Trước thực trạng đó, năm 2003, UBND huyện đã xây dựng mô hình chuyển đổi 11 ha ruộng trũng trồng lúa kém hiệu quả tại xã Yên Thắng sang cấy lúa kết hợp nuôi thủy sản.
Theo đồng chí Phạm Trọng Nguyên, Trưởng Phòng Nông nghiệp & PTNT huyện: Từ kết quả của mô hình xây dựng tại xã Yên Thắng và công tác dồn điền, đổi thửa của các xã năm 2003, UBND huyện đã xin ý kiến chỉ đạo của tỉnh về việc chuyển đổi diện tích ruộng trũng cấy lúa kém hiệu quả sang canh tác lúa - cá.
Tháng 12-2004 căn cứ thực tế, yêu cầu sản xuất và công tác quản lý đất đai, UBND huyện đã ban hành hướng dẫn số 01/HD-UB quy định nội dung, cách thức chuyển đổi để nhân dân tổ chức thực hiện đảm bảo hiệu quả cao.
Sau khi có văn bản chỉ đạo của UBND huyện, nhân dân các xã vùng chiêm trũng như Yên Thắng, Yên Thái, Yên Đồng... đã tích cực đầu tư nhân lực, vật lực tổ chức đắp bờ, đào mương, chỉnh trang đồng ruộng để sản xuất lúa-cá.
Đến hết năm 2013, toàn huyện có 470 hộ chuyển đổi được 184,94 ha ruộng trũng sang trồng lúa kết hợp nuôi thủy sản và chăn nuôi với hiệu quả thu được cao hơn cấy lúa từ 2-3 lần. Sau 10 năm chuyển đổi, toàn huyện mới thực hiện được gần 185 ha trong khi tiềm năng diện tích ruộng trũng của huyện còn rất lớn.
Nguyên nhân chủ yếu do tiềm lực của nhân dân có hạn, để chuyển đổi 1 ha canh tác đảm bảo hiệu quả cần ít nhất 300 triệu đồng để đầu tư, trong khi hệ thống kênh mương còn bất cập, chưa đáp ứng yêu cầu mở rộng sản xuất, hệ thống điện phục vụ sản xuất và đời sống do nhân dân tự làm nên không đảm bảo kỹ thuật.
Để khai thác có hiệu quả tiềm năng đất đai ở địa phương, UBND huyện đã xây dựng Đề án số 06/ĐA-UBND ngày 28-11-2013 về chuyển đổi diện tích ruộng trũng cấy lúa kém hiệu quả sang cấy lúa kết hợp nuôi thủy sản và được HĐND huyện thông qua ngày 24-12-2013.
Theo đó, huyện hỗ trợ 0,5 triệu đồng/ha để nạo vét kênh mương hoặc nâng cấp hệ thống điện cho vùng chuyển đổi có diện tích chuyển đổi trước năm 2014 và hỗ trợ 2 triệu đồng/ha đối với diện tích chuyển đổi từ năm 2014 -2015.
Đề án đã được cán bộ và nhân dân trong huyện đồng tình ủng hộ, đặc biệt là nhân dân các xã vùng chiêm trũng của huyện. Đến hết năm 2015, toàn huyện có 392 ha sản xuất lúa-cá, tăng 107 ha so với năm 2013.
Ngoài thu hoạch lúa 2 vụ, thu hoạch từ cá, các hộ còn thu nhập thêm từ chăn nuôi gia súc, gia cầm, nhất là vịt đẻ, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường ở khu dân cư.
Nhiều hộ đầu tư thâm canh cao, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, kết hợp với chăn nuôi cho thu nhập cao hơn cấy lúa 5-7 lần. Đây là cách thức làm giàu của nhân dân các xã vùng chiêm trũng trên địa bàn huyện. Mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, toàn huyện có 700 ha ruộng trũng chuyển đổi sang canh tác lúa - cá.
Để tiếp tục mở rộng vùng chuyển đổi, UBND huyện đã trình HĐND huyện sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Đề án 06/ĐA-UBND và đã được HĐND huyện khóa XII thông qua tại Nghị quyết số 09/NQ-HĐND ngày 21-12-2015, cho phép các xã tiếp tục mở rộng diện tích cấy lúa kém hiệu quả sang nuôi thủy sản kết hợp cấy lúa giai đoạn 2016 -2020, hỗ trợ 10 triệu đồng/ha để nâng cấp hệ thống điện hoặc nạo vét kênh mương phục vụ vùng chuyển đổi tập trung từ 5 ha trở lên.
Ông Trịnh Đình Quân, xã Khánh Thịnh đã chuyển đổi 3,56 ha ruộng trũng cấy lúa kém hiệu quả sang mô hình lúa-cá cho biết: Đây là một chủ trương đúng, trúng, hợp với lòng dân, giúp các hộ dân vùng chuyển đổi có thu nhập cao so với hình thức canh tác lúa truyền thống.
Đề án đã tạo điều kiện cho nhân dân các xã trong huyện khai thác có hiệu quả tiềm năng đất đai, lao động, kỹ thuật, nâng cao giá trị trên một đơn vị diện tích đất canh tác, cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân.
Theo tính toán của Phòng Nông nghiệp &PTNT huyện: Nếu chỉ cấy lúa ở ruộng trũng, năng suất lúa đạt cao nhất là 120 tạ/ha/năm (lúa cao sản) và giá lúa tính ở mức 5.500 đồng/kg thì doanh thu tối đa mỗi ha trong 1 năm đạt 66 triệu đồng; chi phí sản xuất lúa bình quân là 30 triệu đồng/ha thì lợi nhuận (bao gồm cả công lao động) đạt 36 triệu đồng/ha/năm.
Kết quả điều tra, khảo sát của huyện tại các hộ chuyển đổi năm 2014 ở xã Yên Thái và Yên Đồng cho thấy: Tổng doanh thu trung bình 1 ha chuyển đổi là 205 triệu đồng, cao gấp 3,1 lần so với cấy lúa, trong đó: Thu từ trồng lúa là 38 triệu đồng/ha (chiếm 18,5% doanh thu); thu từ cá là 71,53 triệu đồng/ha (chiếm 34,9% doanh thu), thu từ chăn nuôi 95,47 triệu đồng (chiếm 46,6% doanh thu).
Sau khi trừ chi phí lợi nhuận trung bình thu được 1 ha là 114,5 triệu đồng/năm, cao gấp 3,18 lần so với cấy lúa. Doanh thu trung bình 1 hộ là 69 triệu đồng/năm, lợi nhuận trung bình thu được mỗi hộ là 34 triệu đồng/năm.
Về mặt xã hội: Đã tạo việc làm và thu nhập ổn định cho 1.710 lao động ở địa phương; giảm thiểu ô nhiễm môi trường do hạn chế hoặc không sử dụng thuốc BVTV trong sản xuất lúa; giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong khu dân cư do các hộ chăn nuôi có quy mô lớn ở trong thôn xóm chuyển ra chăn nuôi ở các vùng chuyển đổi, đảm bảo an toàn sinh học; tạo ra các sản phẩm hàng hóa có chất lượng cao cung cấp cho thị trường trong huyện và ngoài huyện.
Cũng theo đồng chí Trưởng phòng Nông nghiệp &PTNT huyện, việc chuyển đổi diện tích ruộng trũng cấy lúa kém hiệu quả sang mô hình lúa-cá kết hợp nuôi thủy sản phù hợp với quy định quản lý đất lúa tại Nghị định 35/2015/NĐ-CP ngày 13-4-2015 của Chính phủ về quản lý và sử dụng đất trồng lúa, phù hợp với điều kiện tự nhiên - kinh tế - xã hội của huyện.
Khi triển khai, tổ chức thực hiện Đề án, nhân dân trên địa bàn huyện ủng hộ, hưởng ứng tích cực. UBND huyện đã ban hành các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo thực hiện kịp thời; các xã, thị trấn tham gia đề án đã bám sát sự chỉ đạo của UBND huyện, tổ chức chỉ đạo thực hiện và quản lý chặt chẽ công tác chuyển đổi.
Các hộ dân tham gia chuyển đổi đã mạnh dạn đầu tư vốn, áp dụng khoa học kỹ thuật, lao động tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của huyện...
Tuy nhiên, do hạ tầng kỹ thuật còn chưa đảm bảo, nhất là kênh mương trước đây chỉ phục vụ cho sản xuất lúa, trong khi nhu cầu về nước để nuôi cá đòi hỏi cao hơn; hệ thống điện do nhân dân tự làm là chính, chưa đảm bảo yêu cầu kỹ thuật...
Trong khi đó, ngân sách của huyện hạn hẹp, chỉ hỗ trợ việc xây dựng mô hình và tập huấn, chuyển giao kỹ thuật nên hiệu quả kinh tế chưa cao, chưa khai thác hết tiềm năng, thế mạnh của địa phương n
Đinh Chúc