Yên Mạc là xã miền núi có xuất phát điểm thấp khi thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM. Năm 2011, khi bắt đầu triển khai, địa phương mới có 5/19 tiêu chí đạt, gồm: Điện, y tế, văn hóa, an ninh trật tự xã hội và tổ chức sản xuất. Nói về những khó khăn khi xây dựng NTM, ông Vũ Quang Dung, Chủ tịch UBND xã Yên Mạc cho biết: Yên Mạc có nguồn lực đầu tư hạn chế, trong khi nhu cầu vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội như: các công trình trường học, cơ sở vật chất, giao thông... rất lớn.
Người dân chủ yếu phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp, thu nhập thấp nên việc huy động đóng góp làm đường giao thông, xây dựng hội trường, điện chiếu sáng…liên tục trong giai đoạn ngắn rất khó khăn. Bên cạnh đó, hoạt động tuyên truyền, vận động nhân dân ở một số thôn còn hạn chế, một bộ phận nhỏ người dân có tâm lý trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, chưa tích cực tham gia.
Tuy nhiên, bằng những giải pháp cụ thể và sự cố gắng, nỗ lực của toàn thể cán bộ, nhân dân, sau 7 năm xây dựng NTM, Yên Mạc đã huy động được 273,7 tỷ đồng vào thực hiện chương trình, trong đó có: 73,1 tỷ đồng là vốn ngân sách; 113,6 tỷ đồng vốn tín dụng; 9,7 tỷ đồng vốn doanh nghiệp; 75,4 tỷ đồng do nhân dân đóng góp (có 69,6 tỷ đồng nhân dân tự bỏ vốn đầu tư xây dựng, chỉnh trang nhà cửa, công trình phụ của mình); 1,8 tỷ đồng từ nguồn khác.
Với các tiêu chí chưa đạt, ngay từ đầu năm 2018, xã Yên Mạc đã lên kế hoạch phấn đấu thực hiện: Với trường học, xã đã đầu tư xây dựng thêm 6 phòng học khu mầm non Đông Sơn, phòng hiệu bộ Trường mầm non trung tâm xã, 4 phòng học khu mầm non Hồng Thắng, 2 dãy nhà học 2 tầng trường THCS Vũ Phạm Khải.
Những năm qua, xã Yên Mạc tập trung chuyển dịch cơ cấu sản xuất theo hướng sản xuất hàng hóa, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đưa các loại giống cây, con mới có năng suất, chất lượng cao vào trồng trọt và chăn nuôi; mở rộng diện tích lúa gieo vãi lên 243 ha với 80-90% diện tích là giống lúa chất lượng cao; liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp trồng 15 ha ngô ngọt, đậu tương rau xuất khẩu; chuyển đổi 16 ha đất lúa sang trồng cây rau, củ quả và nuôi trồng thủy sản. Các mô hình kinh tế tổng hợp như VAC, nuôi trồng thủy hải sản ngày càng được nhân rộng.
Đến nay, trên địa bàn xã Yên Mạc có trên 20 mô hình kinh tế trang trại, gia trại đang phát triển và 1 mô hình kinh tế trang trại trồng các loại cây dược liệu và cây ăn quả với 6 trang trại và 8 gia trại có thu nhập trên 1 tỷ đồng/năm. Toàn xã có 22 máy làm đất các loại, 6 máy gặt đập liên hoàn, 49 xe vận chuyển...đảm bảo chủ động trong các khâu của sản xuất nông nghiệp. Được sự giúp đỡ của Quỹ đầu tư phát triển tỉnh, chợ Bút được xây dựng lại với quy mô 1,2 ha có 229 ki ốt bán hàng và đảm bảo cho 912 hộ tiểu thương thường xuyên hoạt động tại chợ cùng với 430 hộ kinh doanh tạp hóa ở các thôn, xóm.
Trên địa bàn xã cũng có 2 doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng và hàng cói xuất khẩu, 3 làng nghề tiểu thủ công nghiệp, 3 tổ hợp tác sản xuất, 4 HTX nông nghiệp tạo việc làm thường xuyên cho 4.324 lao động. Yên Mạc có 749 lao động làm việc trong các công ty, doanh nghiệp cho thu nhập bình quân từ 9-13 triệu đồng/tháng và 77 người đi xuất khẩu lao động thu nhập từ 20-30 triệu đồng/tháng.
Đến nay, giá trị sản xuất trên ha canh tác của xã đã đạt 115 triệu đồng/năm; thu nhập bình quân đầu người đạt 39 triệu đồng/người; tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 3%. Ban công tác Mặt trận xã cũng đã gửi phiếu đánh giá tới người dân và 97% số người được hỏi hài lòng với chương trình xây dựng NTM của xã.
Đồng chí Chủ tịch UBND xã cũng chia sẻ: Về tình hình nợ xây dựng cơ bản, đây là vấn đề chung của các xã tham gia thực hiện chương trình xây dựng NTM. Với Yên Mạc, tính đến thời điểm 30/9/2018 tổng kinh phí xây dựng các công trình là 22,5 tỷ đồng, chủ yếu ở các hạng mục: Trường học, chỉnh trang trụ sở, nhà văn hóa trung tâm... trong khi nguồn vốn đã có là 4,5 tỷ đồng, còn nợ khoảng 17,9 tỷ đồng.
Để tháo gỡ vấn đề này, được sự quan tâm của các cấp, các ngành...Yên Mạc đã lập hồ sơ thu hồi, bồi thường, GPMB để đấu giá quyền sử dụng đất với tổng diện tích 0,7 ha, 36 lô đất ở 4 khu vực: Quán Rồng, Sỏi, Rộc Hạ và Đầm Mo trong năm 2018. Dự kiến giá trị thu được khoảng 27 tỷ đồng, trong đó xã được hưởng là 17,5 tỷ đồng đủ để trang trải 100% nợ xây dựng cơ bản. Như vậy, Yên Mạc đã hoàn thành 20/20 tiêu chí xây dựng NTM.
Vừa qua, Ban chỉ đạo xây dựng NTM tỉnh cũng đã bỏ phiếu công nhận xã đã đủ điều kiện về đích NTM và Chủ tịch UBND tỉnh cũng đã có Quyết định công nhận Yên Mạc đạt chuẩn NTM năm 2018. Phát huy những kết quả đã đạt được, trong thời gian tới địa phương đang tiếp tục thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển sản xuất hàng hóa gắn với bao tiêu sản phẩm, xây dựng các mô hình sản xuất mới, các trang trại tổng hợp có hiệu quả cao; kết hợp phát triển các ngành nghề, dịch vụ, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân; tiếp tục huy động các nguồn lực để không ngừng nâng cao chất lượng các tiêu chí một cách bền vững và hướng đến xã NTM kiểu mẫu.
Đinh Chúc