Những mô hình mẫu trong nông nghiệp
Thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, huyện Yên Khánh xác định trọng tâm là đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất. Từ đó, huyện đã chỉ đạo các địa phương triển khai nhiều mẫu hình nông nghiệp mới mà hiệu quả của nó bước đầu được đánh giá tốt và có thể trở thành những "hình mẫu" của nông nghiệp trong tương lai.
Là vùng chuyên canh lúa hàng hóa, từ lâu trong cơ cấu giống lúa của xã Khánh Thành đã có tới 70-90% là các loại lúa chất lượng cao. Tuy nhiên, do đầu ra không ổn định, giá cả phụ thuộc nhiều vào thị trường sau thu hoạch nên việc sản xuất lúa vẫn chưa đem lại hiệu quả kinh tế như mong muốn của địa phương.
Khắc phục điều này, bắt đầu từ vụ đông xuân năm 2016, đã có sự bắt tay giữa các hộ nông dân, HTX nông nghiệp và doanh nghiệp để thực hiện mô hình sản xuất lúa gạo theo tiêu chuẩn VietGAP. Ông Trần Văn Thúy, Chủ tịch HĐQT HTX Đại Thành, xã Khánh Thành cho biết: Khởi đầu, HTX có 35 ha trồng lúa theo tiêu chuẩn VietGAP theo hợp đồng với doanh nghiệp.
Nhờ việc sản xuất theo lịch thời vụ tập trung và quy trình khép kín, chúng tôi giảm được đáng kể công sức và chi phí. Tính trung bình, mỗi sào lúa chỉ mất 600.000-700.000 đồng tiền chi phí, tiết kiệm được từ 300.000-500.000 đồng so với trước đây.
Ngoài ra, nông dân còn được cán bộ chuyên môn hướng dẫn chi tiết biện pháp chăm sóc lúa theo từng giai đoạn sinh trưởng, công thức bón phân cụ thể và áp dụng biện pháp phòng trừ sâu bệnh kịp thời nên hạn chế sử dụng thuốc BVTV an toàn cho người lao động trực tiếp và cho cả sản phẩm sau thu hoạch.
Kết quả, diện tích cấy lúa theo tiêu chuẩn VietGap của HTX vụ đông xuân vừa rồi đạt năng suất 2,4 tạ/sào. Quan trọng hơn, với chất lượng được đảm bảo, lúa được Công ty cổ phần Tổng công ty Giống cây trồng và con nuôi Ninh Bình bao tiêu toàn bộ với giá cao hơn thị trường 2% nên nông dân hết sức phấn khởi.
Còn tại xã Khánh Thủy, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản ở đây đang trở thành điểm sáng với rất nhiều trang trại, gia trại với mức thu nhập tiền tỷ. Trại nuôi lợn công nghệ cao của ông Phạm Văn Miễn ở xóm 6 là một trong số đó. Gọi là công nghệ cao bởi vì nuôi lợn nhưng công việc hàng ngày của ông Miễn không phải lăn lộn trong chuồng trại mà là ngồi trước máy tính, chỉ cần một cái nhấp chuột là ông biết được lý lịch từng con, ngày giờ sinh, số lần tiêm phòng, khi nào đẻ hoặc cần thụ tinh...
Ông Miễn cho biết: "Trước đây gia đình tôi cũng chỉ làm ruộng, nuôi mấy con lợn rồi tích cóp, phát triển dần dần. Mấy năm gần đây, được chính quyền tạo điều kiện về chính sách, đất đai, được tập huấn chuyển giao KHKT, tôi mạnh dạn mở rộng quy mô sản xuất lên 250 con lợn nái, 12 con lợn đực và 500-600 con lợn thịt. Doanh thu mỗi năm trên dưới 5 tỷ đồng".
Bên cạnh sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP, chăn nuôi công nghệ cao… thì một nội dung mà huyện Yên Khánh đang nung nấu thực hiện trong quá trình tái cơ cấu nông nghiệp đó là việc xây dựng mô hình "xã an toàn thực phẩm".
Xã Khánh Thành được chọn làm đơn vị thí điểm và ngay từ đầu năm 2016, các cán bộ kỹ thuật bao gồm đầy đủ các chuyên ngành trồng trọt, chăn nuôi, BVTV, thủy sản của Sở Nông nghiệp & PTNT, Phòng chuyên môn của huyện đã về cắm chốt ở đây.
Trên cơ sở thực tiễn sản xuất của bà con, các cán bộ sẽ trực tiếp "cầm tay chỉ việc" hướng dẫn cho các hộ nông dân biện pháp chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản an toàn dịch bệnh, hạn chế việc sử dụng kháng sinh và các chất cấm; chuyển đổi phương thức trồng trọt nhằm giảm lượng phân hóa học, thuốc BVTV…
Kết quả, một bộ phận cán bộ cơ sở và các hộ nông dân đã dần thay đổi nhận thức, thói quen, biết cách sản xuất các nông sản đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, nâng cao trình độ thâm canh.
Hiện các sản phẩm nông nghiệp của Khánh Thành đã được biết đến như những sản phẩm an toàn và đang có một số doanh nghiệp kinh doanh thực phẩm sạch đến đàm phán ký hợp đồng sản xuất và bao tiêu sản phẩm cho bà con.
Tiếp tục tái cơ cấu đồng bộ và toàn diện
Là huyện trọng điểm về nông nghiệp của tỉnh Ninh Bình, Yên Khánh đã xác định phát triển nông nghiệp là hướng đi vừa khai thác được tiềm năng, thế mạnh của địa phương, vừa ổn định và nâng cao đời sống nhân dân.
Những năm qua, huyện đã tập trung phát triển nông nghiệp ở một số khâu then chốt như: Thực hiện dồn điền, đổi thửa tạo những mảnh ruộng lớn hơn để áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; chỉnh trang lại hệ thống giao thông, thủy lợi, bờ vùng, bờ thửa để chủ động tưới tiêu và đưa cơ giới hóa vào sản xuất.
Bên cạnh đó, tiến hành xây dựng các mô hình sản xuất mới, ứng dụng KHCN cao; đã có gần 300 mô hình sản xuất có hiệu quả, hàng trăm trang trại, gia trại vừa và nhỏ trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi gia súc, gia cầm và nuôi trồng thủy sản được hình thành.
Mô hình liên kết "4 nhà" trong sản xuất nông nghiệp được huyện chú trọng, dự án liên kết sản xuất lúa giống với các doanh nghiệp được triển khai hiệu quả với diện tích hơn 200 ha tại các xã Khánh Cường, Khánh Trung, Khánh Nhạc; hàng năm cung cấp hàng nghìn tấn thóc giống chất lượng cao phục vụ cho sản xuất trong nước.
Mô hình liên kết sản xuất rau, củ, quả vụ đông với các công ty, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh được duy trì hàng năm, qua đó, hàng nghìn tấn sản phẩm được thu mua tiêu thụ.
Cùng với trồng trọt thì chăn nuôi trên địa bàn huyện Yên Khánh cũng đã mang lại những tín hiệu vui. Với việc quy hoạch các khu chăn nuôi tập trung, tạo điều kiện về vốn, đất đai… đã giúp huyện từng bước chuyển từ chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán sang phát triển theo hướng tập trung quy mô công nghiệp.
Đến nay, toàn huyện đã có hàng nghìn hộ chăn nuôi gia trại, trang trại, nông hộ áp dụng công nghệ cao, tổ chức sản xuất khép kín, liên kết từ sản xuất giống, thức ăn đến tiêu thụ, có thu nhập từ vài trăm triệu đến hàng tỷ đồng.
Tuy đạt được những thành công bước đầu nhưng quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp của huyện Yên Khánh còn bộc lộ một số hạn chế như: Tốc độ tăng trưởng chưa bền vững, chưa có nhiều vùng sản xuất nông sản hàng hóa chủ lực, an toàn gắn kết với thị trường. Chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp hàng hóa chưa cao, giá trị gia tăng thấp.
Là địa phương được tỉnh cũng như Sở Nông nghiệp & PTNT "chọn mặt gửi vàng" để triển khai kế hoạch tái cơ cấu, Yên Khánh đặt quyết tâm cao để thực hiện. Lãnh đạo huyện Yên Khánh khẳng định: Tái cơ cấu là việc làm hết sức cần thiết và phải quyết tâm làm, khó đâu gỡ đó.
Người nông dân Yên Khánh có trình độ, khả năng tiếp thu KHKT khá tốt nên chỉ cần sự chỉ đạo đúng hướng, tập trung; Nhà nước đứng ra giúp nông dân quản lý chặt chẽ hơn về chất lượng vật tư nông nghiệp đầu vào và sản phẩm nông sản đầu ra thì các mục tiêu tái cơ cấu sẽ được thực hiện thành công.
Nhiều nhóm giải pháp được đưa ra để Yên Khánh tiếp tục triển khai tái cơ cấu ngành nông nghiệp có hiệu quả trong thời gian tới.
Trong đó tập trung vào việc tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền đến các ngành, đoàn thể, doanh nghiệp, người dân hiểu về ý nghĩa, tầm quan trọng của nhiệm vụ tái cơ cấu nông nghiệp; quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ trong đề án.
Bên cạnh đó, rà soát, điều chỉnh quy hoạch ngành sao cho phù hợp với định hướng tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Thực hiện đào tạo nghề cho lao động nông thôn, tăng cường đội ngũ cán bộ kỹ thuật, nông dân nòng cốt để ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất.
Phát triển mô hình hợp tác liên kết xây dựng cánh đồng lớn giữa doanh nghiệp, HTX, nhà khoa học và nông dân, qua đó rút kinh nghiệm nhân rộng, coi đây là vấn đề then chốt đẩy mạnh tái cơ cấu. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ cao, cơ giới hóa các lĩnh vực, các khâu trong sản xuất và chế biến.
Mở rộng mô hình HTX, doanh nghiệp cung cấp vật tư nông nghiệp với chất lượng tốt, giá thành hạ. Tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, thông tin về thị trường, tạo điều kiện cho nông dân tiếp cận và vay vốn các chính sách tín dụng hỗ trợ nông nghiệp.
Hà Phương