Công ty TNHH may thêu Hoàng Long được thành lập từ năm 2012 chuyên sản xuất gia công các sản phẩm may mặc xuất khẩu đi Hàn Quốc, Nhật Bản. Thời gian đầu, Công ty phải thuê một sân kho ở xã Khánh Nhạc để làm trụ sở, hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, do tạo được "chữ tín" với khách hàng, thị trường của Công ty luôn ổn định và không ngừng được mở rộng nên từ đầu năm 2014, Công ty đã tiến hành đấu giá đất tại xóm 4, xã Khánh Hồng và triển khai xây dựng một nhà máy quy mô lớn với diện tích 5.000 m2 nhà xưởng cùng công trình phụ trợ, khuôn viên, cây xanh... Hiện nay nhà máy đã hoàn thành giai đoạn 1, đi vào hoạt động với 6 dây chuyền may, tạo việc làm cho 320 lao động địa phương và các huyện lân cận, với thu nhập bình quân ổn định ở mức 3,6 triệu đồng/người/tháng. Ông Trần Trung Dũng, Phó Giám đốc Công ty TNHH may thêu Hoàng Long chia sẻ: Đầu tư về địa bàn nông thôn, chúng tôi có được thuận lợi là giảm sức ép về lao động do nguồn lao động nhàn rỗi ở nông thôn khá nhiều. Tuy nhiên, cũng vấp phải những khó khăn do đa phần những lao động này đều chưa qua đào tạo. Do vậy, ngay từ ngày đầu thành lập Công ty đã có sự chuẩn bị chu đáo từ xây dựng nhà xưởng đến dạy nghề, tạo điều kiện cho người lao động làm quen với tác phong công nghiệp. Từ đầu năm đến nay, Công ty luôn giữ vững nhịp độ sản xuất, kinh doanh và dự kiến sang đầu năm 2015 sẽ tiếp tục mở thêm 8 tổ sản xuất nữa.
Còn tại Doanh nghiệp Thành Hóa - một trong những doanh nghiệp sản xuất, chế biến cói mỹ nghệ xuất khẩu thuộc nhóm sớm và lớn nhất huyện Yên Khánh. Ông Phạm Đăng Khuyến, Giám đốc Doanh nghiệp chia sẻ: Những năm gần đây, hoạt động sản xuất, chế biến mặt hàng cói mỹ nghệ gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu, thị trường thu hẹp. Trước tình hình đó, doanh nghiệp đã đẩy mạnh việc nghiên cứu thị trường, đa dạng hóa các mặt hàng, ngoài sản phẩm làm từ cói, bèo, Doanh nghiệp còn sản xuất các sản phẩm từ tre, nứa, bẹ chuối. Đặc biệt từ năm 2013, nắm bắt được nhu cầu của một số nước theo đạo Phật, doanh nghiệp đã tiến hành nghiên cứu và phát triển sản phẩm tăm hương xuất khẩu, đem lại giá trị kinh tế không nhỏ. Ông Phạm Đăng Khuyến cho biết thêm: Năm 2014, tổng doanh thu của doanh nghiệp là 32 tỷ đồng, nộp ngân sách 1,6 tỷ đồng. Hiện tại, doanh nghiệp đảm bảo việc làm và mức thu nhập ổn định cho hàng trăm lao động đang làm việc trực tiếp tại đơn vị. Ngoài ra, doanh nghiệp còn duy trì hoạt động của nhiều đơn vị vệ tinh trong và ngoài tỉnh, giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động lúc nông nhàn.
Thời gian qua, ngoài sự nỗ lực, nhạy bén của các chủ cơ sở sản xuất, cùng với những tiềm năng của địa phương, các cấp chính quyền và cơ quan chức năng của huyện Yên Khánh đã quan tâm triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ, khuyến khích phát triển CN-TTCN. Nhờ vậy, các doanh nghiệp, HTX hoạt động trên lĩnh vực CN-TTCN và làng nghề truyền thống trên địa bàn huyện Yên Khánh đã không ngừng phát triển và đạt được những kết quả đáng khích lệ. Các đơn vị, doanh nghiệp đều mở rộng quy mô sản xuất, cải tiến công nghệ, nâng cao giá trị sản phẩm; giải quyết việc làm, đào tạo nghề cho hàng nghìn lao động. Được biết, từ đầu năm đến nay, Yên Khánh đã có trên 4.000 lao động có việc làm mới tại các doanh nghiệp trên địa bàn và các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trong tỉnh. Bên cạnh đó, 7 làng nghề của huyện cũng hoạt động khá hiệu quả, giải quyết việc làm cho gần 3.000 lao động địa phương với mức thu nhập ổn định ở mức từ 1-3 triệu đồng/người/tháng. Theo báo cáo của phòng Công thương huyện, năm 2014 tổng giá trị công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn Yên Khánh (giá so sánh năm 2010) là 4.487 tỷ đồng, tăng 33,5% so với năm 2013. Trong đó khu vực nhà nước là 2.401 tỷ đồng, khu vực ngoài nhà nước là 955 tỷ đồng và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài là 1.130 tỷ đồng. Các sản phẩm chủ yếu là: gạo xay xát, may mặc, các sản phẩm tết bện, cần gạt ô tô, đạm...
Theo ông Lê Ngọc Long, Trưởng Phòng Công thương huyện: Những giải pháp được huyện Yên Khánh quan tâm thực hiện thời gian gần đây như cải cách thủ tục hành chính, tư vấn, hướng dẫn và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các đối tượng có nhu cầu đăng ký kinh doanh; triển khai tốt các cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ doanh nghiệp và hộ kinh doanh (nhất là về chính sách thuế, đất đai); đào tạo lao động nông thôn; phối hợp triển khai hiệu quả chương trình khuyến công, hỗ trợ quảng bá sản phẩm… đã mang lại hiệu quả rõ rệt. Tuy nhiên, để tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp phát triển, phòng Công thương huyện sẽ tiếp tục tham mưu cho Huyện ủy, UBND huyện Yên Khánh đẩy mạnh thực hiện các cơ chế, chính sách về xúc tiến, thu hút đầu tư; kịp thời tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho các doanh nghiệp, tạo điều kiện cho các đơn vị này sản xuất, kinh doanh ổn định. Ưu tiên cho việc phát triển, nâng cấp một số ngành đã có thương hiệu như: bún bánh ở thị trấn Yên Ninh, rượu ở xã Khánh Hòa, Khánh Thủy, nấm, bánh đa để đủ điều kiện cạnh tranh với thị trường. Đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực CN-TTCN đăng ký với Sở Công thương hỗ trợ kinh phí trong chương trình khuyến công năm 2015.
Bài, ảnh: Hà Phương