Sau bao cuộc họp bàn, những bất cập và hạn chế nhất ở các địa phương trong huyện được tìm ra: Chưa thực hiện quy hoạch đồng bộ giao thông, đường còn nhỏ, lại bị sạt lở, xuống cấp qua các năm… rất khó khăn khi nhân dân đưa máy móc vào sản xuất. Hệ thống kênh mương tưới tiêu còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng đầy đủ và kịp thời cho sản xuất, tình trạng manh mún ruộng đất... Nhằm tích tụ ruộng đất thành những ô thửa lớn, liền khu liền khoảnh, từ đó hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, áp dụng tiến bộ KHKT vào ruộng đồng, đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân, tạo điều kiện cho các hộ nông dân yên tâm sử dụng và khai thác đất nông nghiệp lâu dài và hiệu quả, đồng thời nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý Nhà nước về đất đai, nhiệm vụ cấp bách đặt ra đối với các xã, thị trấn trong huyện là cần phải tiến hành dồn điền, đổi thửa gắn với chỉnh trang đồng ruộng trong sản xuất nông nghiệp làm cơ sở thực hiện thành công chương trình xây dựng nông thôn mới. "Chìa khóa vàng" được Ban chỉ đạo dồn điền, đổi thửa các địa phương tìm thấy đó là đẩy mạnh việc chỉnh trang lại đồng ruộng, gắn với dồn điền, đổi thửa. Ruộng đồng được chỉnh trang, kênh mương nội đồng được quy hoạch, giao thông nội đồng được xây dựng đáp ứng nhu cầu vận chuyển, thu hoạch nông sản cuối vụ. Khi tư tưởng đã thông đã góp phần tăng thêm lực đẩy triển khai nhanh các bước tiếp theo. Đồng chí Phạm Văn Ngân, Chủ tịch UBND xã Yên Hòa cho biết: Yên Hòa là xã miền núi, xuất phát điểm thấp, "khi tư tưởng đã thông", từ Đảng bộ, chính quyền đến mỗi người dân đều đồng thuận trong mọi công việc: Từ việc di dời 76 ngôi mộ nằm trên khắp các xứ đồng, bờ đỗi…quy tập về nghĩa trang nhân dân; san phẳng 211 gòng, vồng nằm rải rác ở các xứ đồng; xóa 408 tuyến kênh mương cũ để thay thế bởi 239 tuyến kênh mương nội đồng mới theo quy hoạch dồn điền, đổi thửa … Đến tháng 12-2013, Yên Hòa đã hoàn thành việc dồn điền, đổi thửa, với bình quân toàn xã là 1,1 mảnh/hộ.
Năm 2013, toàn tỉnh có 32 xã cơ bản hoàn thành công tác dồn điền, đổi thửa, thì riêng huyện Yên Mô có 12 xã được ghi danh. Yên Mô là địa phương đi đầu trong phong trào dồn điền, đổi thửa của tỉnh.
Đến cuối tháng 4-2015, huyện Yên Mô đã có 16/17 xã cơ bản hoàn thành việc chỉnh trang đồng ruộng và hệ thống giao thông, thủy lợi. Các địa phương đã đào đắp gần 1.191 tuyến đường trục chính nội đồng, 1.755 tuyến đường bờ vùng, bờ thửa, 1.438 tuyến kênh mương với tổng chiều dài 1.096 km, khối lượng đào đắp 1.379 nghìn m3…
Đến thời điểm hiện tại, Yên Mô đã có 16/17 xã, thị trấn (217/220 thôn, xóm) hoàn thành việc chỉnh trang đồng ruộng, giao ruộng cho nhân dân kịp thời sản xuất từ vụ đông năm 2014. Sau dồn điền, đổi thửa, bình quân số thửa đất nông nghiệp của các hộ trong huyện giảm xuống còn 1,9 thửa/hộ (số hộ còn 3 thửa chỉ chiếm 18,4%).
Có thể nhận thấy, ở những xã đã thực hiện chỉnh trang đồng ruộng và dồn điền, đổi thửa đã khắc phục được tình trạng ruộng đất manh mún trong sản xuất nông nghiệp, bước đầu hình thành vùng chuyên canh các loại cây trồng có giá trị kinh tế, việc đầu tư thâm canh, áp dụng cơ giới hóa vào đồng ruộng giúp tăng quỹ thời vụ rộng rãi, hoạt động sản xuất nhanh chóng, thuận tiện hơn. Sau khi dồn điền, đổi thửa, nhiều hộ đã đầu tư sản xuất theo hướng đa canh, sản xuất lớn. Việc đưa cơ giới hóa vào sản xuất đã thuận lợi hơn, năng suất và hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp từng bước được nâng cao…
Trên địa bàn huyện nhiều mô hình kinh tế gia trại, trang trại đã xuất hiện, không chỉ khai thác tốt tiềm năng mà còn góp phần nâng cao thu nhập, tạo việc làm cho người nông dân. Đó là các vùng chuyên canh: Làng rau Liên Trì (50ha), mô hình lúa + cá (40ha) ở xã Yên Hòa, trang trại tổng hợp ở xã Yên Thắng; vùng chuyển đổi ruộng trũng sang trồng lúa kết hợp nuôi cá ở xã Yên Đồng, Yên Thắng…
Dồn điền, đổi thửa - cơ sở để chuyển đổi phương thức sản xuất trong nông nghiệp, bố trí các vùng sản xuất phù hợp nhằm khai thác tiềm năng, thế mạnh của đất đai và điều kiện tự nhiên. Dồn điền, đổi thửa có những khó khăn, trở ngại, nhưng là "chìa khóa" để thực hiện thành công một số tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới ở huyện Yên Mô.
Bài, ảnh: Nguyễn Minh