Cùng tham gia tiết học Tiếng Việt theo mô hình trường tiểu học mới VNEN của học sinh lớp 4B, Trường Tiểu học Yên Phú, chúng tôi được chứng kiến không khí học tập sôi nổi, phấn khởi của cô và trò trong lớp. Đây là năm học thứ 2 các em được tiếp tục học theo mô hình VNEN. Không còn là hình thức cô giảng, trò nghe nữa mà thay vào đó là cô giáo là người nêu vấn đề rồi cùng các em giải quyết các vấn đề, tình huống trong bài học, học sinh được tự nguyện thành lập nhóm học theo sở thích, phù hợp với năng lực, mỗi nhóm có hội đồng tự quản, trao đổi, thống nhất ý kiến trong giải quyết tình huống bài đặt ra, tạo tinh thần học tập sôi nổi, gợi mở tư duy cho học sinh. Chất lượng giáo dục chung của nhà trường được nâng lên rất rõ rệt. Từ thành công của mô hình, năm học 2014-2015, sau thí điểm dạy cho khối 3, nhà trường đã nhân rộng thêm khối 4 thực hiện mô hình VNEN. Cô giáo Mai Thị Thanh Thư, giáo viên chủ nhiệm lớp 4B Trường Tiểu học Yên Phú cho biết: Mô hình VNEN chú trọng đánh giá năng lực học sinh về khả năng tự phục vụ, tự quản, giao tiếp, hợp tác, tự học và giải quyết vấn đề, đánh giá sự hình thành và phát triển các phẩm chất của học sinh như yêu cha mẹ và gia đình, yêu trường lớp, thầy cô, yêu quê hương, đất nước; đánh giá tiến bộ của học sinh theo chuẩn kiến thức, kỹ năng mà không so sánh với học sinh khác. Việc giáo viên không phải soạn bài, học sinh không phải kiểm tra, không dùng điểm số, không cần học bạ mà dựa vào giáo viên theo dõi, ghi nhật ký chi tiết giúp giáo viên có đủ cơ sở đánh giá toàn diện năng lực của từng học sinh, giảm áp lực, tiết kiệm thời gian, tạo sự hứng thú trong dạy và học. Em Trịnh Thị Ngân Yến, học sinh lớp 4B cho biết: Được học theo mô hình trường tiểu học mới chúng em thấy rất vui vì được cùng nhau trang trí lớp học, được tham gia trao đổi trực tiếp với thầy, cô giáo về bài học, nhất là được giúp đỡ các bạn có lực học yếu hơn tiến bộ hơn. Đồng chí Lê Xuân Cung, Phó phòng Giáo dục huyện Yên Mô cho biết: Mục tiêu của Dự án nhằm tạo điều kiện cho trẻ em thuộc các nhóm trẻ khó khăn hoàn thành chương trình giáo dục tiểu học có chất lượng bằng cách thông qua đổi mới sư phạm, đặc biệt là đổi mới phương pháp dạy - học; rút ra những bài học thực tiễn có giá trị về đổi mới sư phạm trên toàn quốc (ở cấp trung ương và địa phương) để đạt được giáo dục có chất lượng và bền vững. Theo mục tiêu đó, các nhà trường triển khai mô hình VNEN đã có đổi mới, không khí học tập, quan hệ các đối tác trong và ngoài nhà trường bước đầu có cải thiện, hướng về người học, hướng về phát triển năng lực của học sinh. Nhờ áp dụng phương pháp học mới, học sinh tự quản, tự học, được trao đổi nhiều hơn, vì vậy vốn Tiếng Việt của các em tăng lên rõ rệt và hình thành kỹ năng giao tiếp cho các em.
Điểm mới của mô hình VNEN là cách tổ chức lớp học. Lớp học được chia thành nhiều nhóm, mỗi nhóm có 4 đến 6 học sinh, có nhóm trưởng phụ trách. Việc xây dựng hội đồng tự quản giúp các em mạnh dạn, tự tin hơn, cùng nhau học tập, linh hoạt và sáng tạo hơn trong học tập và phát hiện kiến thức mới, học sinh có thể tự đánh giá bản thân và đánh giá bạn, giáo viên là những người hướng dẫn và đánh giá sau cùng, giúp học sinh trao đổi nhiều hơn. Bên cạnh đó, việc thay đổi phương pháp dạy học truyền thống bằng phương pháp dạy học mới, tăng cường các hoạt động giáo dục đã giúp cô, trò gần gũi, cởi mở, học sinh là người chủ động trong lĩnh hội kiến thức, tạo hiệu quả rõ nét trong giáo dục.
Một điểm nổi bật của các lớp thực hiện theo mô hình VNEN là thông qua các buổi tham dự trực tiếp trên lớp với con hoặc qua hoạt động ứng dụng tại nhà của học sinh, phụ huynh có cơ hội theo dõi, nắm bắt quá trình học tập của con cái, có tác động kịp thời tới việc học của con; thực sự thấy cần thiết phải phối hợp và tạo điều kiện cho con học tập. Đồng thời, cùng với sự giúp đỡ của phụ huynh, học sinh luôn được hỗ trợ việc vận dụng kiến thức đã được học trong cuộc sống hàng ngày, tăng hiệu quả học tập tại trường.
Các lớp học được trang trí theo mô hình VNEN đã có tác dụng tích cực, thực sự thu hút, giúp các em học sinh thích đi học hơn, thích cùng các bạn trang trí lớp học của mình và hăng hái cùng các bạn bảo vệ, giữ gìn các sản phẩm của lớp. Với việc xây dựng "Hòm thư góp ý", "Điều em muốn nói", "Thư viện lớp học", "Góc cộng đồng" trở thành địa chỉ tin cậy cho các em tâm sự, trao đổi với bạn bè, thầy cô, nhà trường về những điều các em còn băn khoăn, muốn được chia sẻ trong học tập và cuộc sống. Qua đó tạo sự gần gũi, thân mật giữa học sinh và nhà trường.
Kết quả giáo dục theo mô hình VNEN có chuyển biến rõ nét. Qua năm học đầu tiên triển khai cho thấy chất lượng giáo dục toàn diện được duy trì ổn định và có chuyển biến tích cực, phần lớn học sinh đều mạnh dạn, tự tin hơn trong giao tiếp và tham gia vào các hoạt động giáo dục một cách tự giác, tích cực hơn, tỷ lệ học sinh xếp loại học lực khá, giỏi tăng hơn so với năm học trước.
Đồng chí Lê Xuân Cung, Phó phòng Giáo dục huyện Yên Mô cho biết thêm: Thực hiện sự chỉ đạo của Sở Giáo dục và Đào tạo về triển khai mô hình VNEN, năm học 2014-2015, ngành Giáo dục và Đào tạo huyện Yên Mô tiếp tục triển khai rộng khắp tới tất cả các trường tiểu học trong toàn huyện. Các trường này đưa một số thành tố mới, như đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới đánh giá học sinh, đổi mới không gian lớp học, đổi mới tổ chức lớp học.
Đồng thời, tổ chức các lớp chuyên đề, tập huấn tại huyện, tại trường, cụm trường để bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, nâng cao năng lực sư phạm cho giáo viên. Nhiều trường đã chủ động xây dựng kế hoạch, tổ chức cho cán bộ quản lý, giáo viên dự giờ, thăm lớp, trao đổi chuyên môn với trường triển khai mô hình trường học mới VNEN.
Bài, ảnh: Hồng Vân