Thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững, những năm qua cấp ủy, chính quyền huyện Yên Mô đã chỉ đạo các cấp, các ngành, địa phương tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền để hộ nghèo nắm bắt được các chủ trương, chính sách, xác định cho bản thân và gia đình tinh thần tự lực vươn lên cùng sự giúp đỡ, hỗ trợ của các ban, ngành, đoàn thể, địa phương. Thực hiện công tác giảm nghèo, huyện đã chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể làm tốt công tác phối hợp để đảm bảo mọi chủ trương, chính sách về giảm nghèo được chuyển tải đến với hộ nghèo kịp thời, chính xác, đúng quy định. Như trong lĩnh vực tạo nguồn vốn vay, khi có chủ trương cho vay hộ nghèo để phát triển kinh tế, các đoàn thể ở cơ sở căn cứ vào nhu cầu thực tế của các hộ nghèo, hộ cận nghèo, tiến hành khảo sát, xác minh tình trạng hộ nghèo rồi mới lên danh sách, lập hồ sơ. Huyện đã chỉ đạo các địa phương rà soát lập danh sách các hộ nghèo, cận nghèo, hộ gia đình có điều kiện khó khăn để đứng ra tín chấp với Ngân hàng Chính sách xã hội, tạo điều kiện cho các hộ nghèo vay vốn. Trong quá trình cho vay vốn, tổ chức kiểm tra, theo dõi nguồn vốn vay đảm bảo được sử dụng đúng mục đích. Đồng thời, cùng với việc vay vốn, các đoàn thể theo từng nội dung hoạt động còn hỗ trợ hộ nghèo thêm các điều kiện để thoát nghèo như: giúp ngày công, con giống, phương tiện sản xuất, giúp về kinh nghiệm sản xuất, chăn nuôi… Do đó, nguồn vốn vay phần lớn được các hộ vay sử dụng đạt mục đích, hiệu quả, phát huy tác dụng. Theo số liệu thống kê từ năm 2014 đến nay, tổng số hộ được vay vốn theo các chương trình của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện là trên 10.200 hộ với tổng số tiền vay là 300 tỷ đồng. Nhờ nguồn vốn được vay, nhiều hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn huyện đã có thêm điều kiện thuận lợi để đầu tư phát triển sản xuất, chăn nuôi, hình thành các mô hình phát triển kinh tế phù hợp với điều kiện… Qua đó đã giúp các hộ nghèo, hộ cận nghèo nâng cao thu nhập, từng bước ổn định cuộc sống. Cùng với hoạt động tạo vốn vay, huyện đã chỉ đạo 17 xã, thị trấn và các đoàn thể chính trị - xã hội từ huyện đến cơ sở tích cực triển khai các nội dung hoạt động khác nhằm giúp đỡ, hỗ trợ người dân trong phát triển kinh tế như: chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, hướng dẫn kỹ thuật thâm canh, tăng vụ nhằm tăng năng suất, chất lượng các sản phẩm nông nghiệp, tập huấn kiến thức về chăm sóc vật nuôi, cây trồng… Trong đó, hoạt động đào tạo nghề, đào tạo nâng cao tay nghề cho người lao động được chú trọng.
Những năm qua, Yên Mô đã triển khai thực hiện hiệu quả, nghiêm túc nhiều chủ trương, chính sách của Trung ương, của tỉnh về đào tạo nghề. Trong đó có chính sách về hỗ trợ chuyển đổi nghề, dạy nghề cho nông dân, gắn dạy nghề với nhu cầu việc làm. Trong công tác đào tạo nghề, huyện chú trọng vào những nghề phi nông nghiệp để giúp người dân có thêm việc làm vào lúc nông nhàn, việc làm phù hợp với lao động ở những khu vực thu hồi đất nông nghiệp để giúp lao động nông thôn có nghề trong tay, tìm kiếm được việc làm phù hợp tại các nhà máy, xí nghiệp. Huyện Yên Mô đã chỉ đạo các đoàn thể tổ chức rà soát nhu cầu học nghề của người dân, đặc biệt là hộ nghèo, hộ cận nghèo. Từ đó xây dựng kế hoạch mở các lớp đào tạo nghề bám sát theo nhu cầu của người học nghề để đảm bảo các nghề được học sẽ hỗ trợ đắc lực người lao động trong việc tìm kiếm việc làm. Bên cạnh đó, huyện cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền về các chủ trương, chính sách hỗ trợ của Nhà nước về đào tạo nghề, về quyền lợi của người lao động khi tham gia học nghề…
Qua đó góp phần thu hút đông đảo lao động nông thôn tham gia. Năm 2016 và quý I năm 2017, huyện đã tổ chức được 7 lớp đào tạo nghề phi nông nghiệp như: thêu ren, đan cói xuất khẩu, may công nghiệp, thu hút hơn 200 lao động tham gia. Những lao động được đào tạo nghề đều được giới thiệu hoặc tự tìm được việc làm, có thu nhập ổn định. Có thể kể đến hoạt động của Công ty TNHH giày Athena tại xã Yên Lâm ngay khi đi vào hoạt động đã thu hút gần 1.000 lao động địa phương và vùng lân cận vào làm việc, góp phần vào công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm của huyện. Bên cạnh đó, Trung tâm dạy nghề của huyện còn phối hợp với Công ty xuất khẩu lao động đẩy mạnh tuyên truyền, tư vấn về xuất khẩu lao động cho người dân có nhu cầu. Riêng năm 2016 toàn huyện có 146 người đi xuất khẩu lao động và hơn 2.000 lao động nông thôn được giải quyết việc làm…
Bùi Diệu