Trên địa bàn huyện Yên Khánh, việc thực hiện quy chế dân chủ (QCDC) ở cơ sở được tập trung vào các vấn đề liên quan đến lợi ích của nhân dân như: Công khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm; thực hiện cải cách hành chính, thực hiện quy trình giải quyết công việc theo cơ chế "một cửa" tại UBND các cấp, các thủ tục hành chính được giải quyết nhanh gọn, hiệu quả, thuận lợi cho nhân dân; việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, nhất là những việc thực hiện QCDC trong xây dựng nông thôn mới… Những việc làm này được cấp ủy, chính quyền các cấp chỉ đạo quyết liệt, sát sao với tinh thần "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra".
Một trong những kết quả nổi bật trong năm 2015 huyện Yên Khánh đạt được của việc thực hiện QCDC ở cơ sở đó là khẳng định vai trò lãnh đạo, chỉ đạo công tác giải phóng mặt bằng để thực hiện các dự án trên địa bàn. Có thể kể đến như: Xây dựng các công trình phụ trợ cho dự án đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, diện tích 3,7ha; dự án xây dựng nhà máy sản xuất giày da của Công ty TNHH quốc tế Thịnh Vượng tại cụm công nghiệp xã Khánh Nhạc, diện tích 9,8ha, với 76 hộ dân bị ảnh hưởng, số tiền bồi thường 17 tỷ đồng; Dự án Trạm xử lý nước thải làng nghề bún Yên Ninh với diện tích 0,25ha; dự án xây dựng đường trục xã Khánh An; dự án công trình phụ trợ đường Bái Đính - Kim Sơn với 2 khu tái định cư tại xã Khánh Thành (7.500m2), Khánh Công (5.250m2) với tổng diện tích 3,9 ha… Trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, cấp ủy, chính quyền đã bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, huy động cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở tham gia tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng, thu hồi đất được huyện coi là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của các cấp, các ngành… Từ quan điểm đó, nhân dân bị thu hồi đất được cung cấp mọi thông tin về các dự án và về công tác giải phóng mặt bằng của dự án. Người dân được tham gia cùng Hội đồng đền bù giải phóng mặt bằng của huyện để phân loại nguồn gốc đất đai, kê khai tài sản, vật kiến trúc, cây cối, hoa màu... có sự giám sát của MTTQ, các đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội các cấp. Quá trình lập hồ sơ thu hồi đất, lập phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư giải phóng mặt bằng cũng được thực hiện công khai, dân chủ, tôn trọng ý kiến của nhân dân. Việc kiểm đếm được giám sát chặt chẽ, chi tiết; bản dự thảo áp giá đền bù được thực hiện công khai, gửi xuống từng hộ để các hộ xem và ký xác nhận. Khi có kiến nghị, thắc mắc, các thành viên của Tổ công tác giải phóng mặt bằng đến từng gia đình để tiếp thu, đối thoại, giải đáp kịp thời. Bên cạnh đó, các lực lượng tham gia giải phóng mặt bằng phải bám sát địa bàn, nắm bắt kịp thời tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, thực hiện tốt công tác dân vận. Coi trọng công tác tuyên truyền, vận động trước, trong và sau giải phóng mặt bằng, lắng nghe ý kiến, kiến nghị của nhân dân, giải quyết triệt để những phát sinh ngay từ cơ sở. Đối với những nội dung vượt quá thẩm quyền giải quyết của Hội đồng giải phóng mặt bằng, các đồng chí lãnh đạo UBND huyện đã chủ trì, tổ chức các buổi đối thoại trực tiếp với nhân dân, lắng nghe, tiếp thu ý kiến của nhân dân để có giải pháp chỉ đạo, từng bước tháo gỡ khó khăn. Nhờ vậy, việc bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công được bảo đảm đúng tiến độ, đồng thời đảm bảo lợi ích của nhân dân.
Kết quả đó cho thấy, phương thức lãnh đạo, điều hành của các cấp ủy Đảng, chính quyền từ huyện đến xã, thị trấn luôn có sự đổi mới với việc phát huy mạnh mẽ QCDC ở cơ sở, tạo sự chuyển biến về nhận thức, ý thức, trách nhiệm và hành động của mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Đào Duy