Xóm 4B và 5A, xã Khánh Khạc được Ban chỉ đạo phong trào thi đua "Dân vận khéo" (gọi tắt là Ban chỉ đạo) huyện Yên Khánh chọn làm điểm triển khai mô hình phân loại và xử lý rác thải hữu cơ bằng men vi sinh tại hộ gia đình với 150 hộ tham gia.
Bắt tay vào thực hiện, Ban chỉ đạo xã đã phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên phối hợp với cấp ủy chi bộ, Ban công tác Mặt trận các xóm trực tiếp phát thùng đựng rác và hướng dẫn các hộ thực hiện việc phân loại và pha chế men sinh học để xử lý rác hữu cơ. Trong quá trình triển khai, các đoàn thể thường xuyên hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra các hộ thực hiện.
Đến nay, mô hình đạt kết quả tốt, các hộ đều đã có ý thức tự phân loại rác thải, sử dụng men vi sinh theo đúng quy trình, làm giảm đáng kể lượng rác phải thu gom, xử lý trong khu dân cư. Thêm nữa là sau 3 tháng thực hiện, 1/3 số hộ tham gia ban đầu đã có nguồn phân hữu cơ để chăm bón cho cây trồng trong vườn nhà và chăm sóc cho các đường cây, đường hoa của thôn, xóm.
Đồng chí Mai Trọng Lưu, Phó Chủ tịch UBND xã Khánh Nhạc cho biết: Việc triển khai các biện pháp thu gom và xử lý rác thải hữu cơ trong thời gian qua tại 2 đơn vị (xóm 4B và 5A) đã làm thay đổi tích cực đối với diện mạo môi trường nông thôn, nhận thức và hành động về bảo vệ môi trường trong cộng đồng có những chuyển biến rõ nét.
Thời gian tới, UBND xã sẽ tuyên truyền bằng nhiều hình thức để cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong xã thấy được lợi ích của mô hình mang lại. Đồng thời tiếp tục tham mưu cho cấp ủy, chính quyền ban hành cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích nhân dân tham gia thực hiện việc phân loại, xử lý rác thải ngay tại hộ gia đình; cụ thể là năm 2022, xã sẽ hỗ trợ kinh phí 50.000 đồng/hộ cho tất cả các hộ dân để mua thùng đựng phân loại rác thải hữu cơ theo tinh thần Nghị quyết của HĐND xã. Qua đó, góp phần thực hiện các tiêu chí khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu, xã nông thôn mới kiểu mẫu.
Cùng với sự tăng trưởng và phát triển kinh tế, đời sống của người dân được cải thiện và nâng cao, do vậy lượng rác thải từ hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và sinh hoạt trên địa bàn huyện Yên Khánh cũng phát sinh ngày càng nhiều. Trong đó rác thải hữu cơ chiếm từ 70-75% tổng lượng rác, chủ yếu là rác sinh hoạt của các hộ gia đình, rơm rạ, cây cối...
Huyện đã xây dựng 17 bãi chôn lấp rác thải, lắp đặt 4 lò đốt rác, tổ chức triển khai nhiều mô hình phân loại rác thải sinh hoạt ngay tại hộ gia đình và khu dân cư; chỉ đạo việc tổ chức thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt để xử lý...
Tuy vậy, các giải pháp, cách thức xử lý rác thải sau một thời gian triển khai đã bộc lộ một số hạn chế như: lượng rác hữu cơ lớn là nguyên nhân gây ùn ứ tại các bãi tập trung, chi phí vận chuyển, xử lý rác ngày càng tăng. Bên cạnh đó, vẫn còn hiện tượng một số hộ dân tự phát đốt rác, làm ảnh hưởng đến môi trường và cảnh quan khu dân cư.
Xuất phát từ yêu cầu đảm bảo chất lượng môi trường sống, Ban Chỉ đạo phong trào thi đua "Dân vận khéo" huyện Yên Khánh đã tham mưu cho Huyện ủy ban hành kế hoạch chỉ đạo triển khai thực hiện mô hình điểm về "phân loại, xử lý rác thải sinh hoạt tại hộ gia đình và trên địa bàn dân cư bằng chế phẩm sinh học" nhằm phát huy sức mạnh của toàn hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân trong việc chung tay giảm thiểu ô nhiễm môi trường, ngăn ngừa các dịch bệnh nguy hiểm ảnh hưởng đến cuộc sống và sức khỏe con người.
Triển khai mô hình, Ban chỉ đạo huyện đã lựa chọn 6 xã đăng ký xây dựng nông thôn mới nâng cao năm 2021 là: Khánh Nhạc, Khánh Trung, Khánh Cường, Khánh Tiên, Khánh Hải và Khánh Cư để làm điểm.
Để phát huy hiệu quả, Ban chỉ đạo đã phân công nhiệm vụ cho các thành viên trong Khối dân vận huyện chủ động phối hợp với cấp ủy địa phương tổ chức khảo sát thực tế, xác định, lựa chọn các hộ triển khai thực hiện, đồng thời hỗ trợ mỗi hộ 1 thùng đựng rác và chế phẩm vi sinh xử lý rác hữu cơ tại nguồn.
Tại các xã làm điểm, cấp ủy, chính quyền chỉ đạo MTTQ và các đoàn thể phân công cán bộ phụ trách các hộ gia đình gặp gỡ, nắm bắt tư tưởng, vận động các hộ tự nguyện tham gia mô hình; tổ chức tuyên truyền, phổ biến kiến thức về môi trường cho nhân dân vào các dịp sinh hoạt chi hội, chi đoàn, câu lạc bộ, trên đài truyền thanh, nhóm zalo, facebook; hướng dẫn các hộ cách phân loại rác thải hữu cơ, vô cơ, tái chế và sử dụng chế phẩm sinh hoạt để xử lý rác hữu cơ.
Sau hơn 3 tháng triển khai, mô hình bước đầu đã mang lại hiệu quả "kép" đó là giảm lượng rác thải sinh hoạt ra môi trường và rác thải qua xử lý đã trở thành nguồn phân bón sạch, hữu ích cho cây trồng. Thông qua việc phân loại và xử lý rác thải tại hộ đã làm thay đổi thói quen chưa tốt về phân loại rác thải thời gian qua, từng bước hình thành nếp nghĩ, cách làm có trách nhiệm của mỗi cá nhân đối với môi trường, với sức khỏe của chính mình, của gia đình và xã hội.
Đồng chí Phạm Ngọc Hải, Phó Bí thư Huyện ủy Yên Khánh cho biết: Từ những lợi ích thiết thực trên, Ban chỉ đạo phong trào thi đua "Dân vận khéo" huyện đang tích cực tham mưu cho Thường trực, Ban Thường vụ Huyện ủy chỉ đạo, tuyên truyền, nhân rộng mô hình trên địa bàn toàn huyện.
Thời gian tới, huyện sẽ tập trung chỉ đạo các ngành, địa phương tổ chức nhân rộng các mô hình điểm về phân loại, xử lý rác thải bằng chế phẩm vi sinh tại hộ gia đình, tận dụng phụ phẩm hữu cơ sau xử lý để phục vụ sản xuất nông nghiệp, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường do rác thải gây ra.
Bên cạnh đó, tăng cường công tác xã hội hóa các nguồn lực để duy trì và phát huy có hiệu quả các mô hình về bảo vệ môi trường. Phát động các phong trào thi đua lao động sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng hữu cơ, bền vững...
Phương Thúy