Đồng chí Phạm Quang Ngọc, Chủ tịch UBND huyện cho biết: Dự án được triển khai với quy mô diện tích 700 ha ở 7 xã: Khánh Cư, Khánh Vân, Khánh Hải, Khánh Nhạc, Khánh Hội, Khánh Mậu và Khánh Thủy (mỗi xã quy hoạch thực hiện 100 ha).
Mục tiêu của dự án là hình thành được vùng sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao, đưa giá trị sản xuất lên từ 1,2-1,3 lần so với sản xuất lúa đại trà, góp phần xây dựng cánh đồng đạt từ 120 - 130 triệu đồng/ha/năm; tăng thu nhập cho người nông dân; dần mở rộng quy mô, diện tích ở các năm tiếp theo; từng bước hoàn chỉnh tiêu chí xây dựng cánh đồng mẫu lớn theo hướng GAP; tiếp thu ứng dụng công nghệ hiện đại, đưa cơ giới hóa vào sản xuất; dần từng bước tiêu thụ sản phẩm hàng hóa cho nông dân.
Theo chương trình của dự án, tỉnh hỗ trợ kinh phí về: giống lúa (420.000 đồng/ha/vụ); phân bón Neb-26 (940.800 đồng/ha/vụ); tập huấn kỹ thuật (5 triệu đồng/lớp); thuốc trừ cỏ cho diện tích gieo thẳng; đưa cơ giới hóa mua 7 máy gặt đật liên hợp vào sản xuất trị giá mỗi máy 75 triệu đồng…
Huyện ủy đã có nghị quyết chuyên đề chỉ đạo sát thực dự án; các cấp, các ngành từ huyện đến cơ sở đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện dự án theo đúng nội dung từ công tác tuyên truyền, khảo sát, lập quy hoạch đến xác định giống lúa đưa vào sản xuất trong vùng dự án, xác định chuẩn thời vụ gieo cấy và công tác chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh kịp thời, cụ thể: đưa một số giống lúa chất lượng cao như: LT2, Bắc thơm số 7, QR1 vào thực hiện dự án; tổ chức 15 lớp tập huấn cho các hộ nông dân tham gia dự án về kỹ thuật gieo trồng, chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh, tuyên truyền về lợi ích hiệu quả cánh đồng mẫu lớn đồng thời biên soạn, in ấn và cấp phát quy trình kỹ thuật sản xuất cho các hộ nông dân tham gia dự án…
Các xã, HTX nông nghiệp đã quy hoạch gọn vùng và tổ chức thực hiện cùng giống, đồng trà đảm bảo quy mô diện tích đã được UBND tỉnh phê duyệt; 100% diện tích trong vùng dự án được các HTX nông nghiệp tổ chức làm đất bằng máy, đảm bảo chất lượng và trong khung thời vụ thích hợp nhất; một số đơn vị đã áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong việc gieo cấy bằng phương pháp gieo vãi giải phóng sức lao động, giảm chi phí, chủ động và đẩy nhanh tiến độ gieo cấy như các xã Khánh Hải, Khánh Cư, Khánh Mậu; các hộ nông dân tích cực áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong khâu chăm bón, 100% các hộ tham gia sử dụng phân bón Neb-26 thay thế cho 50% lượng đạm Urê, đồng thời hạn chế được sâu bệnh, giảm chi phí sản xuất, hạn chế được ô nhiễm môi trường và bảo vệ sức khỏe nhân dân… năng suất đạt từ 230 - 260 kg/sào (64-72 tạ/ha) ở vụ xuân, vụ mùa đạt 200 - 220 kg/sào (tương đương 50 - 60 tạ/ha) và cao hơn so với sản xuất đại trà khoảng 10%.
Năm 2012, Tổng công ty lương thực Miền Bắc đã tổ chức thu mua 100 tấn lúa thương phẩm bước đầu tạo được sự liên kết giữa người sản xuất với đơn vị bao tiêu sản phẩm.
Đánh giá về hiệu quả kinh tế, đồng chí chủ tịch UBND huyện cho biết thêm: Để xây dựng thành công dự án, huyện xác định đây là cuộc vận động mang tính toàn diện, cần sự đồng thuận, nỗ lực của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân. Điều quan trọng nhất là phải phát huy tối đa vai trò của nhân dân trong quá trình thực hiện dự án.
Khi thực hiện dự án cánh đồng mẫu áp dụng cùng quy trình kỹ thuật, sử dụng đưa cơ giới hóa vào trong sản xuất từ khâu làm đất, gieo cấy đến thu hoạch đã cắt giảm chi phí sản xuất và cho thu nhập cao hơn so với sản xuất đại trà khoảng 15%, tạo được khối lượng sản phẩm lớn, tiêu thụ sản phẩm thuận lợi hơn, đáp ứng được nhu cầu sản xuất hàng hóa và góp phần xây dựng nông thôn mới.
Bài, ảnh: Trần Đức