Đồng chí Trần Ngọc Diệp, Phó phòng Nông nghiệp & PTNT huyện Yên Khánh cho biết: Diện tích cây trồng vụ mùa toàn huyện là 8.468 ha, trong đó 7.506 ha lúa. Các địa phương tích cực chuyển đổi cơ cấu trà lúa, giống lúa theo hướng tăng diện tích lúa mùa sớm lên 4.108 ha và cấy bằng các giống lúa hàng hóa như Bắc thơm số 7, Phú ưu số 1, Phú ưu 978, LT2, HT1, HT3-3 để thu hoạch sớm giải phóng đất trồng đậu tương, bí xanh vụ đông. Trà lúa mùa trung 3.390,5 ha, chủ yếu là giống lúa Q5, Phú ưu số 1, Kim ưu 725, Hoa ưu 108, TK 90 để thu hoạch vào trung tuần tháng 10 trồng ngô nếp, ngô ngọt, cà chua, khoai tây.
Hiện nay, nhiều diện tích lúa mùa đang trong giai đoạn trỗ bông, phơi màu và dự kiến năng suất ước đạt 57- 58 tạ/ha. Tuy nhiên, qua kiểm tra của Phòng Nông nghiệp & PTNT, Trạm bảo vệ thực vật huyện ở các xã Khánh Nhạc, Khánh Trung, Khánh Tiên, Khánh Hải, Khánh An… cho thấy, trên đồng ruộng một số đối tượng sâu bệnh đã và đang phát triển, gây hại cho lúa mùa như: Sâu cuốn lá nhỏ lứa 6, sâu non nở từ ngày 6 đến 20-9 và nở rộ từ ngày 12 đến 17-9 với mật độ sâu trung bình 50 con/m2, cao từ 100 - 300 con/m2, ảnh hưởng trực tiếp đến trà lúa trỗ sau ngày 15-9. Rầy các loại, sâu cuốn lá nhỏ lứa 6 nở từ ngày 3 đến 25-9 với mật độ trung bình 700 con/m2, cao từ 1.500 - 3.000 con/m2, cá biệt có ổ 5.000 - 7.000 con/m2 gây hiện tượng cháy cục bộ trên trà lúa mùa sớm. Sâu đục thân hai chấm phát sinh từ ngày 10 đến 25-9 và sâu non nở rộ từ ngày 17-9 đến 2-10 gây hại nặng cho diện tích lúa mùa trỗ sau ngày 25-9, ước tỷ lệ bông bạc trung bình 10%, cao 15 - 25%. Bệnh khô vằn, bệnh bạc lá lúa và bệnh đốm sọc vi khuẩn gây hại cục bộ trên diện tích lúa bón thừa đạm, giống nhiễm… Yên Khánh đã chỉ đạo các xã, thị trấn, HTX tập trung triển khai thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống sâu bệnh cuối vụ cho lúa mùa. Các tổ bảo vệ thực vật, cán bộ khuyến nông cơ sở tăng cường kiểm tra đồng ruộng, đánh giá đúng tình hình sâu bệnh của đơn vị mình để có biện pháp chỉ đạo phòng trừ hiệu quả. Hướng dẫn nông dân tự kiểm tra, xác định đúng đối tượng sâu bệnh gây hại, khoanh vùng những diện tích đến ngưỡng phải phòng trừ, tránh phun thuốc tràn lan gây lãng phí, ô nhiễm môi trường. Đối với sâu cuốn lá nhỏ lứa 6, dùng các loại thuốc Regent 800WG, Regell 800WG, Tango 800WG để phun trừ. Những diện tích có mật độ cao trên 100 con/m2 thì tăng nồng độ thuốc lên 1,5 - 2 lần. Đối với sâu đục thân lúa hai chấm, chỉ đạo nông dân phun trừ cho diện tích lúa trỗ sau ngày 25-9 và tiến hành phun kép 2 lần; lần 1 phun khi lúa trỗ từ 3 -5% và lần 2 phun sau lần 1 từ 5 - 7 ngày. Thời gian phun thuốc sau 15 giờ hàng ngày để đảm bảo cho lúa trỗ bông và phơi màu an toàn. Đối với rầy nâu, rầy các loại, thông báo, hướng dẫn nông dân thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, phát hiện và xử lý kịp thời các ổ rầy có mật độ trên 2.000 con/m2 bằng các loại thuốc đặc hiệu như Comfai 10WP, Midan 10WP, Actara 25WSG và có thể kết hợp với phun trừ sâu cuốn lá nhỏ đối với diện tích có mật độ sâu đến ngưỡng phải phun trừ. Tiếp tục chỉ đạo nông dân dùng các loại thuốc Validacin 5L, Cavin 50SC, Levin 50SC phòng trừ cho những diện tích bị nhiễm bệnh khô vằn nặng, đảm bảo liều lượng nước thuốc từ 20 - 30 lít/sào. Đối với bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn dùng các loại thuốc Sasa 20WP, Xanthomix 20WP để phun trừ cho những diện tích khi bệnh chớm xuất hiện nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do sâu bệnh gây ra, góp phần đạt kết quả cao trong vụ mùa 2008.
Thanh Chiên