Hiện nay, trên địa bàn huyện Yên Mô có 188 doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó có 129 doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh hiệu quả. Các doanh nghiệp hoạt động ở nhiều lĩnh vực khác nhau như: sản xuất vật liệu xây dựng, sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu, may xuất khẩu, Sản xuất khí công nghiệp, xây lắp công trình...
Nhiều doanh nghiệp có quy mô hoạt động sản xuất, kinh doanh đa ngành như: Công ty cổ phần sản xuất vật liệu xây dựng Yên Từ, Công ty TNHH Đầu tư & xây dựng Toàn Thành, Công ty TNHH đầu tư xây dựng Hoàng Bá, DNTN Hoa Cương, Công ty TNHH Xuân Tùng...
Theo đại diện lãnh đạo Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Yên Mô, những năm gần đây Yên Mô đã có nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp ổn định sản xuất và đẩy mạnh sản xuất ở lĩnh vực công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp.
Trong đó, huyện chú trọng thực hiện giải pháp quy hoạch, phát triển các cụm công nghiệp và điểm công nghiệp. Yên Mô đã quy hoạch 4 cụm công nghiệp, bao gồm: Mai Sơn, Khánh Thượng, Yên Lâm, Yên Thổ (thị trấn Yên Thịnh) với tổng diện tích gần 160 ha và quy hoạch 17 điểm công nghiệp với tổng diện tích đến năm 2020 trên 200 ha.
Nhờ cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, hỗ trợ, tạo điều kiện cho lĩnh vực sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp phát triển, trong 3 quý đầu năm 2017, huyện Yên Mô đã có sự bứt phá về công tác thu hút đầu tư với nhiều dự án lớn đang đầu tư hoặc đã đi vào hoạt động.
Đặc biệt, Yên Mô đã thu hút nhiều doanh nghiệp may có suất đầu tư lớn như: Công ty TNHH Giầy Athena Việt Nam đã đi vào hoạt động và giải quyết việc làm cho gần 3.000 lao động; Công ty HK đang hoàn thiện đầu tư và sẽ giải quyết việc làm cho 600 lao động....
Bên cạnh việc quy hoạch các cụm, điểm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, huyện Yên Mô đặc biệt quan tâm phát triển ngành nghề tiểu thủ công nghiệp theo hướng tập trung các nghề có thế mạnh và thị trường tiêu thụ lớn, thu hút nhiều lao động.
Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, sản xuất sản phẩm các làng nghề truyền thống đã có nhiều đổi mới trong cách thức hoạt động, mạnh dạn mở rộng quy mô, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chú trọng nâng cao tay nghề cho người lao động, tạo ra những sản phẩm có sức cạnh tranh cao, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng ngày càng khắt khe đối với hàng xuất khẩu.
Với các giải pháp thúc đẩy sản xuất, cùng sự nỗ lực của chính các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất nên hoạt động sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn huyện Yên Mô phát triển ổn định và có mức tăng trưởng khá.
Trong 9 tháng đầu năm 2017, giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp đạt 526 tỷ đồng, đạt 78,5% kế hoạch, trong đó các doanh nghiệp may xuất khẩu phát triển mạnh và là ngành có giá trị sản xuất chiếm tỷ lệ cao nhất là 135 tỷ đồng; lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng đạt 120 tỷ đồng; sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu đạt 48 tỷ đồng....
Các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn huyện đã thu hút và tạo việc làm thường xuyên, thu nhập ổn định cho trên 5.000 lao động.
Ngoài hoạt động sản xuất, kinh doanh, các doanh nghiệp đã tích cực tham gia các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, chương trình vì người nghèo, chương trình xây dựng nông thôn mới, kết nghĩa với xã đặc thù..., góp phần tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết việc làm và các vấn đề an sinh xã hội, xóa đói, giảm nghèo trên địa bàn huyện.
Bên cạnh kết quả đạt được, hoạt động sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn huyện Yên Mô còn nhiều khó khăn do quy mô sản xuất và nguồn vốn đầu tư của các doanh nghiệp trên địa bàn huyện còn nhỏ. Số lượng các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp chưa nhiều, sản phẩm còn nghèo nàn, chưa thu hút được nhiều lao động, sức cạnh tranh chưa cao, còn phụ thuộc nhiều vào các doanh nghiệp bên ngoài, chưa có doanh nghiệp lớn để hỗ hợ cho kinh tế cá thể, nhất là trong nghề cói, thêu ren...
Theo ông Nguyễn Văn Từ, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp huyện Yên Mô: Trong thời gian tới để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất, cùng với các cơ chế, chính sách đã có của huyện, Hội Doanh nghiệp huyện Yên Mô chủ động đề xuất với lãnh đạo huyện tổ chức các cuộc gặp mặt, đối thoại giữa UBND huyện với doanh nghiệp định kỳ hàng năm nhằm trao đổi thông tin, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Đồng thời đề nghị các cấp tiếp tục quan tâm hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn tài chính, tín dụng và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn phù hợp với tính chất, điều kiện, quy mô của doanh nghiệp; tăng cường khả năng tiếp cận đất đai làm mặt bằng sản xuất, kinh doanh; hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, nâng cao trình độ kỹ thuật, xúc tiến thương mại, tiếp cận thị trường, mở rộng sản xuất, kinh doanh và đào tạo nguồn nhân lực.
Hồng Giang