Để đạt được mục tiêu này, Yên Khánh đã và đang nỗ lực triển khai nhiều giải pháp giảm nghèo hiệu quả, trong đó huyện tiếp tục đề cao công tác xã hội hóa hoạt động giảm nghèo, giảm dần sự chênh lệch tỷ lệ hộ nghèo giữa các xã, thị trấn trong huyện, hướng tới mục tiêu giảm nghèo bền vững.
Đến cuối năm 2008, huyện Yên Khánh còn 2.616 hộ nghèo (chiếm tỷ lệ 7,2%), giảm 1,24% so với năm 2007. Một số xã có tỷ lệ hộ nghèo cao như Khánh Công, Khánh Mậu, Khánh Tiên, Khánh Hồng đã giảm từ 1,5-3,46%. Đạt được kết quả trên là do huyện đã tích cực triển khai đồng bộ các giải pháp giảm nghèo.
Nông nghiệp vẫn là lĩnh vực được huyện tập trung phát triển với phương châm đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, con nuôi nhằm tăng giá trị trên một diện tích canh tác. Các hoạt động truyền nghề, hướng dẫn kỹ thuật, khoa học được tổ chức thường xuyên, trong đó ưu tiên cho hộ nghèo.
Phòng Kinh tế huyện đã phối hợp với các hội, đoàn thể, các xã, thị trấn, các HTX tổ chức tập huấn chuyển giao kỹ thuật, các mô hình mới như: Kỹ thuật gieo trồng, chăm sóc, bảo vệ cây trồng, con nuôi; kỹ thuật sản xuất nấm, kỹ thuật nuôi trồng thủy sản... cho 75.000 lượt người tham gia.
Riêng đối với các hộ nghèo ở xã Khánh Công (1 trong 23 xã có tỷ lệ hộ nghèo cao của tỉnh), huyện đã hỗ trợ cho 177 hộ nghèo đầu tư nuôi bò cái sinh sản, nuôi lợn nái sinh sản, nuôi lợn thịt, nuôi gà thả vườn, nuôi dê với tổng kinh phí hỗ trợ là 154 triệu đồng.
Phát triển nghề trồng nấm được coi là một trong những nghề chủ lực giúp nông dân giảm nghèo. Do đó, UBND huyện đã chỉ đạo xây dựng kế hoạch thực hiện theo từng vụ. Khuyến khích mở rộng các mô hình điểm với quy mô lớn, gắn với điểm thu mua chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời hỗ trợ xây dựng lán trại, tập huấn chuyển giao kỹ thuật trồng nấm cho nông dân.
Ngay trong vụ đông xuân 2008-2009, toàn huyện đã có 80 hộ xây dựng lán trồng nấm kiên cố (tổng diện tích lán là 20.146 m2) với mức được hỗ trợ 521 triệu đồng; 28 lò hấp, sấy, tổng kinh phí đề nghị hỗ trợ lò hấp, lò sấy nấm là 112 triệu đồng.
Năm 2008, một số nghề truyền thống tiếp tục được đầu tư, mở rộng như nghề thêu, nghề may, bún bánh, nghề cói... Trong đó phải kể đến 5 làng nghề truyền thống trong huyện đã tạo việc làm và thu hút thêm nhiều lao động, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.
Công tác giải quyết việc làm được chú trọng, năm 2008, toàn huyện đã tạo việc làm mới cho 3.450 người, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân. Bên cạnh đó, các cấp, các ngành, chính quyền địa phương trong huyện đã lồng ghép nhiều chương trình, dự án phát triển kinh tế, nhất là huy động nguồn lực đầu tư xây dựng, cải thiện cơ sở hạ tầng về giao thông, thủy lợi, giáo dục và y tế cho các xã có tỷ lệ hộ nghèo cao.
Nhằm giúp người nghèo có điều kiện phát triển sản xuất, Yên Khánh đã thực hiện công khai các chủ trương hỗ trợ và kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn vay của hộ nghèo. Năm 2008, tổng dư nợ vốn vay tại Ngân hàng Chính sách xã hội với 5 chương trình vay vốn đạt 100,7 tỷ đồng, trong đó dư nợ vốn vay hộ nghèo là 35,4 tỷ đồng; dư nợ vốn vay giải quyết việc làm 7,6 tỷ đồng; xuất khẩu lao động 4,2 tỷ đồng; dư nợ cho vay chương trình nước sạch - vệ sinh môi trường 13 tỷ đồng; cho vay học sinh, sinh viên 40,5 tỷ đồng.
Năm 2008, toàn huyện đã có 1.412 hộ được vay vốn từ nguồn vốn cho vay hộ nghèo tại Ngân hàng Chính sách xã hội, bằng 79% số hộ có đủ điều kiện vay vốn. Huyện cũng đã thực hiện hỗ trợ lãi suất cho 1.212 hộ nghèo đang vay vốn từ chương trình cho vay hộ nghèo tại Ngân hàng Chính sách xã hội, với tổng số tiền hỗ trợ lãi suất là trên 201 triệu đồng.
Cùng với chính sách hỗ trợ vốn, Yên Khánh còn thực hiện khá tốt các chính sách trợ giúp các đối tượng bảo trợ xã hội theo đúng quy định. Trong năm, Phòng Tư pháp đã phối hợp với Chi nhánh trợ giúp pháp lý của tỉnh, huyện và các xã, thị trấn tổ chức trợ giúp pháp lý miễn phí tại 9 xã cho 138 người thuộc hộ nghèo, hộ chính sách.
Tuy nhiên, công tác giảm nghèo ở Yên Khánh trong thời gian qua đã bộc lộ một số tồn tại cần sớm được khắc phục, đó là việc xây dựng kế hoạch giảm nghèo cho một năm và cả giai đoạn của một số địa phương chưa phù hợp với tình hình thực tế, chưa có giải pháp cho từng nhóm vấn đề. Việc lồng ghép nguồn lực xóa đói, giảm nghèo của các chương trình phát triển kinh tế - xã hội với mục tiêu xóa đói, giảm nghèo chưa được thực hiện tốt, nhất là việc huy động nguồn lực tại chỗ trong dân chưa nhiều (chủ yếu trông chờ vào nguồn ngân sách Nhà nước).
Vai trò của một số tổ chức, đoàn thể của huyện phụ trách xã có tỷ lệ hộ nghèo cao mờ nhạt, hiệu quả thấp. Một số hộ nghèo, lao động trong hộ nghèo chưa có tính tự giác, ý chí vươn lên thoát nghèo, không lựa chọn được cho mình nghành nghề phù hợp, lười lao động, mắc các tệ nạn xã hội...
Để khắc phục những tồn tại trên, Yên Khánh đang tập trung thực hiện tốt các giải pháp về giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động. Ngay trong quý I năm 2009, huyện đã tổ chức gặp mặt một số doanh nghiệp trên địa bàn để bàn các giải pháp giải quyết việc làm cho người lao động. Tiếp tục phát triển nghề trồng nấm gắn với thực hiện Nghị quyết 04 của Ban thường vụ Huyện ủy về phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và ngành nghề nông thôn, trong đó coi trọng việc đổi mới tư duy và phương thức triển khai nhằm phù hợp với điều kiện của từng xã, thị trấn.
Tăng cường sự phối hợp giữa huyện với các ban, ngành của tỉnh trong việc đưa lao động vào làm việc tại các nhà máy trong Khu công nghiệp Khánh Phú. Ưu tiên vay vốn từ chương trình xóa đói, giảm nghèo cho các hộ nghèo đủ điều kiện, có nhu cầu vay, đảm bảo thủ tục quy trình công khai từ các tổ tiết kiệm vay vốn mà các đoàn thể ký ủy thác với Ngân hàng Chính sách xã hội.
Tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng, đẩy mạnh tiến độ thi công các công trình được hỗ trợ như: Trường mầm non xã Khánh Ninh, Khánh Công, đường liên xã Khánh Công - Khánh Thành và chợ ở các xã chưa có theo Đề án số 15 của UBND tỉnh. Tăng cường công tác xã hội hóa các hoạt động giảm nghèo nhằm huy động các nguồn lực trong dân cư, cộng đồng, các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm hỗ trợ người nghèo.
Ưu tiên nguồn lực để xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất với các địa bàn khó khăn, các xã có tỷ lệ hộ nghèo cao. Thực hiện các chính sách đối với công tác giảm nghèo đảm bảo dân chủ, công khai, công bằng, đúng quy định và hiệu quả. Toàn huyện phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo đến năm 2010 còn 6%.
Đức Nghĩa