Thực hiện Nghị định 59/NĐ-CP ngày 4-7-1994 của Chính phủ về tách 9 xã của huyện Yên Khánh cũ về lập lại huyện Yên Khánh và đổi tên huyện Tam Điệp thành huyện Yên Mô, ngày 1-9-1994, huyện Yên Mô chính thức được tái lập và đi vào hoạt động. Thời gian mới tái lập huyện, điều kiện kinh tế - xã hội của Yên Mô nằm trong bộn bề khó khăn, nhất là điều kiện tự nhiên không thuận lợi, kinh tế chậm phát triển, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội hầu như chưa có gì, thu nhập bình quân đầu người và thu ngân sách trên địa bàn thấp.
Đặc biệt, việc phát triển giao thông của huyện gặp rất nhiều khó khăn. Toàn huyện có trên 400 km đường giao thông các loại, trong đó chỉ có 2 km đường rải nhựa đoạn của Nhà máy gạch Yên Từ, còn lại là đường đá dăm, nhiều tuyến đường trục thôn, xã là nền đất. Các tuyến đường ô tô đến trung tâm xã hầu như chưa có.
Trong đó, toàn huyện chỉ có 5 cây cầu để thông thương giữa các xã với nhau và giữa các xã của huyện Yên Mô với huyện giáp ranh như cầu Tràng, cầu Rào, cầu Yên Thổ, cầu Lồng, cầu Bút… Khó khăn đó của huyện tồn tại khá lâu, trở thành rào cản, làm cho kinh tế - xã hội của huyện chậm phát triển, luôn đứng trong tốp cuối của tỉnh.
Đồng chí Bùi Minh Đức, Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Mô cho biết: Trước những khó khăn về hạ tầng giao thông những năm đầu tái lập huyện, Huyện ủy, HĐND, UBND huyện đã có chủ trương phải tập trung đầu tư xây dựng và phát triển hệ thống giao thông nông thôn để kích cầu phát triển kinh tế. Đến năm 2000, mở đầu thời kỳ bê tông hóa đường giao thông nông thôn trong toàn huyện và đồng thời triển khai dự án GTNT 2-WB2, xây dựng đường đến trung tâm các xã với tiêu chuẩn đường đá dăm láng nhựa.
Bằng kinh phí ngân sách Nhà nước, địa phương và sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, hàng trăm tỷ đồng được đầu tư để xây mới, nâng cấp, mở rộng các tuyến đường như đường Quốc lộ 12 nối Quốc lộ 1 với huyện Kim Sơn dài 19,3 km; đường tỉnh lộ 480B thuộc địa phận Yên Mô dài 4 km, tỉnh lộ 480C dài 4 km; Quốc lộ 21B dài 12,4 km (ĐT 480E và ĐT 480D); đường trục liên xã dài 74 km với quy mô mặt đường bê tông 3,5 - 5,5m. Cùng với đó, giai đoạn 2010-2016, từ phong trào xây dựng nông thôn mới đã làm mới và sửa chữa hàng trăm km đường giao thông nông thôn với tổng kinh phí hàng trăm tỷ đồng, đã làm thay da đổi thịt diện mạo của huyện thuần nông.
Nếu như năm 1994 khi mới tái lập huyện, toàn huyện mới có 4,2 km đường giao thông được rải nhựa, bê tông thì đến năm 2013, toàn huyện đã có 595,2 km đường được rải nhựa, đổ bê tông, tăng 141,7 lần so với năm 1994. Đặc biệt, trong năm 2016, huyện Yên Mô tập trung chỉ đạo đẩy nhanh triển khai thi công các dự án: Đường cứu hộ, cứu nạn cho nhân dân vùng mưa lũ các xã Yên Phú, Yên Mỹ đến đê sông Bút, hồ Yên Thắng; đường đến trung tâm các xã Mai Sơn, Khánh Thượng, Khánh Thịnh thuộc các xã miền núi khó khăn mới chia tách huyện Yên Mô; đường cứu hộ, cứu nạn cho nhân dân vùng mưa lũ các xã Yên Nhân, Yên Từ, Yên Phong đến đê sông Vạc và các xã chỉnh trang nâng cấp đường giao thông nông thôn để đạt tiêu chí chuẩn nông thôn mới. Trong năm 2016, đã cải tạo, nâng cấp được 32,2 km đường giao thông nông thôn. Đến nay, về cơ bản, đường trục xã, liên xã đã đạt chuẩn, phần lớn đường bê tông hóa và nhựa hóa trên toàn huyện đạt trên 80%.
Yên Mô cũng đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng xây nhiều cây cầu mới, tạo thuận lợi thông thương kinh tế - xã hội của các xã, huyện như cầu Phước Long, Lạc Hiền, cầu Yên Thổ I, II, cầu Rào, cầu Giang Khương, cầu Thừa Tiên, cầu Khương Dụ, cầu Sông Yêm, cầu Lộc, cầu Eo Bát… Tổng nguồn vốn đầu tư cho xây dựng hạ tầng giao thông của huyện trong 15 năm 1994-2009 là trên 110 tỷ đồng.
Đến năm 2016, huyện đang triển khai nhiều dự án giao thông với hàng trăm tỷ đồng, từ đó cho thấy, bức tranh giao thông trên địa bàn huyện Yên Mô ngày một sáng rõ, kết cấu hạ tầng giao thông được đầu tư phát triển có tính đột phá theo hướng bền vững.
Các tuyến đường, cây cầu, đường tới vùng khó khăn, vùng núi liên tục được cải tạo, nâng cấp và xây dựng mới, tạo ra những huyết mạch giao thông quan trọng, đảm bảo kết nối giao thương thuận tiện, góp phần vào sự tăng trưởng nền kinh tế của huyện, đặc biệt trong việc xóa đói, giảm nghèo, đáp ứng nhu cầu phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của các thành phần kinh tế, đảm bảo quốc phòng - an ninh và an sinh xã hội, góp phần đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên địa bàn.
Đây cũng là nền tảng quan trọng để huyện Yên Mô đổi mới đi lên, tiến tới xây dựng thành huyện nông thôn mới, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2015-2020 đề ra.
Bài, ảnh: Hồng Vân - Đức Lam