Coi trọng công tác xây dựng Đảng
Đảng bộ huyện Yên Mô hiện có 58 tổ chức cơ sở đảng trực thuộc (gồm 17 đảng bộ xã, thị trấn, 5 đảng bộ cơ quan và 38 chi bộ), với trên 7,7 nghìn đảng viên. Xác định công tác xây dựng Đảng là then chốt và có tính chất quyết định đến việc thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, Đảng bộ huyện Yên Mô đã thường xuyên quan tâm lãnh đạo toàn diện công tác xây dựng Đảng. Ban Thường vụ Huyện ủy đã lãnh đạo các đảng bộ trực thuộc thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, XII về xây dựng Đảng gắn với tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Trên cơ sở đó, các cấp ủy Đảng chú trọng đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo; chủ động nắm bắt tình hình tư tưởng, dư luận xã hội để kịp thời định hướng công tác tuyên truyền, tạo sự đồng thuận, thống nhất trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Đồng chí Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy cho biết: Thời gian qua, Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Huyện ủy đã tập trung chỉ đạo làm tốt công tác tổ chức, cán bộ. Yên Mô cũng là đơn vị có nhiều cách làm sáng tạo trong sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị.
Theo đó, huyện đã kiện toàn chức danh Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy đồng thời là Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng chính trị huyện; chức danh Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy đồng thời là Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện; triển khai xây dựng đề án sáp nhập, hợp nhất một số đơn vị sự nghiệp thuộc UBND huyện; đã tinh giản 1.768 biên chế là người hoạt động không chuyên trách cấp xã và cấp thôn. Bên cạnh việc làm tốt công tác quy hoạch, sử dụng và luân chuyển cán bộ, Ban Thường vụ Huyện ủy đã tập trung chỉ đạo sắp xếp tổ chức cơ sở đảng, xóa thôn, xóm trắng chi bộ. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, toàn huyện đã kết nạp 876 đảng viên, đạt 87,6% mục tiêu Đại hội, trong đó có 1 đảng viên là chức sắc tôn giáo; đã hoàn thành xóa xóm trắng chi bộ. Từ năm 2017 đến nay, huyện Yên Mô đã thành lập được 9 tổ chức chính trị - xã hội và thành lập được 3 tổ chức đảng trong các doanh nghiệp ngoài Nhà nước, trong đó có 2 chi bộ trực thuộc Đảng bộ xã, 1 chi bộ trực thuộc Huyện ủy.
Cùng với việc đổi mới phong cách, lề lối làm việc của các cấp ủy Đảng, Huyện ủy Yên Mô đã tập trung chỉ đạo nâng cao chất lượng hoạt động của HĐND, UBND các cấp và các cơ quan tư pháp. HĐND, UBND huyện tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động; hiệu lực quản lý, điều hành của các cấp chính quyền được nâng lên.
Tập trung xây dựng nông thôn mới
Với quan điểm nông thôn mới không chỉ là cơ sở vật chất văn hóa hoàn thiện, trạm y tế khang trang, đường bê tông trải dài... mà là sự hình thành và phát triển của nhiều mô hình sản xuất hiệu quả, đáp ứng mục tiêu cuối cùng là nâng cao đời sống nhân dân, Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Huyện ủy Yên Mô đã và đang tập trung cao độ cho chuyển dịch cơ cấu kinh tế nhằm khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh của địa phương.
Đồng chí Đỗ Trọng Luận, Chủ tịch UBND huyện Yên Mô cho biết: Là huyện thuần nông, đời sống nhân dân chủ yếu phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp, Đảng bộ huyện Yên Mô xác định phát triển kinh tế dựa trên tiềm năng sẵn có. Do vậy, việc làm thế nào để khai thác có hiệu quả lợi thế các vùng đất được ưu tiên hàng đầu. Huyện đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm và bảo vệ môi trường.
Năm 2016, Ban Thường vụ Huyện ủy đã ban hành Nghị quyết số 06- NQ/HU về phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng sản xuất hàng hóa giai đoạn 2016 - 2020; UBND huyện ban hành các đề án, kế hoạch và chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn phù hợp với điều kiện của huyện. Theo đó, việc chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, cây trồng được thực hiện có hiệu quả. Nhiều mô hình sản xuất, canh tác mới đem lại hiệu quả kinh tế cao đã được áp dụng thành công.
Từ năm 2015 đến nay, toàn huyện chuyển đổi được trên 320 ha đất trồng lúa và đất canh tác kém hiệu quả sang thực hiện các mô hình canh tác mới, nâng diện tích chuyển đổi của toàn huyện lên gần 800 ha; sản lượng lương thực có hạt bình quân ước đạt 81.845 tấn/năm (vượt mục tiêu Đại hội); diện tích lúa chất lượng cao được mở rộng, đến năm 2020 ước đạt 72% diện tích (tăng 11% so với năm 2015, vượt 2% so với mục tiêu Đại hội). Hiện 100% diện tích đất gieo trồng được làm bằng máy và trên 90% diện tích lúa được thu hoạch bằng máy; giá trị thu nhập bình quân trên 1 ha canh tác năm 2019 ước đạt 135 triệu đồng. Tổ chức sản xuất nông nghiệp được đổi mới, đã hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung có quy mô lớn tại các xã: Yên Hòa, Yên Từ, Mai Sơn, Khánh Dương… với tổng diện tích 145 ha. Hàng năm, có từ 400 - 500 ha cây trồng được liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp. Sản xuất vụ đông được tập trung chỉ đạo theo hướng đảm bảo ăn chắc, hiệu quả.
Cũng theo đồng chí Chủ tịch UBND huyện Yên Mô: Quá trình triển khai xây dựng nông thôn mới, Yên Mô quan tâm đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng. Các công trình, dự án thủy lợi được nâng cấp, xây dựng; tỷ lệ kênh mương được kiên cố hóa đạt 95,4%. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, toàn huyện đã huy động trên 237,12 tỷ đồng đầu tư hạ tầng kỹ thuật phục vụ cho sản xuất nông nghiệp. Công tác xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới kiểu mẫu được quan tâm chỉ đạo quyết liệt và đạt được những kết quả quan trọng. Đến hết năm 2019, toàn huyện có 14/16 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu (vượt mục tiêu Đại hội).
Thành quả xây dựng nông thôn mới thời gian qua đã trở thành động lực lớn để mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân Yên Mô tiếp tục chung sức, đồng lòng xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt, mới đây, HĐND tỉnh đã thông qua Nghị quyết về việc quy định một số chính sách đặc thù áp dụng cho huyện Yên Mô năm 2019, năm 2020. Đây được xem là một trong những "cú hích" quan trọng để huyện Yên Mô đạt mục tiêu cán đích nông thôn mới vào năm 2021, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng đời sống nhân dân; củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng.
Bài, ảnh: Minh Ngọc