Tình hình dịch bệnh năm nay xuất hiện sớm và mạnh hơn mọi năm, ảnh hưởng trực tiếp tới cây lúa đang thời kỳ sinh trưởng mạnh nhất là các bệnh về nhiễm khuẩn, bệnh khô vằn, rầy nâu, sâu đục thân..... Đáng chú ý nhất là bệnh sâu đục thân lứa 4 và lứa 5, đây là một trong những loại bệnh nguy hiểm đối với cây lúa ở mọi thời kỳ: từ khi còn là mạ non, thời kỳ đẻ nhánh và trổ bông. Bệnh sâu đục thân xuất hiện vào thời kỳ lúa trỗ sẽ gây héo lá, tăng tỷ lệ bông bạc và có thể di truyền bệnh đến vụ sau.
Theo thống kê của phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện, hiện nay Yên Mô là địa phương có diện tích nhiễm sau đục thân cao với 1.200 ha lứa 4 và dự kiến sẽ lên đến 3.500 ha sâu đục thân lứa 5, trong đó có 1.500 ha bị nhiễm nặng phải phun kép 2 lần. Tập trung vào các địa phương có diện tích lúa tái sinh và làm đất muộn do mầm bệnh chuyển sang như: Khánh Thượng, Mai Sơn, Yên Lâm..... Bên cạnh đó, bệnh khô vằn và rầy nâu cũng đang diễn biến phức tạp, hiện tỷ lệ rầy nâu trên đồng ruộng khá cao khoảng 50-60%, diện tích nhiễm bệnh khô vằn cũng lên tới 3.200 ha.
Để đối phó với diễn biến phức tạp của dịch bệnh nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do sâu bệnh gây ra. Từ đầu vụ, Trạm bảo vệ thực vật của huyện đã thường xuyên cử cán bộ xuống thực tế ở các địa phương để nắm bắt tình hình và đưa ra những giải pháp phòng trừ cụ thể. Đồng thời thông báo diễn biến và cách phòng chống dịch bệnh được thông tin thường xuyên trên đài phát thanh các xã, thị trấn và đài huyện.
Hiện nay, Trạm bảo vệ thực vật huyện đang tích cực phối hợp với các HTX nông nghiệp hướng dẫn bà con nông dân tích cực phun trừ những thửa ruộng đến ngưỡng bằng các loại thuốc: Virtako 40 WG, Prevathon 5 SC, Tasodan 600 EC…. Phun thuốc bằng bình có tia nhỏ đều, phun trực tiếp lên cây để có hiệu quả tốt. Đối với diện tích bị nhiễm với mật độ cao cần phải phun kép 2 lần, thời gian phun trừ tập trung từ ngày 15-25/8.
Với bệnh khô vằn và rầy nâu sẽ hướng dẫn nông dân phun kép cùng đợt với phòng trừ sâu cuốn lá lứa 5, đồng thời lực lượng cán bộ ngành nông nghiệp, khuyến nông viên cơ sở cùng người dân thường xuyên tổ chức thăm đồng để nắm bắt tình hình phát sinh sâu bệnh hại trên lúa, các ổ dịch cũ và diễn biến thời tiết khí hậu thời gian tới (nhất là từ giữa cuối tháng 8 đầu tháng 9 là thời điểm lúa trỗ đại trà) để hướng dẫn bà con nông dân các biện pháp phòng trừ sâu bệnh hại lúa mùa.
Xã Khánh Thượng là một trong những địa phương có diện tích lúa khá lớn của huyện với trên 470 ha trong đó trên 115 ha để làm lúa tái sinh. Hiện nay, nhiều diện tích lúa mùa của xã bị nhiễm các loại bệnh: khô vằn, rầy nâu, nhất là sâu đục thân xuất hiện với mật độ cao trên trên các vùng làm lúa tái sinh trong vụ xuân.
Ông Ngô Xuân Hanh, cán bộ khuyến nông xã cho biết: "Từ khi phát hiện dịch bệnh, đài phát thanh của xã liên tục thông tin cho nhân dân về tình hình sâu bệnh, khuyến cáo những loại thuốc bảo vệ thực vật hiệu quả cho bà con. Do chủ động trong công tác dự báo và phòng trừ sâu bệnh nên diện tích lúa nhiễm bệnh của Khánh Thượng đang được khống chế, không để lan rộng. Hiện chúng tôi đang tích cực phát động bà con nông dân tiến hành khoanh vùng, dập dịch bệnh bằng cách sử dụng hợp lý các loại thuốc bảo vệ thực vật kết hợp với vệ sinh đồng ruộng, giữ đủ nước tạo điều điều kiện cho lúa sinh trưởng và phát triển tốt".
Để đảm bảo năng suất lúa, trong thời gian tới, Yên Mô sẽ tiếp tục chỉ đạo Phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn, Trạm bảo vệ thực vật huyện phối hợp chặt chẽ với các HTX nông nghiệp tăng cường theo dõi diễn biến tình hình sâu bệnh để có những biện pháp xử lý kịp thời. Đồng thời tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các điểm buôn bán thuốc bảo vệ thực vật, hướng dẫn người nông dân mua đúng, đủ các chủng loại thuốc nhằm phòng trừ sâu bệnh hiệu quả và bảo vệ môi trường.
Bài, ảnh: Quốc Khang