Hoạt động liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm ở Yên Mô chủ yếu diễn ra ở vụ đông với các cây trồng chính như: ngô ngọt, ngô bao tử, dưa bao tử, cà chua nhót, lạc đông, ngô giống…Số lượng doanh nghiệp tham gia liên kết có 3 đơn vị là Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao, Công ty TNHH Thanh An và Trung tâm Nghiên cứu đậu đỗ - Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam. Hầu hết các doanh nghiệp tham gia liên kết đều hỗ trợ nông dân về mặt kỹ thuật, cho tạm ứng giống để sản xuất và sẽ đối chiếu, khấu trừ khi thanh toán ở cuối vụ.
Đối với mỗi loại sản phẩm bao tiêu, doanh nghiệp đều có yêu cầu khác nhau về chất lượng và giá thành, ví dụ như ngô ngọt phải có trọng lượng bắp 200gram trở lên hay dưa bao tử có giá từ 4.500-5.500 đồng/kg… Nhìn nhận một cách thực tế, trên địa bàn huyện đã có một số mô hình liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm có hiệu quả cao.
Điển hình như mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ lạc giống vụ đông của HTX nông nghiệp Đông Thôn, xã Yên Thái với Trung tâm Nghiên cứu đậu đỗ, đã đưa cây lạc trở thành cây hàng hóa có giá trị cao của địa phương, tạo thu nhập ổn định cho nông dân trong nhiều năm qua.
Hay các mô hình liên kết và bao tiêu ngô ngọt xuất khẩu vụ đông giữa doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh với các HTX nông nghiệp Mai Sơn, Khương Dụ, Ngọc Lâm, Đông Đoài, Đông Yên, Hồng Thắng đã cho hiệu quả kinh tế cao, giúp địa phương tìm được hướng đi đúng, phù hợp trong việc mở rộng diện tích cây đông hàng hóa.
Tuy nhiên, số lượng HTX tham gia liên kết và ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho bà con xã viên còn rất ít, chỉ có 10 HTX với mỗi đơn vị vài chục ha. Mỗi năm lượng nông sản bà con nông dân làm ra được bao tiêu chiếm tỷ lệ thấp so với tổng sản lượng, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa hiện nay.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến hoạt động liên kết còn khó khăn và hạn chế đến từ chính người nông dân trực tiếp tham gia sản xuất. Do thiếu trách nhiệm trong chuỗi liên kết nên khi nông sản được giá, nông dân đã tự bán sản phẩm ra thị trường tự do với giá cao hơn giá hợp đồng với doanh nghiệp. Thực trạng này diễn ra thường xuyên và nhiều năm liền.
Ngay trong vụ đông năm nay, mới ở đầu vụ nhưng tại các chợ trên địa bàn thành phố Ninh Bình không khó tìm được những sản phẩm nông sản đã ký hợp đồng bao tiêu được bày bán. Cô Hoa ở xã Khánh Dương bán ngô bao tử tại chợ Mía (thành phố Ninh Bình) cho biết: Giống ngô và kỹ thuật do Công ty cung cấp nhưng do giá bên ngoài cao nên tôi hái đi bán. Theo hợp đồng thì 1 kg ngô bao tử cả vỏ bi chỉ có giá 5 nghìn đồng, nhưng khi bán ở ngoài giá cao hơn.
Còn nếu bóc ra bán lẻ như thế này 1kg bao ngô bao tử có giá 20 nghìn và 1kg dâu ngô cũng có giá 10 nghìn. Lý giải tại sao lại phá vỡ hợp đồng với Công ty, cô Hoa cho biết thêm: Ngoài lợi nhuận cao hơn thì chúng tôi có tiền mặt ngay mà không phải đợi vài ba tháng và cũng không bị phạt gì khi phá hợp đồng liên kết.
Như vậy, sự liên kết giữa doanh nghiệp, HTX, nông dân chưa chặt chẽ, chưa gắn kết được lợi ích và trách nhiệm của các bên với nhau, do đó đã xảy ra tình trạng phá vỡ hợp đồng. Thực tế các doanh nghiệp ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm ngay từ đầu vụ với HTX có số lượng nhất định (khoảng 70% sản lượng thu hoạch). Nhưng khi kết thúc sản xuất thì sản lượng thu mua không đảm bảo theo đúng hợp đồng, có nơi ít hơn so với hợp đồng từ 30-50% sản lượng.
Mặc dù xây dựng vùng nguyên liệu ổn định, đảm bảo chất lượng là một trong những giải pháp quan trọng trong quá trình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, nhưng chính ý thức và trách nhiệm của người nông dân khi thực hiện chuỗi liên kết cùng những khó khăn về cơ chế, chính sách, độ rủi ro cao khi đầu tư đã làm các doanh nghiệp không mấy mặn mà với việc ký hợp đồng liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm nông sản.
Theo đại diện lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Yên Mô: Để đẩy mạnh hoạt động liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm nông nghiệp, từng bước nâng cao hiệu quả kinh tế, thu nhập cho các bên tham gia liên kết, huyện Yên Mô đã đề ra nhiều giải pháp cụ thể.
Trong đó chú trọng thực hiện công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho nhân dân, doanh nghiệp về kiến thức thương mại, nhất là các cơ chế, chính sách về liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp của Đảng và Nhà nước được gắn với chương trình phát triển nông nghiệp, chương trình xây dựng nông thôn mới. Từ đó nhân dân thấy được ý nghĩa và tầm quan trọng của liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, còn các doanh nghiệp nắm bắt được cơ hội mới tích cực đầu tư có hiệu quả.
Bên cạnh đó, huyện đề ra chính sách hỗ trợ nông dân khi có hợp đồng liên kết và tiêu thụ sản phẩm; hỗ trợ khi gặp rủi ro trong sản xuất do thiên tai, dịch bệnh; tiến hành rà soát và áp dụng các chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chế biến sản phẩm nông nghiệp.
Ngoài giải pháp, cơ chế, chính sách của huyện, các HTX nông nghiệp cần chủ động liên hệ với các doanh nghiệp để khai thác các đơn đặt hàng, hình thành các vùng hàng hóa sản xuất tập trung, giảm chi phí đầu tư.
Doanh nghiệp, HTX nông nghiệp, hộ nông dân cần phối hợp chặt chẽ và có kế hoạch định hướng sản xuất cho từng loại sản phẩm nông nghiệp một cách cụ thể, rõ ràng, đáp ứng được nhu cầu thị trường.
Với doanh nghiệp, ngoài các chính sách hỗ trợ về giống, vốn, kỹ thuật, thông tin thị trường, cần có những ràng buộc cụ thể để nông dân lựa chọn, chủ động ký hợp đồng sản xuất nhằm tránh trường hợp bỏ giữa chừng hoặc bán sản phẩm đi nơi khác.
Người nông dân cần có ý thức, trách nhiệm, tuân thủ các quy định trong hợp đồng đã ký kết, đảm bảo lợi ích cho cả hai bên.
Giáng Hương