Đổi mới tư duy Đồng chí Nguyễn Văn Lịch, Bí thư Đảng ủy xã Yên Lâm cho biết: Yên Lâm là xã vùng sâu, xa của huyện Yên Mô. Đất đai sản xuất nông nghiệp manh mún, đa phần người dân sống chủ yếu dựa vào nông nghiệp, thu nhập không cao và Yên Lâm vẫn là một trong những xã nghèo của huyện. Làm gì để giải quyết việc làm, nâng cao đời sống người dân luôn là trăn trở, suy nghĩ của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương. Xuất phát từ nhu cầu thực tiễn, trên cơ sở phân tích tiềm năng, thế mạnh của địa phương, ngay từ đầu nhiệm kỳ 2010-2015, Ban Chấp hành Đảng bộ xã xác định phải khai thác tối đa nguồn lực con người, tiềm năng đất đai để bứt phá vươn lên. Trong đó, Đảng bộ xã xác định phải thay đổi tư duy, cung cách làm ăn từ chính những người đứng đầu địa phương cho đến từng cán bộ, đảng viên và mỗi người dân…
Câu chuyện thay đổi tư duy, phương thức làm ăn nhỏ lẻ ở Yên Lâm chỉ thực sự bắt đầu khi năm 2012 xã có chủ trương dồn điền, đổi thửa. Bí thư Đảng ủy xã Yên Lâm nhớ lại: Hồi đó, khi Ban chấp hành Đảng bộ xã xây dựng Nghị quyết về dồn điền, đổi thửa đã "vấp" phải ý kiến cho rằng khó thực hiện vì tư tưởng "bình quân chia đều ruộng tốt - xấu" vẫn còn hiện hữu ở một số ít cán bộ, đảng viên, nhất là những người đang sở hữu những thửa ruộng tốt thì càng phản đối, không muốn chia lại… Với mục tiêu đẩy mạnh phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng hàng hóa, tạo điều kiện đưa cơ giới vào sản xuất, giải phóng sức lao động, góp phần tăng giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích canh tác, Ban Chấp hành Đảng bộ xã xác định việc dồn điền, đổi thửa cần phải được thực hiện trước một bước. Và việc làm đầu tiên là xóa bỏ những "rào cản", những băn khoăn trong quá trình tổ chức, triển khai thực hiện Nghị quyết.
Ban Chấp hành Đảng bộ bàn bạc, thảo luận, đặt ra các phương án thực hiện, sau khi có được sự thống nhất cao trong toàn Đảng bộ, Ban Chấp hành Đảng bộ chính thức ban hành Nghị quyết về dồn điền, đổi thửa. Trên cơ sở nội dung Nghị quyết, các chi bộ tổ chức triển khai thực hiện ở thôn, xóm. Trong quá trình thực hiện, Đảng bộ yêu cầu mỗi cán bộ, đảng viên phải là những người đi đầu trong mọi hoạt động để nêu gương. Đặc biệt, phải coi trọng quy chế dân chủ, tôn trọng ý kiến của nhân dân, kiên quyết ngăn chặn những biểu hiện tiêu cực, cách làm chống đối, làm cho xong. Chính vì vậy, khi thực hiện Nghị quyết dồn điền, đổi thửa, có 2 đơn vị thôn, xóm do thực hiện sai quy trình đã phải làm lại và 2 cá nhân vi phạm đã bị phạt cảnh cáo. Những đơn vị, cá nhân làm tốt cũng được Đảng ủy, UBND xã biểu dương, khen thưởng kịp thời.
Cuộc cách mạng "dồn điền, đổi thửa" ở Yên Lâm được thực hiện quyết liệt nhằm quy hoạch lại đất sản xuất nông nghiệp hàng hóa gắn với chỉnh trang đồng ruộng, được xem là "đòn bẩy" tạo đà cho các ngành nghề khác cùng phát triển, làm cơ sở vững chắc để xây dựng nông thôn mới. Hiện nay, xã đã quy hoạch gọn vùng sản xuất 3 vụ trong năm, số thửa bình quân trên một hộ rút ngắn xuống còn 1,85 thửa/hộ. Việc dồn điền, đổi thửa tạo điều kiện để Yên Lâm từng bước hình thành các vùng chuyên canh, vùng sản xuất lúa, hoa quả chất lượng cao, vùng sản xuất rau an toàn; vùng nuôi trồng thủy sản kết hợp với mô hình lúa cá. 5 năm qua, sản xuất nông nghiệp liên tục được mùa, cơ cấu giống lúa, cơ cấu mùa vụ trên địa bàn Yên Lâm đã có bước chuyển tích cực.
Năm 2014, toàn xã gieo cấy trên 70% diện tích lúa chất lượng cao và lúa nếp các loại, năng suất lúa đạt 127,75 tạ/ha (tăng 6,75 tạ/ha so với năm 2010). Bình quân lương thực đạt 704,6kg/người/năm. Các cây trồng có giá trị kinh tế cao được duy trì phát triển như: lạc, ngô ngọt, ngô giống F1, đậu tương rau, bí xanh… Giá trị thu nhập trên 1 ha canh tác năm 2014 đạt 123,45 triệu đồng, tăng 35,45 triệu đồng/ha so với năm 2010.
Chăn nuôi từ hình thức nhỏ lẻ đã phát triển theo hướng gia trại. Toàn xã có 44 gia trại cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm. Tổng giá trị thu nhập hàng năm từ chăn nuôi ước đạt 20,75 tỷ đồng (vượt 22% so với mục tiêu Đại hội Đảng bộ xã lần thứ 25, nhiệm kỳ 2010-2015 đề ra).
Chọn khâu đột phá trong phát triển kinh tế
Chúng tôi đến thăm Trung tâm sản xuất cộng đồng - làng nghề đan cói thôn Đông Đoài (Yên Lâm) và bắt gặp không khí lao động hăng say, cần mẫn của bà con trong làng nghề. Đa phần người tham gia làm cói ở đây là phụ nữ ở độ tuổi từ 35-65. Từ đôi tay thoăn thoắt, thuần thục của những người nông dân này đã làm nên những sản phẩm mỹ nghệ từ cói và sản phẩm của họ được Công ty TNHH Dịch vụ và thương mại Xuân Tình bao tiêu, xuất khẩu sang trời Tây.
Bà Lê Thị Tý (thôn Đông Đoài) hồ hởi nói: Từ khi được công nhận là làng nghề, chúng tôi có việc làm ổn định hơn, thu nhập cũng được tăng cao. Đặc biệt, từ khi có Trung tâm sản xuất cộng đồng làng nghề, chúng tôi làm việc thuận tiện hơn vì ở đây có chỗ cho trẻ con vui chơi, các mẹ có thể yên tâm vừa làm, vừa trông con. Có trung tâm, chị em trong làng nghề cũng dễ trao đổi kinh nghiệm, học hỏi nhau cùng tiến bộ. Và điều quan trọng nhất là khi làm việc tại trung tâm, việc thu mua giá thành sản phẩm được niêm yết công khai. Có nghề phụ, đồng nghĩa với việc nông dân có thêm "đồng ra, đồng vào", chuyện học hành của con cái cũng bớt đi gánh nặng.
Bí thư Chi bộ thôn Đông Đoài Vũ Đức Ái cho biết, nhờ có làng nghề, người dân Đông Đoài đã khá lên rất nhiều, đó chính là kết quả của việc thực hiện Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2010-2015 về "Đẩy mạnh phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và ngành nghề nông thôn giai đoạn 2010- 2015 và tầm nhìn đến năm 2020". Đông Đoài xưa kia vốn có nghề đan vó, giờ được biết đến với tên làng nghề truyền thống đan cói. Đây là làng đầu tiên của xã được công nhận làng nghề truyền thống. Hiện nay, làng nghề có 260 người tham gia, giải quyết việc làm lúc nông nhàn cho đa phần người dân trong thôn. Tỷ lệ hộ nghèo của thôn giảm một cách nhanh chóng, hiện chỉ còn 6,2% (giảm 3,1% so với năm 2013); số hộ giàu tăng nhanh. Sự bứt phá đi lên của làng nghề cói Đông Đoài là minh chứng cho chủ trương đúng đắn của Nghị quyết "Đẩy mạnh phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và ngành nghề nông thôn giai đoạn 2010- 2015 và tầm nhìn đến năm 2020".
Chú trọng đẩy mạnh các nghề hiện có như nghề thảm cói xuất khẩu, mộc, nề, cơ khí…, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp, tổ hợp mở rộng quy mô sản xuất đã đưa công nghiệp - TTCN ở Yên Lâm có bước phát triển mới, tạo việc làm ổn định cho người lao động trong lúc nông nhàn, tăng thu nhập. Đến nay, toàn xã có 4/6 làng được UBND tỉnh công nhận làng nghề. Giá trị thu nhập từ công nghiệp - TTCN và dịch vụ trung bình hàng năm là 22,3 tỷ đồng (vượt 23,9% so với mục tiêu Đại hội).
Cùng với phát triển công nghiệp - TTCN, Yên Lâm quan tâm chỉ đạo xây dựng kết cấu hạ tầng, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Nhiều công trình được đầu tư nâng cấp như: trường học, trạm y tế, nhà máy nước, nhà văn hóa thôn, xóm, đường giao thông nông thôn… Hiện nay, 8/8 thôn, xóm đã có nhà văn hóa. Đặc biệt, thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, Yên Lâm đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, đồng thời tranh thủ sự quan tâm ủng hộ của các cấp, các ngành, qua đó tạo nguồn lực hoàn thiện các tiêu chí. Với tinh thần "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân hưởng thụ", nhiều hộ dân tự nguyện hiến đất, đóng góp tiền, ngày công lao động để làm mới, nâng cấp, mở rộng trên 40 tuyến đường giao thông thôn xóm; kiên cố hóa trên 3.000m kênh mương…, tạo điều kiện thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, phát triển dịch vụ, thương mại.
Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã lần thứ 25 đề ra, Yên Lâm đã hoàn thành 14/14 chỉ tiêu, trong đó có nhiều chỉ tiêu vượt; đời sống nhân dân ngày càng được nâng cao, hiện tỷ lệ nghèo của xã giảm xuống còn 7,28%, giảm 2,15% so với năm 2010; bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc; hệ thống chính trị được củng cố ngày càng vững mạnh; chất lượng hoạt động của chính quyền được nâng lên… là những minh chứng sống động cho thấy Nghị quyết của Đảng thực sự đi vào đời sống.
Nói về sự thành công trong việc đưa nghị quyết của Đảng vào thực tiễn và đạt kết quả cao, đồng chí Bí thư Đảng bộ xã Nguyễn Văn Lịch cho rằng, trước tiên, Nghị quyết phải xuất phát từ nhu cầu thực tiễn của địa phương, sau khi Nghị quyết ban hành rồi phải vận dụng linh hoạt để triển khai thực hiện. Điều quan trọng là khi xây dựng Nghị quyết phải có tầm nhìn và phải đáp ứng sự mong mỏi của người dân, đặt lợi ích của nhân dân lên trên hết thì ắt sẽ được nhân dân đồng tình, ủng hộ làm theo. Bởi suy cho cùng khi ý Đảng hợp lòng dân sẽ tạo thành sức mạnh để địa phương bứt phá vươn lên.
Bài, ảnh: Đinh Ngọc