Nền tảng vững chắc ban đầu Trong những năm trở lại đây, nông nghiệp của huyện Yên Khánh đã đạt được những kết quả tích cực, thể hiện rõ vai trò, vị trí của ngành trong phát triển kinh tế-xã hội của huyện, mang lại việc làm và thu nhập ổn định cho gần 80% dân cư khu vực nông thôn.
Từ việc sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, chủ yếu mang tính tự cung, tự cấp thì hiện nay, nông nghiệp Yên Khánh đã có bước chuyển mạnh mẽ theo hướng sản xuất hàng hóa.
Không chỉ chú trọng những giống cây trồng mới, hiệu quả cao mà sau chuyển đổi ruộng đất với quy mô lớn, huyện đã xây dựng các mô hình liên kết sản xuất nông nghiệp từ cung ứng vật tư đầu vào, tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
Dự án cánh đồng mẫu lớn sản xuất lúa chất lượng cao đến nay đã mở rộng trên toàn huyện với quy mô 4.700 ha; dự án liên kết sản xuất lúa giống với các doanh nghiệp được triển khai hiệu quả với diện tích hơn 200 ha tại các xã Khánh Cường, Khánh Trung, Khánh Nhạc. Sản xuất vụ đông được tập trung chỉ đạo theo hướng sản xuất cây hàng hóa có giá trị kinh tế cao: ngô ngọt, khoai tây, bí xanh, cà chua…
Cùng với trồng trọt thì chăn nuôi trên địa bàn huyện Yên Khánh cũng đã mang lại những tín hiệu vui. Với việc quy hoạch các khu chăn nuôi tập trung, tạo điều kiện về vốn, đất đai …đã giúp huyện từng bước chuyển từ chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán sang phát triển theo hướng tập trung quy mô công nghiệp.
Đến nay, toàn huyện đã có hàng nghìn hộ chăn nuôi gia trại, trang trại, nông hộ áp dụng công nghệ cao, tổ chức sản xuất khép kín, liên kết từ sản xuất giống, thức ăn đến tiêu thụ, có thu nhập từ hàng trăm triệu đến hàng tỷ đồng.
Sản xuất nấm tươi cũng là một ưu thế trong nông nghiệp của Yên Khánh. Hiện nay, trên địa bàn huyện có 1 doanh nghiệp, 2 HTX, 15 tổ hợp tác và hàng trăm hộ chuyên sản xuất, kinh doanh nấm. Sản lượng nấm hàng năm của huyện đạt gần 2 nghìn tấn. Sản xuất nấm tiếp tục được chỉ đạo theo hướng sản phẩm của Yên Khánh có thương hiệu trên thị trường nông sản sạch.
Với những bước đi, cách làm hiệu quả, chỉ sau 5 năm, giá trị sản xuất trên 1 ha canh tác của huyện Yên Khánh đã tăng 40 triệu đồng (từ 85 triệu đồng/ha năm 2010 lên 125 triệu đồng/ha năm 2015). Giá trị sản xuất vụ đông hàng năm đạt từ 170 - 180 tỷ đồng.
Diện tích lúa chất lượng cao hàng năm duy trì trên 70% diện tích. Sản lượng lương thực có hạt hàng năm ước đạt trên 97 nghìn tấn. Tổng giá trị sản xuất nông nghiệp năm 2015 ước đạt 417 tỷ đồng, tăng trên 35 tỷ đồng so với năm 2010. Đến nay, toàn huyện có 10 xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Tuy đạt được những thành công bước đầu nhưng cùng với bối cảnh kinh tế chung của cả nước, nông nghiệp Yên Khánh còn bộc lộ những hạn chế trong quá trình phát triển như: Tốc độ tăng trưởng chưa bền vững, thiếu những vùng sản xuất nông sản hàng hóa chủ lực, an toàn gắn kết với thị trường. Chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp hàng hóa chưa cao, giá trị gia tăng thấp.
Nguyên nhân chính là do sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, thiếu ổn định và dễ bị tổn thương do thiên tai, dịch bệnh và biến động của thị trường. Các hình thức liên kết trong sản xuất còn lỏng lẻo, thiếu tính ràng buộc.
Xuất phát từ yêu cầu nội tại của huyện, kế hoạch định hướng tái cơ cấu ngành nông nghiệp năm 2016 được huyện Yên Khánh đưa ra với mục tiêu điều chỉnh cơ cấu ngành nông nghiệp của huyện theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, đáp ứng tốt hơn nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng trong, ngoài tỉnh và đẩy mạnh xuất khẩu.
Quyết tâm cao của chính quyền và cam kếtđồng hành của nhiều doanh nghiệp
Là địa phương được tỉnh cũng như Sở Nông nghiệp & PTNT "chọn mặt gửi vàng" để triển khai kế hoạch tái cơ cấu, Yên Khánh đặt quyết tâm cao để thực hiện. Tại buổi họp bàn triển khai kế hoạch tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên địa bàn huyện, đồng chí Phạm Quang Ngọc, TVTU, Bí thư Huyện ủy Yên Khánh khẳng định: Nông nghiệp được coi là trọng tâm trong phát triển kinh tế của huyện.
Do vậy, để nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững ngành nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho người dân thì triển khai tái cơ cấu là việc hết sức cần thiết và phải làm ngay.
Người nông dân Yên Khánh có trình độ, khả năng tiếp thu KHKT khá tốt nên chỉ cần sự chỉ đạo đúng hướng, tập trung; Nhà nước đứng ra giúp nông dân quản lý chặt chẽ hơn về chất lượng vật tư nông nghiệp đầu vào và sản phẩm nông sản đầu ra thì nhiều mục tiêu tái cơ cấu sẽ được thực hiện thành công.
Mục tiêu cụ thể của Yên Khánh trong thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp năm 2016 là: tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp đạt từ 1,7% trở lên. Tỷ trọng giữa trồng trọt và chăn nuôi là 55%-45%.
Phấn đấu có từ 35 mô hình tái cơ cấu trên lĩnh vực trồng trọt ở Khánh Thành, Khánh Trung, Khánh Hải, Khánh Hồng; chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản ở các xã Khánh Thủy, Khánh Nhạc; phấn đấu có sản phẩm nông nghiệp có thương hiệu trên thị trường.
Nhiều nhóm giải pháp được đưa ra để triển khai thực hiện, trong đó tập trung vào việc tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền đến các ngành, đoàn thể, doanh nghiệp, người dân hiểu về ý nghĩa, tầm quan trọng của nhiệm vụ tái cơ cấu; quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ trong đề án.
Bên cạnh đó, việc rà soát, điều chỉnh quy hoạch ngành sao cho phù hợp với định hướng tái cơ cấu ngành nông nghiệp; tăng cường liên doanh, liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ.
Về trồng trọt, tiếp tục đầu tư thâm canh cây lúa, đặc biệt là vùng lúa chất lượng cao; duy trì và mở rộng diện tích cánh đồng mẫu lớn.
Xây dựng dự án chuyển diện tích cây trồng kém hiệu quả sang những cây con có hiệu quả hơn. Hướng cho người dân sản xuất theo mô hình VietGAP. Về chăn nuôi, phát triển chăn nuôi tập trung, trang trại, gia trại, khuyến khích áp dụng công nghệ cao.
Ông Phạm Văn Bách, Bí thư Đảng ủy xã Khánh Thành cho biết: Khánh Thành đã triển khai dồn điền, đổi thửa từ rất sớm, nhiều vùng cấy lúa kém hiệu quả cũng đã được chuyển đổi sang các cây trồng, con nuôi khác có giá trị hơn. Các hình thức tổ chức sản xuất trên địa bàn cũng rất đa dạng nên việc triển khai tái cơ cấu sẽ có nhiều thuận lợi.
Hiện tại, nhiều đơn vị, doanh nghiệp quan tâm và cam kết hỗ trợ Yên Khánh thực hiện thành công kế hoạch tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên địa bàn.
Đại diện lãnh đạo Ngân hàng Nông nghiệp & PTNT tỉnh cho biết: "Ngày 9-6-2015, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 55 về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn với nhiều điểm mới như: Bổ sung đối tượng được vay vốn phục vụ phát triển nông nghiệp là khách hàng hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp nhưng nằm ngoài khu vực nông thôn.
Mức cho vay không có tài sản bảo đảm tăng gấp 1,5-2 lần so với quy định tại Nghị định 41, tối đa lên tới 1 tỷ đồng đối với hợp tác xã, chủ trang trại.
Nghị định này còn có thêm quy định riêng về chính sách tín dụng khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp theo mô hình liên kết, ứng dụng công nghệ cao… Ngân hàng Nông nghiệp & PTNT tỉnh cam kết sẽ đáp ứng đầy đủ tối đa nguồn vốn cho nông nghiệp, nông thôn.
Ông Lê Thanh Thảo, đại diện Công ty cổ phần Bảo vệ thực vật 1 Trung ương cũng khẳng định: "Hiện tại Công ty chúng tôi đang có một số dòng sản phẩm mới như các giống ngô có sinh khối lớn, thời gian sinh trưởng ngắn, chống chịu sâu bệnh tốt để làm thức ăn chăn nuôi (PSC-102, PSC-747) hay như sản phẩm thuốc trừ sâu sinh học V.K 16WB an toàn với người, vật nuôi và môi trường, phù hợp trong định hướng tái cơ cấu. Công ty sẵn sàng liên kết, phối hợp với các HTX để hướng dẫn kỹ thuật cho nông dân, cung ứng các sản phẩm này với mức giá tốt nhất".
Hà Phương