Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 26, lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn của huyện đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế- xã hội của huyện. Nổi bật nhất là kết quả thực hiện phong trào xây dựng nông thôn mới (NTM) gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp.
Thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, ở lĩnh vực trồng trọt có nhiều thay đổi quan trọng, hầu hết diện tích lúa đã chuyển từ phương thức gieo cấy truyền thống sang gieo vãi, tiết kiệm chi phí sản xuất, đảm bảo thời vụ và mở rộng diện tích gieo cấy lúa chất lượng cao, lúa nếp; chuyển diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng hoa, quả, cây hàng năm kết hợp nuôi thủy sản, sản xuất lúa - cá và chuyên nuôi thủy sản.
Năm 2008 toàn huyện mới chỉ có 450 ha lúa gieo vãi, chiếm 6,7% diện tích lúa toàn huyện thì đến năm 2017 diện tích lúa gieo vãi cả năm đã tăng lên 8.350 ha, chiếm 62,2% diện tích gieo cấy.
Đến nay đã có 11/17 đơn vị có hầu hết diện tích lúa được gieo vãi, mỗi năm đã tiết kiệm được trên 80 tỷ đồng chi phí mua nilon, làm vòm gieo mạ, công cấy, vận chuyển mạ... Diện tích lúa chất lượng cao được mở rộng ở hầu hết các xã, thị trấn, năm 2008 chỉ chiếm 22,1% diện tích thì năm 2017 đã nâng lên 61,5%.
Từ năm 2016 đến nay toàn huyện đã chuyển đổi 66 ha đất lúa sang trồng cây hàng năm hoặc cây hàng năm kết hợp nuôi thủy sản. Các cây táo, ổi, chuối tây Thái Lan, dưa các loại… sinh trưởng, phát triển tốt, phù hợp với đất đai, khí hậu, kỹ thuật của địa phương, cho thu nhập trung bình từ 200- 300 triệu đồng/ha/năm, các sản phẩm đều tiêu thụ thuận lợi.
Huyện cũng khuyến khích các đơn vị tiếp thu, mở rộng diện tích các cây trồng có giá trị kinh tế cao, thông qua liên kết tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp như ngô ngọt, ớt xuất khẩu, đậu tương rau, lạc đông, đậu xanh...Trên địa bàn huyện có 11 doanh nghiệp (tăng 8 doanh nghiệp) thực hiện liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm với 18 hợp tác xã nông nghiệp (tăng 11 hợp tác xã) so với năm 2008, với giá trị thực hiện hợp đồng năm 2017 đạt 48 tỷ đồng.
Đặc biệt trên diện tích đất màu, đất lúa màu trước đây chỉ canh tác 2-3 vụ/năm, từ năm 2017 đã triển khai canh tác 4 vụ có liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm với doanh nghiệp, giá trị thu hoạch từ 300-350 triệu đồng/ha/năm.
Diện tích sản xuất lúa - cá phát triển khá mạnh, nhất là các xã vùng chiêm trũng. Nhân dân các địa phương chủ động dồn đổi ruộng đất, chuyển đổi đất cấy lúa kém hiệu quả sang canh tác lúa - cá, kết hợp chăn nuôi, nâng cao năng suất và hiệu quả sản xuất.
Đến năm 2017, toàn huyện đã có trên 1.000 hộ chuyển đổi được 546 ha ruộng trũng cấy lúa kém hiệu quả sang sản xuất lúa - cá, bình quân mỗi hộ canh tác trên 4 nghìn m2.
Một số xã đã hình thành các vùng chuyên canh sản xuất lúa - cá tập trung theo hướng sản xuất hàng hóa như các xã Yên Thái, Yên Thắng, Yên Đồng, Yên Hòa... Giá trị thu hoạch trung bình đạt trên 270 triệu đồng/ha/năm, lợi nhuận trung bình đạt 117 triệu đồng/ha/năm, cao gấp 3-4 lần so với trồng lúa.
Ngoài các đối tượng nuôi truyền thống, các hộ đã mạnh dạn nuôi thâm canh cá trắm đen, ốc hột, cá quả, chạch sụn... với quy mô 46 ha, cho hiệu quả kinh tế cao hơn nuôi cá truyền thống từ 3-4 lần.
Trong xây dựng NTM, Yên Mô đã làm tốt công tác dồn điền, đổi thửa và tích tụ ruộng đất, tạo điều kiện đẩy mạnh sản xuất hàng hóa tập trung. Tính đến hết năm 2017, toàn huyện đã có 735 hộ tích tụ được 707 ha đất nông nghiệp.
Hoạt động sản xuất, kinh doanh của các mô hình tích tụ ruộng đất khá tốt, giá trị thu hoạch bình quân từ 300-350 triệu đồng/ha, các sản phẩm được tiêu thụ rất thuận lợi, các tổ hợp tác, hộ gia đình đều có kế hoạch thuê thêm đất để mở rộng sản xuất, kinh doanh.
Cùng với đẩy mạnh sản xuất, hạ tầng kỹ thuật phục vụ sản xuất nông nghiệp được đầu tư đồng bộ và từng bước hoàn chỉnh, diện mạo nông thôn ngày càng khởi sắc, môi trường sinh thái được bảo vệ, thu nhập của người dân dần được nâng lên, góp phần giảm nghèo bền vững và ổn định chính trị xã hội.
Nhận thức, kỹ năng tổ chức thực hiện của cán bộ và nhân dân về xây dựng NTM được nâng lên, tạo đồng thuận cao trong quá trình đầu tư, giám sát, tổ chức thực hiện của cả cộng đồng.
Toàn huyện có 1.300 hộ dân đã hiến 33.800 m2 đất, đóng góp trên 44 nghìn ngày công lao động, đóng góp tiền mặt, nguyên vật liệu và hiến tặng tài sản với tổng trị giá 31,9 tỷ đồng để xây dựng NTM.
Đến hết năm 2017, toàn huyện đã có 8/16 xã được UBND tỉnh công nhận xã đạt chuẩn NTM, bình quân các xã đạt 16,6 tiêu chí/xã, tăng 11,7 tiêu chí so với năm 2011. Kết quả trên tạo tiền đề để Yên Mô phấn đấu đến năm 2022 được công nhận là huyện đạt chuẩn NTM.
Theo đại diện lãnh đạo huyện Yên Mô, Nghị quyết số 26 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn ra đời, cụ thể là triển khai Đề án tái cơ cấu nông nghiệp cùng với chương trình xây dựng NTM được xem là động lực giúp ngành Nông nghiệp huyện Yên Mô có bước đột phá, phát triển toàn diện, bền vững.
Tuy nhiên trong quá trình thực hiện vẫn bộc lộ những tồn tại và hạn chế cần có giải pháp khắc phục sớm. Đó là tình trạng đất đai còn manh mún, nhỏ lẻ, diện tích tích tụ ruộng đất chưa nhiều, việc nhân rộng các mô hình có hiệu quả cao còn hạn chế.
Công tác hoàn thiện hồ sơ, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sau dồn điền, đổi thửa còn chậm; chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp lớn vào đầu tư sản xuất, kinh doanh, huyện mới chỉ có 1 doanh nghiệp nông nghiệp. Cơ cấu kinh tế nông nghiệp và nông thôn chuyển dịch chậm, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất còn hạn chế.
Nông nghiệp, nông thôn phát triển có mặt còn thiếu quy hoạch, chưa tạo được nhiều sản phẩm hàng hóa. Liên kết "4 nhà" chưa thực sự phát huy, các hình thức tổ chức sản xuất chậm đổi mới, phổ biến vẫn là sản xuất nhỏ, phân tán, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh sản phẩm thấp.
Nhận diện những tồn tại, hạn chế trên, trong thời gian tới Yên Mô tập trung phát triển nông nghiệp, xây dựng NTM, không ngừng cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn. Đẩy mạnh tích tụ ruộng đất, nhân rộng các mô hình canh tác có hiệu quả cao, sản phẩm có lợi thế, nâng cao hiệu quả sản xuất, phấn đấu giá trị thu nhập trên 1 ha canh tác đến năm 2030 đạt 145 triệu đồng/năm.
Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên và nhân dân thực hiện tốt công tác tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp, xây dựng NTM. Triển khai thực hiện, quản lý tốt các quy hoạch đã được phê duyệt.
Huy động tối đa nguồn lực của Nhà nước và các thành phần kinh tế để hoàn thiện hạ tầng kinh tế- xã hội nông thôn. Phát triển hạ tầng kỹ thuật các vùng sản xuất hàng hóa, vùng chuyển đổi theo quy hoạch.
Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất và đời sống, đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và triển khai thực hiện tốt chương trình khuyến công, khuyến nông, khuyến ngư, phát triển chăn nuôi, nuôi thủy sản theo hướng công nghiệp đảm bảo vệ sinh môi trường, an toàn sinh học.
Giáng Hương