Huyện đã đề ra kế hoạch sản xuất với lịch thời vụ cụ thể cho từng giống cây trồng và phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng đơn vị. UBND huyện cũng đã quán triệt kế hoạch sản xuất vụ đông xuân năm 2019 - 2020; chỉ đạo các xã, thị trấn, các HTX nông nghiệp, các cơ quan, đơn vị của huyện thực hiện nghiêm túc kế hoạch sản xuất của huyện. Giao phòng chuyên môn của huyện, các đơn vị có liên quan tổ chức tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, triển khai, thực hiện kế hoạch của UBND huyện.
Phối hợp với Sở Nông nghiệp &PTNT xây dựng mô hình chuyển đổi sản xuất lúa hữu cơ bằng máy tại xã Khánh Trung quy mô 100 ha; toàn huyện phấn đấu sản xuất 200 ha lúa hữu cơ. Khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, tập thể, cá nhân có nhu cầu sản xuất hàng hóa tập trung thuê đất, mượn đất, liên doanh, liên kết với nông dân sản xuất lúa giống, lúa thương phẩm chất lượng cao, sản xuất rau củ quả hàng hóa, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất và tiêu thụ nông sản cho nhân dân.
Từng bước giảm tối đa diện tích lúa gieo thẳng chuyển sang cấy nhằm không sử dụng thuốc trừ cỏ, tránh ảnh hưởng đến môi trường, sức khỏe cộng đồng, hướng tới sản xuất nông nghiệp an toàn và bền vững. Xây dựng các mô hình sản xuất có giá trị kinh tế cao trên cơ sở có quy hoạch, kế hoạch chuyển đổi diện tích gieo cấy lúa hiệu quả thấp sang các cây trồng mới có giá trị kinh tế cao hơn.
Khuyến khích các đơn vị tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đặc biệt là chuyển đổi đất sản xuất lúa kém hiệu quả sang trồng các cây trồng khác có giá trị kinh tế cao. Mở rộng các mô hình lúa - cá trên cơ sở quy hoạch ở các vùng đất trũng ven sông, giáp khu dân cư, có điều kiện nước ra vào thuận tiện đảm bảo môi trường cho cá phát triển.
Theo ông Trần Ngọc Diệp, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện, các địa phương đã chủ động xây dựng kế hoạch và triển khai làm đất sớm với yêu cầu cày ải sớm, đảm bảo ải nỏ (trừ diện tích còn cây vụ đông) và tại thời điểm này đã có 100% diện tích được làm đất đợt 2 (chủ yếu là cày ải); giống và phân bón cũng đã được chuẩn bị đầy đủ.
Khó khăn lớn nhất và đang hiện hữu của vụ đông xuân năm nay là nước cho sản xuất. Các địa phương phải chủ động, điều tiết nước, lấy nước đổ ải và bừa dập, bừa cấy để có thể kết thúc khâu gieo cấy trước ngày 12/2/2019.
Theo cam kết của Tập đoàn điện lực Việt Nam với Bộ Nông nghiệp & PTNT lịch xả nước của các hồ chứa thủy điện phục vụ cho việc đổ ải, gieo cấy vụ đông xuân gồm 3 đợt, tổng cộng 18 ngày cụ thể như sau: Đợt 1 từ 0h00 ngày 20/1 đến 24h00 ngày 23/1/2020, 4 ngày; đợt 2 từ 0h00 ngày 5/2/2020 đến 24h00 ngày 12/2/2020, 8 ngày; đợt 3 từ 0h00 ngày 19/2/2020 đến 24h00 ngày 24/2/2020, 6 ngày với tổng lượng nước xả khoảng 4 tỷ m3.
Về cơ cấu trà lúa, giống lúa: 100% diện tích được gieo cấy bằng trà xuân muộn với các giống lúa thuần (khoảng 90% diện tích gieo cấy) gồm: LT2, Bắc thơm số 7, QR1, DQ11, Thơm RVT, Hoa ưu 109, Nếp 97... và giống Đài thơm 8. Lúa lai (khoảng 10% diện tích gieo cấy), sử dụng các giống Nhị ưu 838...Cây lạc, chủ yếu trồng bằng các giống L14, L15, Sư tuyển, MD7, TQ1, Sán dầu 30…, trồng trong tiết lập xuân và xong trước ngày 25/2/2019.
Cây ngô, khuyến khích các đơn vị có diện tích đất màu trồng lạc kém hiệu quả chủ động ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm để trồng ngô ngọt hoặc một số giống ngô có giá trị kinh tế cao, ngô thương phẩm chế biến làm thức ăn cho gia súc. Các cây trồng khác như dưa các loại, bầu bí, ớt, cà chua... gieo trồng trên đất vàn, đất 2 lúa chủ động tưới tiêu, tiến hành bô bầu trước khi trồng.
Đinh Chúc