Trao đổi với chúng tôi, lãnh đạo phòng nông nghiệp & PTNT huyện Yên Khánh cho biết: Vụ đông xuân năm nay, có rất nhiều thuận lợi là thời tiết nắng ấm tạo điều kiện cho cây trồng sinh trưởng, phát triển tốt. Nguồn nước đảm bảo đủ phục vụ đổ ải làm đất theo đúng tiến độ.
Để đảm bảo thời vụ, ngay sau Tết Nguyên đán, Yên Khánh đã chỉ đạo các địa phương tiến hành gieo mạ, huy động tối đa nhân lực làm đất trồng lạc và gieo cấy đông xuân nhanh gọn trong khung thời vụ để lúa trỗ bông vào thời điểm thích hợp nhất. Toàn huyện tổ chức xuống đồng cấy từ ngày 11/2 và đến ngày 22/2 đã gieo trồng xong 100% diện tích cây trồng vụ đông xuân với tổng diện tích 8.467 ha; trong đó lúa 7.021 ha, lạc 1.024 ha, còn lại là dưa, bí, khoai lang, rau đậu các loại.
Nét mới của vụ đông xuân nay là Yên Khánh đã triển khai thực hiện tốt chương trình phát triển vùng lúa cao sản với tổng diện tích 2.700 ha chủ yếu cấy bằng các giống lúa có tiềm năng suất, chất lượng cao như Phú ưu số 1, CNR 5104, Phú ưu 978, Thực Hưng số 6…
Mặt khác, thực hiện đa dạng hóa cây trồng, đưa các cây có hiệu quả kính tế cao như dưa bao tử, ngô ngọt...vào trồng trên đất vàn, đất mạ, đất 2 lúa chủ động tưới tiêu để nâng giá trị thu nhập trên 1 ha canh tác. Các địa phương chủ động xây dựng kế hoạch, cơ cấu cây vụ xuân; đồng thời tiến hành quy hoạch và triển khai chuyển đổi một số diện tích cấy lúa kém hiệu quả sang trồng cây khác hoặc chuyển sang mô hình trang trại nuôi trồng thủy sản đem lại hiệu quả kinh tế cao và lâu dài.
Để giành vụ đông xuân thắng lợi, ngay sau khi cấy xong huyện chỉ đạo các phòng chuyên môn, cán bộ kỹ thuật tiếp tục bám sát cơ sở hướng dẫn bà con nông dân tập trung chăm bón, phòng trừ sâu bệnh cho lạc và lúa đông xuân. Trong chăm bón thực hiện tốt phương châm bón đúng, bón đủ, cân đối NPK theo nhu cầu của mỗi loại cây trồng và tùy từng chân đất để bón.
Trong đó đặc biệt chú trọng đến việc ứng dụng tốt chương trình "ba giảm, ba tăng" là giảm đạm, thuốc bảo vệ thực vật, lãng phí nước và tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả. Đối với cây lúa tiến hành bón thúc sớm, nhanh gọn để lúa đẻ nhánh tập trung trong tháng 3, trỗ bông trong khung thời vụ tốt nhất từ ngày 5 - 15/5.
Để lúa sinh trưởng phát triển nhanh, huyện chỉ đạo bà con nông dân bón trước khi cấy 100% lượng phân chuồng, đạm khoảng từ 2- 3 kg/sào nhằm kích thích rễ phát triển nhanh. Sau khi cấy khoảng 5 - 7 ngày lúa bắt đầu bến rễ hồi xanh thì triển khai bón thúc toàn bộ lượng đạm còn lại kg đạm đặc biệt bón tăng lượng kli cho mỗi sào từ 3 - 4 kg để lúa đẻ nhánh nhanh, tập trung, tăng sức đề kháng hạn chế sâu bệnh và kết hợp với làm cỏ sục bùn.
Cùng với chăm bón, Yên Khánh chỉ đạo bà con nông dân thực hiện tốt biện pháp tưới tiêu khoa học nhằm tạo điều kiện cho lúa sinh trưởng phát triển. Đội KTCTTL huyện đã bố trí công nhân trực vận hành các công, trạm bơm đưa nước phù hợp với từng giai đoạn sinh trưởng của lúa, nhất là phục vụ nhân dân chăm bón cấy trồng vụ đông xuân.
Các xã, HTX cũng chỉ đạo các hộ tiến hành quai bờ gió giữ nước đảm bảo duy trì mực nước ở giai đoạn cấy là từ 2- 3 cm; giai đoạn đẻ nhánh từ 4- 7 cm; cuối giai đoạn đẻ nhánh rút kiệt nước cho lúa cứng cây. Đến khi lúa bắt đầu trỗ bông tiếp tục đưa đủ nước để lúa trỗ nhanh vào đúng thời điểm thích hợp.
Bên cạnh đó, các địa phương phải đặc biệt quan tâm đến công tác bảo vệ thực vật. Thường xuyên kiểm tra, thăm đồng nắm tình hình sâu bệnh như đạo ôn, rầy nâu, sâu đục thân, sâu cuốn lá để hướng dẫn nhân dân biện pháp phòng trừ kịp thời và có hiệu quả; phát động nhân dân diệt chuột và ốc bươu vàng, nhằm góp phần giành vụ đông xuân thắng lợi.
Thanh Chiên