PV: Bác sĩ có những lưu ý gì về tình hình dịch bệnh dễ phát sinh trong điều kiện thời tiết nắng nóng như hiện nay?
Bác sĩ Lê Hoàng Nam: Thời tiết nắng nóng kéo dài là điều kiện thuận lợi cho một số loại dịch bệnh phát sinh và phát triển, đặc biệt là các bệnh truyền nhiễm qua đường tiêu hóa, hô hấp và các bệnh có véc-tơ truyền bệnh. Nguyên nhân là do thời tiết nắng nóng khiến cơ thể dễ mất nước, mệt mỏi, suy giảm sức đề kháng, tạo điều kiện cho các tác nhân gây bệnh xâm nhập và gây bệnh.
Đặc biệt, mùa hè với nền nhiệt độ cao, độ ẩm lớn là điều kiện lý tưởng cho vi sinh vật gây bệnh phát triển, các loại côn trùng trung gian truyền bệnh như ruồi, muỗi sinh sôi mạnh. Thức ăn, nước uống bảo quản không tốt dễ bị nhiễm khuẩn, gây ra các bệnh về tiêu hóa. Bên cạnh đó, việc gia tăng các hoạt động tập thể, du lịch, bơi lội, ăn uống không đảm bảo vệ sinh trong mùa hè cũng làm tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh.
Theo số liệu phân tích từ hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm, tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh Ninh Bình trong 6 tháng đầu năm 2025 cơ bản đang được kiểm soát hiệu quả. Tuy nhiên, một số bệnh truyền nhiễm lưu hành vẫn được ghi nhận và đang có xu hướng gia tăng tại một số địa phương.
Cụ thể, nửa đầu năm 2025, tỉnh Ninh Bình đã ghi nhận 1.497 ca tay chân miệng, 1.968 ca sởi, 930 ca COVID-19, 36 ca sốt xuất huyết Dengue, 1 ca viêm não Nhật Bản B… Tất cả đều là các ca bệnh tản phát, được phát hiện và xử lý kịp thời, không để lây lan bùng phát thành dịch.
Riêng COVID-19 có số ca mắc tăng nhanh trong khoảng cuối tháng 5 và tháng 6 nhưng vẫn đang được kiểm soát tốt. Tuy nhiên, dựa trên kết quả đánh giá nguy cơ và phân tích dịch tễ, trong thời gian tới cần tăng cường kiểm soát và dự phòng với các bệnh có nguy cơ gia tăng và gây dịch như tay chân miệng, sốt xuất huyết, viêm não vi rút, cúm mùa, tiêu chảy, bệnh dại, đau mắt đỏ…
PV: Công tác phòng, chống dịch bệnh mùa nắng nóng hiện đang được ngành Y tế cũng như Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh triển khai như thế nào, thưa bác sĩ?
Bác sĩ Lê Hoàng Nam: Đối với việc phòng, chống các loại dịch bệnh hay xảy ra vào mùa nắng nóng, ngành Y tế Ninh Bình và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh hằng năm đều chủ động xây dựng và triển khai kế hoạch phòng, chống dịch bệnh nói chung và phòng, chống các bệnh vào mùa hè nói riêng với tinh thần chủ động, kịp thời, không để dịch bệnh bùng phát, lây lan, hạn chế thấp nhất tỷ lệ mắc bệnh. Luôn đảm bảo chuẩn bị đầy đủ nhân lực, kinh phí, thuốc, vật tư, hóa chất đáp ứng kịp thời công tác phòng, chống dịch bệnh.
Mỗi năm đội ngũ cán bộ làm công tác phòng, chống dịch tại các tuyến đều được tham gia tập huấn về chuyên môn, kỹ thuật, cập nhật các hướng dẫn về phòng chống dịch bệnh, vệ sinh, xử lý môi trường, xử lý ổ dịch bệnh truyền nhiễm.
Hằng năm, ngay từ đầu mùa, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã chỉ đạo các bộ phận chuyên môn triển khai các bước đánh giá nguy cơ, dự đoán dịch bệnh, chủ động trong công tác giám sát tại cộng đồng cũng như tại các cơ sở y tế để kịp thời phát hiện sớm các ca nghi mắc và mắc các bệnh truyền nhiễm, khoanh vùng và xử lí kịp thời các ổ dịch, không để dịch bệnh bùng phát. Đồng thời tuyên truyền cho nhân dân về nguy cơ, cập nhật tình hình, dấu hiệu nhận biết và các biện pháp phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm.
Bên cạnh đó, cử cán bộ đầu mối, luôn giám sát hỗ trợ, đôn đốc các địa phương thực hiện đúng chỉ đạo, tinh thần đảm bảo công tác phòng, chống dịch có hiệu quả. Song song với các hoạt động trên, chúng tôi đẩy mạnh hoạt động truyền thông với nhiều hình thức, nhất là trên các nền tảng mạng xã hội để nâng cao nhận thức của người dân trong chủ động các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo từng thời điểm.
Trong những năm qua, nhờ tinh thần chỉ đạo quyết liệt, chủ động, kịp thời của ngành Y tế, cùng với sự vào cuộc của chính quyền các cấp, các ban, ngành, đoàn thể liên quan và toàn thể cộng đồng đã góp phần hạn chế được dịch bệnh bùng phát trong mùa hè, chăm sóc tốt sức khỏe cho Nhân dân.
PV: Để chủ động bảo vệ sức khỏe, phòng bệnh trong mùa nắng nóng, bác sĩ có những khuyến cáo gì đối với người dân?
Bác sĩ Lê Hoàng Nam: Để bảo vệ sức khỏe, phòng chống dịch bệnh trong mùa hè, nắng nóng, người dân cần chủ động thực hiện một số biện pháp sau: Tiêm chủng đầy đủ các loại vắc-xin phòng bệnh theo đúng khuyến cáo đối với các bệnh có vắcxin phòng bệnh như: sởi, rubella, ho gà, não mô cầu, thủy đậu, cúm mùa, viêm não Nhật Bản… nhất là các đối tượng có sức đề kháng kém như trẻ em, người già, người có bệnh lý nền; giữ vệ sinh cá nhân, vệ sinh nơi ở, nơi làm việc, học tập: Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, đặc biệt là trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. Vệ sinh dụng cụ ăn uống, đồ dùng cá nhân, không dùng chung khăn mặt, cốc uống nước… Vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, thoáng mát, diệt muỗi, diệt ruồi, tránh ẩm mốc; thực hiện ăn chín, uống sôi, tránh ăn đồ sống, không rõ nguồn gốc.
Bảo quản thực phẩm đúng cách, tránh để thức ăn ôi thiu; bổ sung đủ nước và dinh dưỡng: Uống đủ nước trong ngày, tăng cường rau xanh, trái cây tươi để bổ sung vitamin, khoáng chất; phòng tránh muỗi đốt bằng cách ngủ màn, diệt loăng quăng, dọn dẹp các vật dụng chứa nước đọng quanh nhà.
Bên cạnh đó, hạn chế ra ngoài khi nắng gắt. Nếu bắt buộc, cần mặc quần áo dài tay, đội mũ, đeo kính râm, sử dụng kem chống nắng để tránh say nắng và giảm nguy cơ tổn thương da.
Theo dõi sức khỏe và đến cơ sở y tế khi có dấu hiệu bất thường như sốt cao, tiêu chảy, nôn ói, phát ban… để được khám và điều trị kịp thời. Khi phát hiện trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm cần thực hiện cách ly theo quy định đối với một số bệnh có nguy cơ lây truyền cao qua đường hô hấp, tiêu hoá. Đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời, không tự ý mua thuốc điều trị ở nhà. Tích cực phối hợp với các cơ quan chuyên môn, chính quyền địa phương trong công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn sinh sống.
PV: Xin cảm ơn bác sĩ về cuộc trao đổi!