Từ năm 2010 đến nay, các cấp ủy đảng và chính quyền huyện Yên Khánh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng NTM ở địa phương. Để có sự thống nhất trong chỉ đạo, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện ra Nghị quyết về xây dựng NTM đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020. Hàng chục nghìn lượt cán bộ cấp xã, thôn, xóm đã được tập huấn về phương pháp tuyên truyền, vận động xây dựng NTM tại cơ sở.
Đồng thời, Huyện ủy phát động phong trào thi đua "Toàn dân Yên Khánh chung sức xây dựng NTM" và tổ chức cuộc thi sáng tác văn học, nghệ thuật về đề tài xây dựng NTM; các đội văn nghệ cơ sở xây dựng vở diễn mới để tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về xây dựng NTM đến với nhân dân.
Chính vì thế, phong trào xây dựng NTM ở Yên Khánh đã có sức lan tỏa sâu rộng, nhiều mô hình, cách làm hay trong xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, phát triển sản xuất nông nghiệp, văn hóa, giáo dục, vệ sinh môi trường... được triển khai thực hiện khá hiệu quả, có sự tham gia của đông đảo các tầng lớp nhân dân, con em quê hương, doanh nghiệp tạo nên sức mạnh tổng hợp chung sức xây dựng NTM.
Cùng với việc lập đề án quy hoạch xây dựng NTM, huyện đã chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa có chất lượng cao, nâng cao thu nhập cho người dân, xây dựng nhiều mô hình sản xuất nhằm nâng cao hệ số, hiệu quả sử dụng đất, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, đưa cơ giới hóa vào sản xuất, tăng cường liên kết trong tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp để nâng cao thu nhập cho người dân.
Đến nay, toàn huyện có 75% diện tích được gieo cấy bằng giống lúa chất lượng cao, 80-90% diện tích gặt bằng máy, 40-50% diện tích gieo sạ, đưa giá trị trên 1 ha canh tác lên 125 triệu đồng/năm.
Nổi bật là mô hình sản xuất giống lúa chất lượng cao quy mô 500 ha tại 4 xã Khánh Cường, Khánh Trung, Khánh Thành, Khánh Công; mô hình liên kết sản xuất lúa thương phẩm chất lượng cao và lúa xuất khẩu; mô hình cánh đồng mẫu lớn đạt 2.700 ha năm 2015; triển khai và tổ chức thực hiện thành công các mô hình như: mô hình gieo sạ, mô hình phát triển sản xuất nông sản sạch có giá trị kinh tế cao ở xóm 13 và xóm 7, xã Khánh Thành.
Nhờ đó, thu nhập của người dân được nâng lên từ 15-20%, tiết kiệm chi phí sản xuất từ 500.000- 2.000.000 đồng/ha. Sản xuất vụ đông được chuyển dịch theo hướng mở rộng diện tích cây có giá trị thu nhập cao, hình thành các vùng sản xuất vụ đông hàng hóa như khoai tây, bí xanh, ngô ngọt, ngô nếp, dưa, cà chua, trạch tả... với thu nhập bình quân từ 50-55 triệu đồng/ha/vụ. Chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi thủy sản, sản xuất nấm phát triển theo hướng quy mô tập trung trang trại, gia trại.
Huyện có 14 cơ sở sản xuất nấm quy mô trên 2.000 m2 lán trại trở lên, sản lượng nấm tươi hàng năm đạt từ 2.000-2.500 tấn các loại; có 62 trang trại chăn nuôi lợn quy mô mỗi trang trại từ 300-1.000 con, 86 gia trại quy mô từ 50-200 con; có 252 mô hình nuôi thủy sản kết hợp chăn nuôi gia súc, gia cầm đạt hiệu quả kinh tế cao, đảm bảo vệ sinh môi trường.
Huyện xác định công tác dồn điền, đổi thửa là khâu quan trọng trong sản xuất nông nghiệp và trong xây dựng NTM. Do đó, phong trào dồn điền, đổi thửa được các địa phương đẩy mạnh. Đến nay, 100% số xã, thị trấn đã hoàn thành công tác dồn điền, đổi thửa gắn với chỉnh trang đồng ruộng.
Cùng với dồn điền, đổi thửa, phong trào xây dựng, nâng cấp hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng, chỉnh trang đồng ruộng được triển khai thực hiện đồng bộ, tạo điều kiện thuận lợi phát triển nông nghiệp hàng hóa, ứng dụng khoa học kỹ thuật, đưa cơ giới hóa vào sản xuất. Bên cạnh đó, hàng trăm hạng mục công trình phục vụ sản xuất và nâng cao đời sống nhân dân địa phương được khởi công và hoàn thiện.
Từ năm 2011 đến nay, các xã làm mới, nâng cấp được 2.100 tuyến đường giao thông nông thôn với chiều dài 250 km. Nạo vét 44,2 km kênh mương, trục tiêu chính, xây dựng, kiên cố hóa gần 28 km kênh tưới, hệ thống các công trình thủy lợi được tu bổ, nâng cấp đảm bảo khả năng tưới tiêu phục vụ sản xuất và sinh hoạt của nhân dân. Các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở được quy hoạch đảm bảo quy mô diện tích theo quy định. Đến nay có 725/869 phòng học và phòng chức năng được kiên cố hóa, đạt tỷ lệ 83,4%; có 55/62 trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở đạt chuẩn quốc gia. Cơ sở vật chất văn hóa được quan tâm đầu tư.
Các địa phương đã nâng cấp cải tạo, xây dựng mới 9 nhà văn hóa xã và 29 nhà văn hóa thôn. Đến nay có 16 xã có nhà văn hóa xã; 229/248 thôn có nhà văn hóa, đạt 92,3%. Hệ thống chợ nông thôn được cải tạo, nâng cấp đạt chuẩn theo quy định, đáp ứng nhu cầu buôn bán, kinh doanh, trao đổi hàng hóa của cư dân nông thôn. Toàn huyện có 14/18 xã có công trình nước sạch tập trung với trên 95% số hộ dân sử dụng nước sạch hợp vệ sinh...
Có thể nói, qua 5 năm thực hiện Chương trình xây dựng NTM ở huyện Yên Khánh đã tạo sự chuyển biến về nhận thức, ý thức trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và nhân dân, phát huy được vai trò chủ thể của cộng đồng dân cư trong xây dựng NTM.
Các cấp ủy Đảng, chính quyền, các tổ chức đoàn thể đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, có trọng tâm, trọng điểm, chủ động, linh hoạt, đồng bộ nhất quán, tạo được sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong xây dựng NTM. Trong quá trình triển khai thực hiện, các địa phương đã thực hiện có hiệu quả việc lồng ghép các chương trình, dự án phát triển sản xuất, an sinh xã hội, xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển văn hóa - xã hội và môi trường theo quy hoạch và đề án xây dựng NTM.
Trên cơ sở mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện các tiêu chí xây dựng NTM, các địa phương đã nắm chắc tâm tư, nguyện vọng của nhân dân để lựa chọn những công việc phù hợp với điều kiện và khả năng của nhân dân như: phát động nhân dân chỉnh trang nhà cửa, đường làng, ngõ xóm, làm vệ sinh môi trường, hiến đất, góp công, tạo sự đồng tình hưởng ứng của nhân dân. Đồng thời huy động các nguồn lực của nhân dân và sự tham gia ủng hộ của các doanh nghiệp và con em quê hương đang công tác, sinh sống trong cả nước ủng hộ, đóng góp để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, tạo nên diện mạo cho quê hương.
Trong thời gian tới, Yên Khánh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo 10 xã đã được công nhận NTM tiếp tục duy trì, củng cố và nâng cao chất lượng các tiêu chí, đảm bảo sự phát triển bền vững. Đồng thời, chỉ đạo các xã đẩy mạnh phong trào xây dựng NTM, phấn đấu đến hết năm 2016 toàn huyện có 13 xã đạt xã NTM; phấn đấu đến năm 2017 huyện được công nhận là huyện NTM.
Thanh Chiên