Những năm gần đây ngành chăn nuôi của
huyện Yên Mô chuyển dịch theo hướng trang trại, gia trại, chăn nuôi tập trung. Chăn nuôi nhỏ lẻ đã giảm đáng kể, từ 85-90% năm 2010 xuống còn 70-80% năm 2014. Hiện nay các hộ chăn nuôi nhỏ chủ yếu là các hộ nuôi gia cầm, trâu bò....
Trên địa bàn huyện đã hình thành và phát triển 3 khu chăn nuôi tập trung với tổng diện tích 29 ha. Khu chăn nuôi Vân Hạ (xã Yên Thắng) có diện tích nhiều nhất là 24 ha với 21 hộ tham gia sản xuất (bình quân mỗi hộ có 1,14 ha). Các hộ tham gia sản xuất chủ yếu xây dựng mô hình vườn - ao - chuồng. Hiện nay hầu hết các hộ đã cơ bản hoàn thành việc xây dựng chuồng trại và bắt đầu sản xuất có hiệu quả.
Để khuyến khích khu chăn nuôi Vân Hạ phát triển, năm 2014 huyện Yên Mô đã xây dựng dự án đầu tư cơ sở hạ tầng và đã được UBND tỉnh chấp thuận đầu tư với số vốn từ nguồn ngân sách trên 10 tỷ đồng. Khi hoàn thành dự án sẽ tạo diện mạo mới, tạo thuận lợi cho các hộ dân nơi đây yên tâm sản xuất, mạnh dạn đầu tư vốn, ứng dụng kỹ thuật mới tiên tiến vào sản xuất.
Ngoài ra, khu chăn nuôi Văn Giáo (xã Khánh Thịnh) với diện tích 3 ha, khu chăn nuôi tập trung xã Yên Thái có diện tích 2 ha cũng đã được các hộ dân đầu tư xây dựng chuồng trại chăn nuôi, hầm bioga xử lý chất thải, các công trình phụ trợ khác và bước đầu đưa vào sản xuất có hiệu quả.
Bên cạnh 3 khu chăn nuôi tập trung đã hình thành rõ nét, chăn nuôi ở Yên Mô còn phát triển mạnh thành từng vùng ở các khu ngoài đê như xã Khánh Dương, Khánh Thịnh, Yên Nhân, Yên Từ...
Nhờ chính sách chuyển đổi diện tích ruộng trũng, úng trồng lúa kém hiệu quả sang phát triển sản xuất đa canh của huyện đã tạo điều kiện cho chăn nuôi phát triển, hình thành nhiều khu sản xuất đa canh với các gia trại, trang trại tổng hợp, xa khu dân cư.
Hiện nay, toàn huyện có 38 trang trại đạt tiêu chí theo Thông tư 27 của Bộ Nông nghiệp và PTNT, trong đó có 7 trang trại chăn nuôi gia cầm, 26 trang trại chăn nuôi lợn, còn lại là trang trại tổng hợp; có 260 gia trại nuôi lợn, gia cầm hoặc chăn nuôi tổng hợp có hiệu quả kinh tế cao, có thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm.
Quy mô trang trại, gia trại tiếp tục được mở rộng, xuất hiện nhiều điển hình tiên tiến mới trong chăn nuôi với đa dạng con nuôi có giá trị kinh tế cao như gà Ai Cập đẻ trứng, bò lai sind, lợn hướng nạc, vịt siêu trứng…
Đặc biệt, năm 2014 huyện Yên Mô đã xây dựng và thực hiện Đề án số 01 đưa cây trồng, con nuôi mới có hiệu quả kinh tế cao vào sản xuất. Sau gần 1 năm thực hiện, mô hình nuôi vịt trời thuộc đề án đã đem lại hiệu quả kinh tế cao cho các hộ tham gia.
Đến nay, toàn huyện có trên 11 hộ nuôi với tổng quy mô nuôi thường xuyên trên 2.500 con sinh sản và gần 5.000 con nuôi thương phẩm. Việc đẩy mạnh phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa đã góp phần nâng cao giá trị sản xuất ngành chăn nuôi.
Để đạt được kết quả trên, huyện Yên Mô đã quan tâm đầu tư, đồng thời có nhiều chủ trương, chính sách khuyến khích ngành chăn nuôi phát triển.
Huyện đã chỉ đạo các đơn vị, địa phương phát triển chăn nuôi theo hướng bền vững và gắn với bảo vệ môi trường, tích cực tiếp thu ứng dụng khoa học, kỹ thuật, đưa con nuôi mới có giá trị cao vào sản xuất.
Chất lượng giống và kỹ thuật chăn nuôi được cải thiện, đặc biệt là chất lượng đàn bò được cải thiện rõ rệt với 100% số bê sinh ra là bê lai sind.
Các địa phương đã phối hợp với ngành nông nghiệp tỉnh, huyện tăng cường bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ thú y cơ sở, chỉ đạo mở các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho người dân; tăng cường công tác quản lý nhà nước về con giống, thức ăn chăn nuôi để động viên người dân yên tâm đầu tư sản xuất, kinh doanh có hiệu quả...
Bên cạnh đó, các hộ chăn nuôi đã quan tâm, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất nên chuồng trại chăn nuôi có nhiều cải tiến, trong đó chuồng nuôi lợn được sửa chữa, nâng cấp theo kiểu dáng công nghiệp để che nắng, nóng vào mùa hè và tránh gió, rét, ẩm ướt vào mùa đông.
Bên cạnh những thành công bước đầu trong phát triển chăn nuôi theo hướng tập trung, trang trại, gia trại ở huyện Yên Mô vẫn còn bộc lộ những hạn chế, khó khăn cần giải quyết như: Số hộ chăn nuôi theo hình thức nhỏ lẻ, phân tán vẫn chiếm tỷ lệ cao, tốc độ tăng trưởng chậm, tỷ trọng của ngành chăn nuôi trong sản xuất nông nghiệp còn thấp. Chăn nuôi phát triển chưa theo quy hoạch, chưa có đất để phát triển chăn nuôi tập trung.
Tỷ lệ chăn nuôi trong khu dân cư vẫn còn cao, chiếm 70-80% tổng số trang trại, gia trại, hộ gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường...
Theo lãnh đạo phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Yên Mô, để ngành chăn nuôi phát triển theo hướng bền vững, đưa ngành chăn nuôi trở thành ngành chiếm tỷ trọng lớn trong sản xuất nông nghiệp, Huyện đã đề ra nhiều giải pháp cụ thể.
Trong đó chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về phát triển kinh tế trang trại, về vai trò của ngành chăn nuôi, công tác phòng, chống dịch bệnh, phương pháp chăn nuôi an toàn sinh học, thông tin thị trường,...
Tổ chức quy hoạch đất phát triển sản xuất chăn nuôi tập trung giai đoạn 2015-2020 tại các xã, thị trấn và từng bước đưa chăn nuôi phát triển theo quy hoạch. Tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, đặc biệt là tiến bộ mới về giống, thức ăn chăn nuôi, phương thức nuôi...
Mở rộng các mô hình chăn nuôi có hiệu quả kinh tế cao như: nuôi cá lăng bằng lồng, bè trên sông, nuôi ếch, thỏ, lợn ngoại, vịt trời...
Tuy nhiên, ngoài các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, người chăn nuôi của huyện cần tự vận động, thay đổi nhận thức, quan điểm về chăn nuôi để tìm ra mô hình, phương thức nuôi có hiệu quả phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.
Giáng Hương