Bác Đinh Thị Nhương, xã Khánh Dương cho biết: Gia đình cấy 1,3 mẫu ruộng, trong đó 1 mẫu được thực hiện theo phương thức gieo vãi. Tưởng chừng như vụ lúa xuân năm nay sẽ gặp khó khăn do thời tiết ấm, sâu bệnh sẽ phát sinh phát triển mạnh, nhưng thực tế lại ngược lại. Đến nay lúa đã vào thời kỳ chín rộ và cho thấy vụ lúa xuân năm nay được mùa với năng suất ước đạt gần 2,5 tạ/sào; hơn nữa, đây lại là vụ sản xuất có chi phí cho khâu chăm sóc, bảo vệ thấp, nên thu nhập sẽ khá cao. Để tránh cái nắng nóng gay gắt, nhiệt độ cao, người dân chúng tôi phải tranh thủ ra đồng sớm và thường đi gặt từ lúc 3-4 giờ sáng, đến khoảng 9 giờ nắng to là đã về nhà và phơi thóc đã thu.
Vụ đông xuân năm 2015 là vụ lúa thứ 3 sau khi xã Yên Hòa thực hiện thành công việc dồn điền, đổi thửa, chỉnh trang đồng ruộng theo quy hoạch nông thôn mới. Trên cánh đồng cạnh UBND xã, bà con nông dân đang hối hả bước vào thời kỳ thu hoạch lúa đông xuân. Bà Đỗ Thị Thanh, thôn Lạc Hiền đang chờ máy đến thu hoạch lúa của mình phấn khởi chia sẻ: Được canh tác trên thửa ruộng rộng lớn, gieo cấy tập trung hơn; việc chăm sóc, bảo vệ thuận tiện.
Năm ngoái năng suất lúa bình quân chỉ đạt 2-2,2 tạ/sào nhưng năm nay năng suất đạt trên 2,4 tạ/sào. Gia đình tôi có 9 sào lúa ở 2 mảnh và sẽ bố trí gặt bằng máy với chi phí khoảng 150 nghìn đồng/sào, đảm bảo thu hoạch nhanh gọn. Ngoài việc năng suất lúa năm nay cao hơn vụ trước thì việc sử dụng máy trong khâu thu hoạch đã nâng cao sản lượng, giá trị và thu nhập cho người dân.
Được biết, vụ lúa đông xuân năm 2015, Yên Hòa gieo cấy trên 450 ha lúa, năng suất ước đạt từ 65 đến 68 tạ/ha, cao nhất từ trước tới nay. Xã đã phát động nhân dân khẩn trương ra đồng thu hoạch khi lúa đã chín và gặt đến đâu tiến hành cày lật đất ngay đến đó. Toàn xã dự kiến kết thúc thu hoạch lúa xuân trong trung tuần tháng 6 và phấn đấu cấy xong lúa mùa trước ngày 15-7.
Theo báo cáo của Phòng Nông nghiệp & PTNT huyện Yên Mô, vụ đông xuân năm 2015, huyện Yên Mô gieo cấy 6.560 ha lúa, với trên 60% diện tích được cấy bằng giống lúa lai như Nhị ưu 838, Thục hưng số 6, Phú ưu 1...; diện tích còn lại được cấy bằng giống lúa thuần với các giống chủ đạo là Hoa ưu 109, LT2, Bắc thơm số 7, QR1, Khang dân 18...
Ngoài việc đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu giống lúa theo hướng mở rộng diện tích gieo cấy lúa chất lượng cao, lúa nếp các loại (trên 3.500 ha), góp phần tăng giá trị thu nhập trên 1 ha canh tác, bà con nông dân Yên Mô còn tích cực áp dụng biện pháp thâm canh: Gieo vãi, đưa cơ giới hóa vào các khâu sản xuất... nhằm giảm chi phí, tăng thu nhập.
Hầu hết các xã, thị trấn đã áp dụng và mở rộng phương thức gieo vãi với tổng diện tích gần 2.100 ha. Các đơn vị có diện tích lúa gieo vãi chiếm tỷ lệ cao là Khánh Dương, Khánh Thịnh, Yên Từ, Khánh Thượng, Yên Phong... Sau gieo cấy, huyện đã chỉ đạo bà con nông dân tập trung ngay vào việc chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho lúa.
Đồng chí Lê Thị Linh, Phó phòng Nông nghiệp & PTNT huyện cho biết: Qua kiểm tra, đánh giá thực tế đồng ruộng cho thấy vụ lúa xuân năm nay khá đồng đều giữa các địa phương. Đến ngày 27-5, toàn huyện đã thu hoạch được gần 2.186 ha. Các địa phương đã thu hoạch được nhiều là: Yên Thái 400 ha, đạt 93,3% diện tích; Yên Thành 300 ha, đạt 92,8%; Yên Lâm 300 ha, đạt 89%; Yên Thắng 330 ha, đạt 67,6%; Yên Hòa 270 ha, đạt 60%; Mai Sơn 90 ha, đạt 70,8%; Yên Đồng 230 ha, đạt 36,1%...
Theo đánh giá của các cơ quan chuyên môn: Vụ lúa xuân năm nay được mùa chung; với Yên Mô do diện tích lúa chất lượng cao tăng hơn so với vụ trước nên năng suất lúa xuân bình quân chung toàn huyện ước đạt khoảng 67-68 tạ/ha. Hiện nay, các địa phương đang tập trung huy động nhân lực ra đồng, khuyến khích đưa nhiều máy gặt xuống đồng nhằm thu hoạch nhanh gọn lúa đông xuân và giải phóng sức lao động cho người nông dân.
Đinh Chúc