Tại Nhà máy gạch Mai Sơn, hàng trăm công nhân đang hăng say lao động, thi đua tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả công việc. Đang dở tay phân loại gạch, anh Lê Thành Trung, công nhân Nhà máy cho biết: Để đáp ứng tốt các đơn đặt hàng và nhu cầu hiện nay trên thị trường, ngay từ tháng đầu tiên của năm, Nhà máy đã phát động phong trào thi đua lao động sản xuất tới cán bộ, công nhân lao động.
Mặc dù Nhà máy có một số khó khăn, nhưng Ban lãnh đạo đã nỗ lực cố gắng, tạo việc làm ổn định cho công nhân. Để đưa nhà máy ngày càng phát triển đi lên, tôi và anh em công nhân ở đây tích cực tham gia sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm. Trong những tháng tiếp theo, chúng tôi mong muốn Nhà máy vượt qua khó khăn, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, tiếp tục nâng cao thu nhập và cải thiện điều kiện làm việc cho người công nhân.
Đại diện Nhà máy gạch Mai Sơn cho biết: Năm 2015, doanh nghiệp gặp phải những khó khăn nhất định: Các dự án làm đường trên địa bàn huyện lấy đi một phần đất sản xuất của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, do trên địa bàn tỉnh có nhiều doanh nghiệp sản xuất gạch với sản lượng lớn nên vấn đề thị trường, tiêu thụ sản phẩm của doanh nghiệp bị hạn chế.
Do đó năm 2015, Nhà máy gạch Mai Sơn chưa đạt được những mục tiêu đã đề ra. Sản lượng tiêu thụ cả năm ước đạt 18 triệu viên, doanh thu ước đạt trên 12 tỷ đồng (đạt 80% so với kế hoạch).
Tuy khó khăn nhưng doanh nghiệp vẫn đảm bảo mức thu nhập bình quân 4 triệu đồng/người/tháng cho 120 lao động thường xuyên.
Đồng thời đảm bảo đầy đủ các chế độ ăn trưa, ăn đêm cho toàn bộ công nhân; các chế độ bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội đều được đóng theo yêu cầu của người lao động; thực hiện đầy đủ các chế độ nghỉ lễ, tết... Năm 2016, Nhà máy gạch Mai Sơn có kế hoạch sản xuất 35 triệu viên gạch và sản lượng tiêu thụ đạt trên 30 triệu viên, doanh thu phấn đấu đạt 25 tỷ đồng; giải quyết thêm việc làm cho lao động địa phương với mức thu nhập tăng lên 4,5 triệu đồng/người/tháng.
Để đạt được mục tiêu trên, Nhà máy đã phát động đẩy mạnh sản xuất, nâng cao hiệu quả làm việc của công nhân, đồng thời vẫn đảm bảo phương châm sản xuất "chất lượng và giá thành".
Tăng cường quảng bá thông qua các kênh khác nhau, tiếp thị, giới thiệu sản phẩm đến tận các đại lý chân rết, chủ các công trình xây dựng. Đồng thời, tiếp tục đảm bảo đầy đủ các chế độ về bảo hiểm, lương, thưởng, tăng ca… để người lao động yên tâm sản xuất, gắn bó lâu dài với doanh nghiệp.
Được biết, nhờ thực hiện tốt các giải pháp thúc đẩy sản xuất, cùng sự nỗ lực của chính các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất nên hoạt động sản xuất CN-TTCN trên địa bàn huyện Yên Mô phát triển ổn định và có mức tăng trưởng khá. Tổng giá trị sản xuất CN-TTCN trên địa bàn huyện trong 2 tháng đầu năm ước đạt trên 106,2 tỷ đồng.
Trong đó, các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng phát triển mạnh và là ngành có giá trị sản xuất chiếm tỷ lệ cao trong tổng giá trị sản xuất CN-TTCN với các sản phẩm đa dạng: gạch các loại; đá mỹ nghệ; vôi củ; bê tông thương phẩm...
Nhiều doanh nghiệp đã ứng dụng những thành tựu khoa học, công nghệ vào quá trình sản xuất, đảm bảo hiệu quả, chất lượng như: Công ty cổ phần sản xuất vật liệu xây dựng Yên Từ, Công ty TNHH Đầu tư và Xây dựng Toàn Thành, Công ty TNHH Đầu tư và Xây dựng Hoàng Bá, Nhà máy gạch Cầu Rào, Nhà máy gạch Khánh Thượng... Các doanh nghiệp trên địa bàn huyện đã góp phần giải quyết việc làm cho trên 30 nghìn lao động với mức thu nhập bình quân từ 3- 4 triệu đồng/người/tháng.
ở lĩnh vực TTCN, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, các làng nghề truyền thống đã nhận thức được tầm quan trọng trong chiến lược sản xuất, kinh doanh, mạnh dạn mở rộng quy mô, nâng cao tay nghề cho người lao động, tạo ra những sản phẩm có sức cạnh tranh cao, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng ngày càng khắt khe đối với hàng xuất khẩu.
Ngoài duy trì và phát triển 13 làng nghề truyền thống được công nhận là làng nghề cấp tỉnh, các địa phương trên địa bàn huyện còn khuyến khích mở rộng nhiều nghề mới du nhập để tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho lao động.
Nhiều xã có giá trị sản xuất CN-TTCN cao, tốc độ tăng trưởng nhanh như: Yên Nhân, Yên Lâm, Yên Từ, Yên Phong… Hoạt động các làng nghề đã đóng góp khoảng 30-35% giá trị sản xuất CN-TTCN trong toàn huyện.
Năm 2016, huyện Yên Mô phấn đấu giá trị CN- TTCN đạt 619 tỷ đồng. Để đạt được mục tiêu đó, huyện tập trung duy trì và phát triển các doanh nghiệp hiện có, đồng thời thu hút đầu tư phát triển CN-TTCN tại điểm công nghiệp Khánh Thượng và điểm công nghiệp Yên Lâm; tạo điều kiện mở rộng quy mô sản xuất nghề gốm sứ Bồ Bát-Yên Thành...
Duy trì và mở rộng ngành nghề thủ công mỹ nghệ, các ngành nghề truyền thống, phát triển nghề mới theo hướng đa dạng hóa ngành nghề như may mặc, chế tác đá mỹ nghệ... Khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp vào đầu tư sản xuất, kinh doanh ở tất cả các lĩnh vực nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động.
Hồng Giang