình trên được nhân dân trong và ngoài huyện tham quan học tập nhân rộng trong sản xuất.
Chăn nuôi cũng đã có bước phát triển mạnh theo hướng trang trại, gia trại theo hình thức công nghiệp, bán công nghiệp. Năm 2017 toàn huyện có 22 trang trại đạt tiêu chí theo Thông tư 27 của Bộ Nông nghiệp và PTNT với doanh thu hàng năm trên 1 tỷ đồng, trong đó có 12 trang trại được cấp giấy chứng nhận kinh tế trang trại và 01 trang trại (Doanh nghiệp tư nhân Điền Hưng Thịnh xã Yên Mạc) đã được tổ chức VINACERT cấp giấy chứng nhận VietGap và có 304 gia trại có doanh thu hàng năm trên 300 triệu đồng. Quy mô các trang trại và gia trại tiếp tục được mở rộng cả về số lượng và chất lượng.
Về thủy sản, thực hiện Đề án 06 của UBND huyện về chuyển đổi diện tích ruộng trũng cấy lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản kết hợp cấy lúa giai đoạn 2016-2020, toàn huyện đã có trên 1.000 hộ chuyển đổi được 546 ha ruộng trũng cấy lúa kém hiệu quả sang sản xuất lúa - cá, bình quân mỗi hộ canh tác trên 4 nghìn m2.
Một số xã đã hình thành các vùng chuyên canh sản xuất lúa - cá tập trung theo hướng sản xuất hàng hóa như các xã Yên Thái, Yên Thắng, Yên Đồng, Yên Hòa... Giá trị thu hoạch trung bình đạt trên 270 triệu đồng/ha/năm, lợi nhuận trung bình đạt 117 triệu đồng/ha/năm, cao gấp 3-4 lần so trồng lúa.
Ngoài các đối tượng nuôi truyền thống, các hộ đã mạnh dạn nuôi thâm canh cá trắm đen, ốc hột, cá quả, chạch sụn... với quy mô 46 ha cho hiệu quả kinh tế cao hơn nuôi cá truyền thống từ 3-4 lần.
Như vậy sau 5 năm thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh, sản xuất nông nghiệp Yên Mô đã chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa, thâm canh, nâng cao giá trị gia tăng, an toàn thực phẩm. Qua đó góp phần nâng cao giá trị bình quân trên ha canh tác từ 94 triệu đồng/năm (năm 2013) lên 116 triệu đồng (năm 2017), thu nhập bình quân đầu người đạt 32 triệu đồng/người/năm, tăng 11 triệu đồng/người/năm so với năm 2013.
Giáng Hương