Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Môi trường, từ trung tuần tháng 7/2025 đến nay, bệnh dịch tả lợn châu Phi tiếp tục phát sinh tại một số địa phương cấp xã trên địa bàn tỉnh, có chiều hướng lan rộng. Đáng chú ý, một số nơi vẫn còn tình trạng chủ quan, lơ là, thiếu quyết liệt trong công tác chỉ đạo, điều hành phòng, chống dịch.
Thực hiện Công điện số 109/CĐ-TTg ngày 16/7/2025 của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành và Chủ tịch UBND các xã, phường theo chức năng, nhiệm vụ được giao tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch tả lợn châu Phi.
Đối với UBND các xã, phường yêu cầu người đứng đầu nêu cao tinh thần trách nhiệm, trực tiếp chỉ đạo công tác phòng, chống dịch. Khẩn trương kiện toàn bộ máy chuyên môn cấp xã, bố trí cán bộ có chuyên môn về chăn nuôi, thú y để thực hiện nhiệm vụ giám sát, tham mưu, tổ chức ứng phó với dịch bệnh kịp thời, hiệu quả.
Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh cơ sở, đến tận các thôn, xóm, tổ dân phố để người dân nắm rõ tình hình dịch bệnh, thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống. Tuyệt đối không buôn bán, vận chuyển, tiêu thụ lợn bệnh, lợn chết; không vứt xác lợn ra môi trường gây lây lan dịch và ô nhiễm. Chủ tịch UBND cấp xã phải chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh và trước pháp luật nếu để xảy ra vi phạm trên địa bàn.
Chủ động huy động các nguồn lực, bố trí ngân sách mua hóa chất, vôi bột; tổ chức khoanh vùng ổ dịch, tiêu độc khử trùng liên tục, tiêu hủy lợn bệnh theo đúng quy trình, không để dịch lây lan diện rộng. Rà soát, thống kê chính xác tổng đàn lợn, cập nhật biến động đàn, thực hiện kê khai chăn nuôi để làm cơ sở hỗ trợ thiệt hại và xác minh nguồn gốc gây lây lan dịch bệnh.
Thành lập các tổ kiểm tra lưu động để kiểm soát việc vận chuyển, buôn bán, giết mổ lợn và sản phẩm từ lợn trên địa bàn; lấy mẫu xét nghiệm khi cần thiết; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về an toàn dịch bệnh, vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm. Tăng cường bảo vệ các vùng chăn nuôi trọng điểm, quy mô lớn; chủ động phương án phòng, chống dịch, đảm bảo duy trì tổng đàn, giữ ổn định tăng trưởng ngành chăn nuôi.
Sở Nông nghiệp và Môi trường duy trì hoạt động của các đoàn kiểm tra, đôn đốc các địa phương thực hiện nghiêm chỉ đạo của tỉnh; kịp thời phát hiện, báo cáo các địa phương còn buông lỏng, thiếu quyết liệt trong công tác phòng, chống dịch để có hình thức phê bình, xử lý phù hợp. Chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y phối hợp hỗ trợ cơ sở; tăng cường lấy mẫu giám sát tại các chợ, cơ sở giết mổ, điểm buôn bán sản phẩm từ lợn; kiểm dịch vận chuyển chặt chẽ; phối hợp với Công an, lực lượng Quản lý thị trường xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về buôn bán, tiêu thụ lợn và sản phẩm từ lợn không rõ nguồn gốc.
Hướng dẫn các cơ sở chăn nuôi áp dụng nghiêm các biện pháp an toàn sinh học, xây dựng vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh; tổ chức đánh giá hiệu quả tiêm phòng vắc xin Dịch tả lợn châu Phi để khuyến cáo, hướng dẫn tiêm chủng phù hợp.
Sở Tài chính căn cứ khả năng ngân sách, tham mưu bố trí kinh phí kịp thời, đúng quy định để phục vụ công tác phòng, chống dịch.Sở Công Thương chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường; phối hợp với cơ quan thú y, công an, thanh tra giao thông kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi vận chuyển, kinh doanh động vật, sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc.
Công an tỉnh chỉ đạo lực lượng chức năng phối hợp với các ngành và chính quyền địa phương kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến buôn bán, vận chuyển, tiêu thụ trái phép động vật, sản phẩm động vật và vứt xác lợn ra môi trường.
Báo và phát thanh, truyền hình Ninh Bình tăng cường tuyên truyền, phổ biến kiến thức phòng, chống dịch tả lợn châu Phi, cung cấp thông tin kịp thời, chính xác, nhất là tại những địa bàn đang có dịch hoặc nguy cơ cao, góp phần định hướng dư luận, tránh gây hoang mang trong nhân dân.
Các sở, ban, ngành liên quan và UBND các cấp tích cực phối hợp, tổ chức triển khai hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn. Giao Sở Nông nghiệp và Môi trường làm đầu mối hướng dẫn, kiểm tra, tổng hợp tình hình, kịp thời báo cáo, tham mưu UBND tỉnh để có chỉ đạo sát, đúng, kịp thời.