Chúng tôi về xã Khánh Tiên, huyện Yên Khánh trong không khí chuẩn bị cho sự kiện kỷ niệm 1050 năm Nhà nước Đại Cồ Việt và Lễ hội Hoa Lư. Các thành viên của đội múa trống cũng đang hân hoan chuẩn bị các tiết mục văn hóa, văn nghệ để tham gia vào Lễ hội Hoa Lư. Những ngày này, vùng quê Khánh Tiên như tưng bừng hơn bởi tiếng trống rộn ràng của Câu lạc bộ múa trống Khánh Tiên.
Bà Nguyễn Thị Hoài, người múa trống cái của CLB múa trống xã Khánh Tiên năm nay đã ngoài 50 tuổi. Bà Hoài bảo, trải qua bao thế hệ, lấy cảm hứng từ niềm vui của người nông dân mừng ngày hội mùa, những người dân lao động nơi đây đã sáng tạo, gìn giữ và phát triển nghệ thuật múa trống, đưa múa trống trở thành nét văn hóa đặc sắc, quen thuộc không thể thiếu trong đời sống sinh hoạt hàng ngày.
Đến nay, mặc dù có những điệu múa cổ, cũng có những điệu múa còn mới mẻ… nhưng tất cả đã trở thành niềm tự hào, là món ăn tinh thần không thể thiếu của bao thế hệ người dân Khánh Tiên.
Với sức sống bền bỉ, ban đầu, múa trống chỉ xuất hiện trong dịp lễ hội của làng quê Khánh Tiên, sau này khi mọi người đã truyền dạy và luyện tập cho nhau theo lối truyền khẩu thì dần dần múa trống trở thành hình thức sinh hoạt của cả cộng đồng, được người dân rất yêu thích.
Từ nhiều năm nay, múa trống Khánh Tiên luôn là tiết mục được lựa chọn để tham gia vào Lễ hội Hoa Lư như một nét riêng, tự hào của vùng quê Yên Khánh.
Để chuẩn bị cho tiết mục này, những thành viên của CLB lại hăng say, kiên trì tập luyện để biểu diễn tại Lễ hội Hoa Lư năm nay, qua đó nhằm giới thiệu với du khách trong và ngoài tỉnh về bộ môn nghệ thuật dân gian này.
Cùng với múa trống, huyện Yên Khánh còn tham gia một số hoạt động khác ở Lễ hội Hoa Lư như: Tổ chức 2 đoàn tham gia Lễ rước kiệu. Đó là đoàn rước kiệu của di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia đền Tam Thánh và chùa Yên Lữ (xã Khánh An), đây là di tích liên quan đến triều Đinh và đoàn rước kiệu của di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh Đền Nội, thị trấn Yên Ninh, đây là di tích liên quan đến triều Lê.
Ngoài ra, huyện còn tham gia nhiều hoạt động tại Lễ hội Hoa Lư: Thi nấu ăn; giao lưu nghệ thuật quần chúng; hội trại thanh niên; thi cờ người; chọi gà; thi và trưng bày mâm ngũ quả; thi vật dân tộc; thi viết chữ thư pháp; thi tổ tôm điếm, tham gia gian giới thiệu các sản phẩm thủ công truyền thống và đặc sản tiêu biểu của huyện.
Đặc biệt, năm nay tỉnh ta long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 1050 năm Nhà nước Đại Cồ Việt. Tham gia vào sự kiện có ý nghĩa đặc biệt này của tỉnh, huyện Yên Khánh đang chuẩn bị các tiết mục cho Liên hoan các câu lạc bộ chèo không chuyên tỉnh Ninh Bình; Hội thi Người đẹp Hoa Lư; tham gia Liên hoan thiếu nhi kể chuyện sách tỉnh Ninh Bình…
Cùng với việc tích cực chuẩn bị các chương trình, tiết mục đặc sắc nhất mang dấu ấn riêng của vùng đất Yên Khánh tham gia Lễ kỷ niệm 1050 năm Nhà nước Đại Cồ Việt và Lễ hội Hoa Lư, huyện Yên Khánh cũng đa dạng hình thức tuyên truyền nhằm truyền tải không khí chuẩn bị lễ kỷ niệm và lễ hội đến với mọi tầng lớp nhân dân.
Tùy theo chức năng, nhiệm vụ của mình, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, xã, thị trấn đã thực hiện tuyên truyền dưới nhiều hình thức như: tuyên truyền trực quan tại cơ quan, đơn vị, khu trung tâm xã, thị trấn, trường học, khu đông người, tổ chức trang trí "Đường thông tin cổ động". Làm mới nội dung các cụm panô, khẩu hiệu, chăng treo băng zôn, cờ các loại. Phát động cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân treo cờ Tổ quốc tại gia đình.
Cùng với đó, tại các cơ quan, đơn vị, các xã, thị trấn tổ chức các hoạt động văn nghệ như: hội diễn, liên hoan, giao lưu văn nghệ, giao lưu các câu lạc bộ chèo tại huyện, tại các xã, thị trấn và các thôn, xóm, khu phố; tổ chức thi đấu, giao hữu bóng đá, cầu lông, bóng chuyền, bóng bàn, cờ tướng, võ, vật, kéo co; tổ chức các hoạt động trò chơi dân gian tại các xã, thị trấn, các thôn xóm, khu phố.
Đặc biệt, huyện Yên Khánh cũng đã lựa chọn 2 công trình trọng điểm để khởi công xây dựng, khánh thành chào mừng lễ kỷ niệm. Đó là công trình xây dựng nhà làm việc 2 tầng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Yên Khánh và công trình xây dựng Trạm Y tế xã Khánh Tiên.
Nguyễn Hùng