Vụ sản xuất đông xuân năm nay, xã Yên Phong gieo cấy 425 ha lúa, trong đó cơ cấu giống lúa chất lượng cao đạt trên 60% diện tích, tăng 0,2% so với năm 2017; 99% diện tích được gieo thẳng. Ngoài làm tốt công tác chuẩn bị, thực hiện tốt các kỹ thuật canh tác, Yên Phong đã chủ động trong khâu chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh cho lúa. Ông Trần Văn Dung, Phó Chủ tịch UBND xã Yên Phong cho biết: Trong vụ sản xuất đông xuân, trên các cánh đồng của Yên Phong xuất hiện một số loại sâu bệnh như: Đạo ôn lá, đạo ôn cổ bông...
Tuy nhiên, xã đã làm tốt công tác tuyên truyền, hướng dẫn và chỉ đạo phòng trừ từng đối tượng sâu bệnh đến người dân. Qua thông báo của Phòng Nông nghiệp huyện và thực tế kiểm tra trên đồng ruộng, các HTX đã chủ động dự thính, dự báo, đưa ra kế hoạch phun trừ cụ thể cho đơn vị mình.
Ngoài ra cán bộ của các HTX phối hợp với cán bộ huyện bám đồng ruộng hướng dẫn cho bà con nông dân từ mua loại thuốc gì, mua ở đâu, kỹ thuật phun, cách kết hợp phun khi cần như thế nào cho hiệu quả, tránh lãng phí và bảo vệ môi trường. Nhờ vậy, bà con nông dân chủ động và phòng trừ sâu bệnh trong suốt mùa vụ đạt hiệu quả.
Có thể khẳng định, đến thời điểm này Yên Phong đã giành thắng lợi vụ sản xuất đông xuân 2017-2018. Năng suất lúa bình quân toàn xã ước đạt trên 60 tạ/ha. Do đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất, 100% diện tích lúa đông xuân được gặt bằng máy gặt đập liên hợp nên tiến độ thu hoạch được đẩy nhanh, đến nay địa phương cơ bản gặt xong toàn bộ diện tích.
Về xã Khánh Dương thời điểm này, bà con nông dân đang tập trung phơi lúa sau thu hoạch. Ông An Viết Dũng, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Năm nay năng suất bình quân toàn xã đạt 66 tạ/ha, cao hơn năm 2017 gần 4 tạ/ha. Một trong những yếu tố quan trọng để giành thắng lợi trong vụ đông xuân là thời tiết thuận lợi cho sản xuất, cây trồng sinh trưởng, phát triển tốt, ít sâu bệnh.
Cùng với chủ động trong sản xuất từ khâu giống, vật tư phân bón, lịch thời vụ, phòng trừ sâu bệnh nên năng suất lúa năm nay khá đồng đều.
Bên cạnh đó, Khánh Dương có sự chuyển dịch cơ cấu giống lúa khá mạnh mẽ và đẩy mạnh áp dụng các biện pháp thâm canh tiên tiến vào sản xuất. Toàn xã có 70% diện tích cấy lúa chất lượng cao và 100% diện tích được áp dụng hình thức gieo thẳng.
Đặc biệt ở khâu thu hoạch, 100% diện tích được gặt bằng máy gặt đập liên hợp vừa thu hoạch nhanh gọn khi thời tiết thuận lợi, vừa giảm công lao động, giảm chi phí trong sản xuất,
Vụ đông xuân 2017-2018, huyện Yên Mô gieo cấy 6.564 ha lúa, trong đó diện tích lúa gieo thẳng đạt trên 5.200 ha, chiếm 79,6% tổng diện tích.
Các đơn vị đã tích cực chuyển đổi cơ cấu giống theo hướng giảm diện tích lúa lai, tăng diện tích gieo cấy lúa chất lượng cao, lúa nếp để nâng cao giá trị thu nhập trên 1 đơn vị diện tích đất canh tác. Toàn huyện chỉ còn 10,3% diện tích lúa lai, diện tích lúa thuần chiếm 89,7% diện tích.
Bà Lê Thị Linh, Phó phòng Nông nghiệp & PTNT huyện Yên Mô cho biết: Theo đánh giá sơ bộ, sản xuất lúa đông xuân năm nay tương đối thuận lợi. Tuy thời tiết đầu vụ có xảy ra rét đậm, rét hại kéo dài nhưng đến thời điểm gieo cấy tập trung (từ ngày 8/2 trở đi) thời tiết ấm dần lên, rất thuận lợi cho việc gieo trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh.
Thời điểm lúa trỗ bông có nắng mưa xen kẽ tạo điều kiện cho lúa trỗ thoát nhanh, phơi màu, độ mẩy cao. Cuối vụ thời tiết liên tục có nắng thuận lợi cho cây trồng phát triển khá đồng đều giữa các trà, các giống, sạch sâu bệnh, giàn lúa đẹp, bông dài, hạt chắc mẩy, năng suất và sản lượng đạt cao hơn so với vụ đông xuân năm 2017.
Năng suất lúa bình quân toàn huyện ước đạt 67,15 tạ/ha (tăng 0,5 tạ/ha so với vụ đông xuân năm 2017), trong đó năng suất lúa chất lượng cao, lúa nếp các loại đạt 65,46 tạ/ha, lúa thuần ước đạt 68,90 tạ/ha, lúa lai đạt 72,64 tạ/ha; sản lượng lúa toàn huyện ước đạt hơn 44 nghìn tấn.
Đến nay toàn huyện đã cơ bản thu hoạch hết diện tích lúa đông xuân, đảm bảo ăn chắc. Như vậy có thể khẳng định với sự quyết tâm của cán bộ, nhân dân, đặc biệt là người nông dân, cùng sự ủng hộ của thời tiết, Yên Mô đã giành thắng lợi vụ đông xuân 2017-2018 cả về năng suất và sản lượng.
Bài, ảnh: Hồng Giang