Đến nay xã Yên Hòa đã đạt 16/19 tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới. Là xã chủ yếu sản xuất nông nghiệp nên để thực hiện tiêu chí thu nhập, giảm tỷ lệ hộ nghèo, xã đã xác định phải đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển các mô hình kinh tế hộ gia đình. Bên cạnh những cây trồng, con nuôi truyền thống, xã đã chỉ đạo các đoàn thể vận động hội viên, đoàn viên, nông dân hưởng ứng việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nhất là chuyển đổi các mô hình trồng lúa cho năng suất thấp sang mô hình khác.
Từ các mô hình làm điểm, đến nay xã đã chuyển trên 27 ha trồng lúa cho năng suất thấp sang mô hình lúa + cá; 40 ha trồng 2 vụ rau cần và rau rút cho hiệu quả kinh tế cao. Tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm nhanh từ 12% năm 2012 xuống còn 2,96% năm 2014, bình quân thu nhập đầu người đạt 24,5 triệu đồng/năm. Đây là tiền đề để xã phấn đấu năm 2015 sẽ hoàn thành 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới.
Với xã Yên Lâm, do thuận lợi có 4 làng nghề sản xuất và chế biến cói, bèo bồng được UBND tỉnh công nhận là làng nghề truyền thống gồm: làng Đông Đoài, Ngọc Lâm, Đông Yên và Phù Sa nên đã góp phần giải quyết việc làm cho gần 4.000 lao động lúc nông nhàn trên địa bàn. Tại các làng nghề truyền thống, hầu hết các gia đình đều có người làm nghề nên hoạt động đào tạo nâng cao tay nghề được xã quan tâm, chỉ đạo. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp, tổ hợp sản xuất trên địa bàn đã mạnh dạn mở rộng quy mô sản xuất, tìm kiếm thị trường tiêu thụ, cung cấp nguyên liệu đầy đủ cho người làm nghề, quan tâm đổi mới mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm…
Do đó, hoạt động của các làng nghề truyền thống ở Yên Lâm đã từng bước đáp ứng nhu cầu khách hàng, giải quyết việc làm và tạo thu nhập ổn định cho người lao động trong những ngày nông nhàn. Làng nghề truyền thống đã góp phần đưa giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của xã năm 2014 đạt trên 20 tỷ đồng. Đây cũng là hướng thoát nghèo bền vững của người dân Yên Lâm, là điều kiện để xã từng bước nâng cao tiêu chí thu nhập theo chương trình xây dựng nông thôn mới…
Đối với Yên Mô, dựa vào đặc thù của mỗi địa phương mà việc thực hiện tiêu chí về hộ nghèo có những giải pháp riêng, đạt hiệu quả, đảm bảo bền vững. Xác định tiềm năng sản xuất nông nghiệp là chủ đạo, huyện đã chỉ đạo các xã tích cực đưa các cây trồng, con nuôi có giá trị kinh tế cao vào sản xuất như: trồng cây phật thủ, ổi Đông Dư, nuôi vịt trời…; mô hình trồng cỏ chăn nuôi gia súc và nuôi trồng thủy sản… Hiện nay trên địa bàn huyện có 25 trang trại đang hoạt động hiệu quả, thực hiện chuyển đổi 114,93 ha diện tích ruộng trũng sang mô hình lúa +cá, đưa tổng diện tích lúa + cá toàn huyện đạt 312 ha. Với nhiều mô hình cây, con mới đã đem lại thu nhập bình quân trên 1 ha canh tác đạt 105 triệu đồng, tăng 9 triệu đồng/ha so với năm 2013, bình quân lương thực có hạt đạt 730 kg/người/năm. Tổng sản lượng lương thực có hạt cả năm đạt 85,2 nghìn tấn, bằng 104% kế hoạch đề ra.
Cùng với sản xuất nông nghiệp, sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp được tập trung đẩy mạnh nhằm chuyển dịch cơ cấu lao động, tạo thêm thu nhập, việc làm cho người dân. Công tác đào tạo nghề được quan tâm thực hiện tốt. Trong năm, toàn huyện đã tổ chức được 10 lớp dạy nghề, thu hút 293 học viên tham gia, đã giải quyết việc làm cho 3.030 lao động, xuất khẩu 144 lao động… Trong năm, huyện đã có thêm làng gốm Bồ Bát (xã Yên Thành) được công nhận là làng nghề truyền thống, tạo điều kiện cho Công ty may mặc Asia đầu tư xây dựng nhà máy may mặc xuất khẩu tại thị trấn Yên Thịnh, giải quyết việc làm cho 500 lao động, hoàn chỉnh hồ sơ trình cấp có thẩm quyền phê duyệt dự án xây dựng nhà máy giầy da xuất khẩu Adoza tại xã Yên Lâm.
Đặc biệt 25 sản phẩm đạt sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp huyện đã góp phần đưa các hoạt động làng nghề truyền thống phát triển, mở rộng thị trường. Năm 2014 giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp toàn huyện ước đạt 529 tỷ dồng, bằng 102,3% kế hoạch năm. Tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện giảm còn 5,33%, giảm 1,9% so với năm 2013.
Với mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện năm 2015 xuống còn 4,5%, huyện Yên Mô đã đề ra nhiều giải pháp phù hợp với tình hình thực tế của từng địa phương. Trong đó, tập trung chỉ đạo chuyển dịch sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với thị trường tiêu thụ. Mở rộng diện tích lúa chất lượng cao, lúa nếp các loại với tỷ lệ trên 55% diện tích gieo cấy lúa. Khoanh vùng sản xuất vụ đông phù hợp điều kiện thực tế, đảm bảo hiệu quả, ăn chắc; phấn đấu diện tích gieo trồng vụ đông đạt 2.000 ha trở lên.
Tiếp tục chỉ đạo chuyển đổi diện tích ruộng trũng cấy lúa kém hiệu quả sang canh tác lúa - cá theo Đề án 06/ĐA-UBND. Phát triển chăn nuôi bền vững gắn với bảo vệ môi trường, khuyến khích mở rộng các mô hình cây trồng, con nuôi có giá trị kinh tế cao vào sản xuất. Bên cạnh đó, tiếp tục đầu tư hỗ trợ phát triển CN-TTCN, ngành nghề nông thôn. Đôn đốc đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án trên địa bàn, phấn đấu đưa nhà máy giày da xuất khẩu Adora tại xã Yên Lâm vào hoạt động.
Bùi Diệu