Về Khánh Cư trong những ngày tháng Tư lịch sử, chúng tôi cảm nhận được không khí hào hứng tập luyện văn nghệ, thi đấu thể dục thể thao của các thôn xóm chào mừng ngày lễ lớn của dân tộc. Theo đồng chí cán bộ Ban Văn hóa - Xã hội xã Khánh Cư, trong những ngày lễ lớn của đất nước, phong trào văn hóa, văn nghệ, thi đấu TDTT của các thôn trong xã rất sôi nổi, nhân dân tụ họp ở các nhà văn hóa thôn biểu diễn các tiết mục văn nghệ ca ngợi Đảng quang vinh, Bác Hồ vĩ đại, quê hương đổi mới, qua đó góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho bà con, tình làng nghĩa xóm thêm bền chặt. Nhiều năm qua, Khánh Cư là đơn vị khá mạnh trong thực hiện phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" của huyện Yên Khánh. Để phong trào có sức lan tỏa mạnh mẽ trong nhân dân, xã đã đưa các tiêu chí xây dựng đời sống văn hóa vào nghị quyết hàng năm, chỉ đạo các ban, hội, đoàn thể tăng cường công tác tuyên truyền với nhiều hình thức để nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong việc phát huy và nâng cao giá trị bản sắc văn hóa dân tộc. Bên cạnh đó, xã quan tâm đầu tư kinh phí để hỗ trợ thực hiện mục tiêu nghị quyết; đẩy mạnh xã hội hóa nhằm khai thác các nguồn lực sẵn có trong nhân dân để phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của địa phương.
Các phong trào xây dựng nếp sống văn hóa được đẩy mạnh; việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội có chuyển biến tích cực, trở thành nề nếp. Người dân tích cực hơn trong việc đấu tranh với tệ nạn xã hội, giữ gìn an ninh trật tự và thực hiện các nghĩa vụ công dân như nộp thuế, đóng góp xây dựng nông thôn mới. Năm 2015, Khánh Cư được công nhận xã nông thôn mới. Hiện nay, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng cao. Khánh Cư đã có hàng trăm hộ đạt thu nhập từ 100 triệu đồng/năm trở lên; hộ nghèo giảm còn hơn 5,4%. Toàn xã có 11/11 thôn đạt danh hiệu "Làng văn hóa", "Khu dân cư tiên tiến"; trên 1.600 hộ đạt gia đình văn hóa, chiếm tỷ lệ gần 90%.
Bám sát kế hoạch, hướng dẫn của Trung ương, của tỉnh, Ban chỉ đạo phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" huyện Yên Khánh đã xây dựng chương trình công tác, tập trung triển khai thực hiện phong trào. Hàng năm, Ban chỉ đạo tiến hành củng cố, kiện toàn tổ chức, phân công trách nhiệm cho từng thành viên; sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm, phổ biến, nhân rộng các mô hình tiên tiến, các nhân tố mới trong phong trào; tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ cho đội ngũ công chức văn hóa - xã hội, thành viên ban chỉ đạo các xã, thị trấn, trưởng các thôn, làng tham gia công tác chỉ đạo, điều hành phong trào cơ sở. Thường xuyên tổ chức kiểm tra hoạt động của các xã, thị trấn, từ đó từng bước tháo gỡ khó khăn, vướng mắc giúp các xã, thị trấn có biện pháp chỉ đạo, kịp thời đưa phong trào đi vào hoạt động nề nếp, chất lượng và hiệu quả.
Nét nổi bật trong việc thực hiện phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" ở huyện Yên Khánh là đã khơi dậy mạnh mẽ tinh thần đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Đảng ủy, UBND các xã, thị trấn đã chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân áp dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất, tích cực chuyển đổi cơ cấu giống, cơ cấu mùa vụ, phát triển và mở rộng ngành nghề, chăn nuôi gia súc, gia cầm; phát huy tiềm năng, thế mạnh của từng khu dân cư như mở rộng các vùng sản xuất chuyên canh; khuyến khích, tạo điều kiện cho người dân vay vốn đầu tư phát triển kinh tế.
Trong quá trình thực hiện, Ban chỉ đạo phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" huyện luôn coi trọng công tác tuyên truyền với nhiều hình thức, nhất là phổ biến trong những buổi họp dân về nội dung của phong trào, tạo chuyển biến trong nhận thức của nhân dân, qua đó phát huy tinh thần xã hội hóa, vận động các tổ chức, cá nhân đóng góp sức người, sức của xây dựng các thiết chế văn hóa; chỉ đạo các xã, thị trấn tiếp tục thực hiện các quy định về nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội; đảm bảo an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, phòng, chống văn hóa phẩm độc hại và các tệ nạn xã hội, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh. Năm 2016, huyện đã đầu tư các nguồn lực xây mới 10 nhà văn hóa thôn, xóm, phố, nâng tổng số 247/268 thôn, xóm, phố có nhà văn hóa, đạt 92,16%; có 14 xã đạt danh hiệu "Xã văn hóa nông thôn mới", đạt tỷ lệ 77,7%; có 91,5% hộ gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa; 215/268 thôn, xóm, phố đạt và giữ vững danh hiệu văn hóa, đạt tỷ lệ 80,2%; có 83,5% cơ quan, đơn vị đạt danh hiệu cơ quan, đơn vị văn hóa.
Phong trào "Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại" phát triển mạnh mẽ, đến hết năm 2016, toàn huyện có 200 câu lạc bộ thể thao ở các cơ quan, đơn vị, các thôn, xóm phố; có 27% dân số trên địa bàn huyện thường xuyên tham gia luyện tập TDTT. Hàng năm, các xã, thị trấn, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn huyện duy trì tổ chức khoảng trên 70 giải thể thao.
Thông qua các hoạt động, phong trào đã thực sự thay đổi bộ mặt đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân trong huyện, qua đó tạo môi trường văn hóa lành mạnh trong cộng đồng dân cư, tạo sự gắn kết giữa các gia đình, dòng tộc, tôn giáo; đồng thời khơi dậy những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, góp phần xây dựng quê hương ngày càng hiện đại và phát triển.
Tiến Minh