Thông thường, khoảng thời gian sản xuất 2 vụ lúa trong năm là thời gian người nông dân bận rộn và vất vả nhất. Khoảng thời gian còn lại, họ thường rơi vào tình trạng nhàn rỗi theo thời vụ. Tìm kiếm một nghề phụ để tăng thu nhập cho gia đình là điều mà bất kể người phụ nữ nào cũng mong mỏi.
Từ những ngày ở nhà nhàn rỗi đó, chị Hoàng Thị Thu, xóm 2 Hồng Thắng đã nảy ra ý tưởng: nhận các đơn hàng thủ công mỹ nghệ và rủ chị em phụ nữ trong xóm cùng làm, bước đầu hình thành một tổ hợp tác làm hàng thủ công với tính chất sơ khai.
Chúng tôi tìm đến nhà chị Thu, vừa đến trước cổng, tiếng nói cười rôm rả từ trong nhà vọng ra không ngớt. Hơn một chục chị em phụ nữ đang tập trung tại đây cùng làm việc. Những bàn tay thoăn thoắt đan xô, khay từ chất liệu cói, bèo bồng trong tiếng râm ran những câu chuyện đời, chuyện vui thường nhật.
Chị Hoàng Thị Thu cho biết: Làm hàng thủ công không phải là nghề truyền thống tại Yên Mạc nên phần đa các chị em phụ nữ chưa thạo nghề. Nhưng nhờ sự cần cù và ham học hỏi, chị em đã tự mày mò, chia sẻ kinh nghiệm cho nhau, nhờ vậy mà dần dần tất cả đều quen việc.
Mỗi khi có mẫu hàng mới, chị học hỏi cách thức làm trước, rồi sau đó chỉ dẫn lại cho các chị em. Mọi người thường tập trung tại nhà chị Thu để cùng làm việc, có người bận việc thì nhận dụng cụ về nhà làm. Tùy theo năng suất lao động của mỗi người, chị em có thể kiếm thêm thu nhập trung bình từ 50 - 80 nghìn đồng/ngày.
Tổ hợp tác tại gia đình chị Thu đã hoạt động được 4 năm, tổng giá trị đơn hàng mỗi năm thường trên 100 triệu đồng. Tùy vào số lượng sản phẩm, các chị em phụ nữ tại đây có thu nhập dao động từ 1 - 2 triệu đồng/tháng.
Tại Yên Mạc, một trong những tổ hợp tác lâu đời và có quy mô lớn nhất là tổ hợp tác của bà Vũ Thị Cúc. Từ những năm 1996, khi chưa tìm được việc làm ổn định, bà Cúc đã nhận hàng thủ công về nhà làm. Sau khi thấy được hiệu quả, bà kêu gọi các chị em phụ nữ trong xóm, trong thôn cùng làm. Khi có nhu cầu mở rộng sản xuất, kinh doanh, bà đăng ký thành lập tổ hợp tác.
Đã có những lúc, số người làm trong tổ hợp tác của bà lên đến 50 người. Tuy nhiên, càng ngày càng có nhiều người đi làm công nhân cho các xí nghiệp, nhà máy, cũng bởi vậy mà số người làm việc trong tổ hợp tác của bà giảm đáng kể.
Bà Cúc cho biết: Làm hàng thủ công không quá phức tạp, lại phù hợp với đức tính của người phụ nữ như: cần cù, tỉ mỉ... nên được nhiều chị em lựa chọn lúc nông nhàn. Thu nhập không cao, song cũng đủ trang trải phần nào cho cuộc sống gia đình. Và mục đích quan trọng nhất, đó chính là giúp đỡ nhau cùng phát triển kinh tế hộ gia đình, góp phần vào mục tiêu xây dựng nông thôn mới tại địa phương.
Theo thông tin từ Hội Phụ nữ xã Yên Mạc, hiện xã có 5 tổ hợp tác sản xuất hàng thủ công do phụ nữ đảm nhiệm. Tuy nhiên, đa phần các tổ hợp tác sản xuất hàng thủ công tại đây đều mang tính chất tự phát và không chính thức, chưa qua đăng ký hoạt động.
Thực chất, đây chỉ là một mô hình tổ chức sản xuất mang xu hướng của tổ hợp tác, tập hợp các chị em phụ nữ cùng làm việc, nhận tiền công theo sản phẩm. Một người đứng lên làm đại diện nhận đơn hàng, phân công công việc, giao hàng, nhận công lao động và phân chia cho các thành viên.
Tuy vậy, sự hợp tác "cùng nhau sản xuất" đó đã cho thấy nhiều lợi ích, từ tạo việc làm, thu nhập cho phụ nữ, tận dụng thời gian nông nhàn, góp phần tăng năng suất lao động.
Thái Học