Đẩy mạnh phát triển ngành nghề
Bằng nhiều giải pháp, công tác xóa đói giảm nghèo ở Yên Khánh thời gian vừa qua đã có những chuyển động tích cực. Đến nay toàn huyện không còn hộ đói, tỷ lệ hộ nghèo ngày càng giảm. Nhiều hộ, xã, thôn, xóm, phố đã vươn lên thoát nghèo trở thành những điển hình, không để tái nghèo, tiêu biểu như xã Khánh Nhạc 4,31%, Khánh Cường 5,87%, Thị trấn Yên Ninh 6,28%, Khánh Thiện 6,48%...
Tại sao Khánh Nhạc, Khánh Cường, Khánh Thiện, thị trấn Yên Ninh... lại có tỷ lệ hộ nghèo thấp hơn trong khi điều kiện phát triển của các đơn vị trong huyện gần như ngang nhau? Qua tìm hiểu được biết, một trong những yếu tố là các đơn vị đã huy động được tổng lực, tích cực chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nhất là đã năng động phát triển đa dạng các ngành nghề, tăng nguồn thu nhập, mức sống của nhân dân. Khánh Thiện trước kia được biết đến là một trong những địa phương có nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, có xuất phát điểm thấp. Thế nhưng gần đây xã đã có sự thay đổi rõ rệt. Với diện tích đất nông nghiệp không nhiều, 151 ha, người dân trong xã không chỉ dừng lại ở việc canh tác 2 vụ lúa chính như trước mà đã tích cực thâm canh thêm nhiều cây trồng mới, chủ lực như đậu tương, bí xanh, cà chua, rau các loại.... bằng vụ sản xuất chính thứ 3 là vụ đông, đặc biệt trên đất 2 lúa. Vụ đông năm 2007 - 2008, toàn xã đã mở rộng ra được 94 ha, trong đó trên đất 2 lúa là 49 ha. Nhờ tăng vòng quay của đất, luân canh, gối vụ mà giá trị thu nhập trung bình trên 1 ha đất canh tác đạt 35 triệu đồng/ năm. Bên cạnh trồng trọt, chăn nuôi cũng được người dân trong xã chú trọng.
Hầu hết các gia đình đều phát triển theo hướng chăn nuôi hộ, một số đang mạnh dạn đầu tư theo mô hình trang trại như nuôi lợn, gà, lươn, cá quả... như gia đình anh Nguyễn Văn Tới, Nguyễn Văn Sơn (xóm Cầu)...và tiểu thủ công nghiệp cũng không ngừng được quan tâm phát triển. Trong xã hiện đã có thêm nhiều ngành nghề khác nhau như nghề mộc, cơ khí, chế biến kinh doanh than mỏ thu hút trên 100 lao động; nghề sản xuất vật liệu xây dựng thu hút trên 20 lao động; nghề đan lát, bèo bồng, thảm cói có 100 người làm; nghề truyền thống dệt chiếu khoảng 70 người tham gia... với mức thu nhập từ 600.000 - 700.000 đồng/ người/ tháng.
Phát huy lợi thế từ những mặt đường giao thông, đã có gần 80 hộ dân bám mặt đường chuyển đổi thêm sang kinh doanh dịch vụ và 70 hộ khác tham gia trao đổi hàng hóa trong chợ Xanh. Cũng là một trong những xã thuần nông nhưng cho đến nay tỷ lệ hộ nghèo của Khánh Thiện đã giảm đáng kể, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản chiếm 40%, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ chiếm 60%. Từ đó cho thấy, không riêng gì Khánh Thiện, mà việc phát triển mạnh các ngành nghề ở các xã khác cũng sẽ luôn là hướng đi tích cực trong quá trình phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.
Hoàn chỉnh sản phẩm cói ở DN Thành Hóa (Yên Khánh)
Tạo nên sự đồng đều
Có một thực tế ở đây đó là tỷ lệ hộ nghèo giữa các đơn vị trong huyện không đồng đều, một số xã tỷ lệ hộ nghèo còn cao như Khánh Công 13,1%, Khánh Tiên 12,69%, Khánh Hồng 11,74%, Khánh Mậu 11,03%... Nguyên nhân là do các biện pháp thiếu cụ thể, việc lồng ghép nguồn lực xóa đói, giảm nghèo của các chương trình phát triển kinh tế - xã hội với mục tiêu xóa đói giảm nghèo chưa được thực hiện tốt.
Thôn 12 của xã Khánh Mậu gồm 3 xóm 12, 13, 14, có trên 300 hộ thì có đến 37 hộ, chiếm tỷ lệ 14,5% thuộc diện hộ nghèo (tính đến cuối năm 2007). Sở dĩ tỷ lệ hộ nghèo ở đây cao là do nguồn thu nhập chính của người dân trong thôn chỉ trông chờ vào 2 mùa vụ chính mà chủ yếu là cây lúa. Dù cho năng suất lúa đã được đẩy lên gần kịch trần song giá trị thu nhập ở đây vẫn thấp. Các ngành nghề khác như mộc, nề, đan lát, xay sát chỉ xuất hiện manh mún, thu hút được gần 200 lao động nông nhàn tham gia, do vậy số lao động trong độ tuổi của thôn (chiếm khoảng 50%) thiếu việc làm, theo phương thức sản xuất.
Bên cạnh đó, trong thôn có 95% hộ theo đạo công giáo, một số gia đình do nhận thức còn hạn chế, sợ vi phạm vào giáo lý, giáo luật nên vẫn để xảy ra tình trạng sinh con thứ 3, thậm chí thứ 4, 5 nên đói nghèo thường xuyên đeo bám. Để giảm tỷ lệ hộ nghèo trong thôn thì vấn đề quan trọng là phải tuyên truyền vận động nhân dân giảm tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên, động viên, giúp các hộ mạnh dạn vay vốn làm kinh tế, mở rộng các mô hình chăn nuôi gia đình, đưa các ngành nghề mới như nấm, thảm cói, làm bèo bồng vào giải quyết việc làm cho lao động nông nhàn, tích cực đưa những giống mới vào gieo trồng trên đất 2 lúa trong các vụ đông, cải tạo vườn tạp, không bó gọn với việc độc canh cây lúa.
Cùng chung tình trạng, nhiều xã như Khánh Công, Khánh Tiên, Khánh Mậu sản xuất chủ yếu vẫn là nông nghiệp, thu nhập của nhân dân thấp, nguồn lao động nông nhàn nhiều thì sự cần thiết phải tích cực chuyển dịch cơ cấu kinh tế, có kế hoạch đào tạo, giải quyết việc làm cho lao động nông nhàn, lao động thời vụ là việc làm cấp bách. Chính quyền, các tổ chức đoàn thể cần phối hợp chặt chẽ, tranh thủ sự hỗ trợ ủng hộ từ mọi phía để thâm nhập, tìm kiếm thị trường, các hợp đồng để đưa các ngành nghề mới có thu nhập cao, mở rộng, phát huy ngành nghề hiện có cho nhân dân sản xuất như nghề trồng nấm, đan bèo bồng xuất khẩu, chiếu cói, thêu ren, mây tre đan, chế biến lương thực thực phẩm...Tích cực chuyển giao kỹ thuật, áp dụng các tiến bộ khoa học vào trồng trọt và chăn nuôi, tập trung vào sản xuất 3 vụ chính, nhất là vụ đông trên đất 2 lúa nhằm tăng hệ số sử dụng đất và giá trị thu nhập trên 1 ha đất canh tác.
Đối với 508 hộ thiếu vốn sản xuất, 190 hộ thiếu đất, phương tiện, kinh nghiệm sản xuất, trình độ hiểu biết hạn chế, không biết cách làm ăn trên địa bàn, các đoàn thể nên đứng ra ký ủy thác từ các Ngân hàng, nguồn kênh khác nhau cho hộ nghèo được vay vốn ưu đãi và hướng dẫn cho từng hộ phương thức sử dụng đồng vốn trong phát triển kinh tế gia đình hiệu quả, tránh rò rỉ, sử dụng không đúng mục đích nguồn vốn vay. Tạo điều kiện cho người nghèo tham gia xuất khẩu lao động ở những thị trường đảm bảo, mỗi năm phấn đấu có khoảng 100 người nghèo xuất ngoại. Riêng với những trường hợp bất khả kháng như ốm đau, bệnh tật, người già cả, neo đơn..., với tổng số trên 1.500 hộ thì sự cần thiết phải thông qua các phong trào vận động từ thiện, nhân đạo, các chính sách xã hội để hỗ trợ, giúp đỡ các hộ cải tạo, sửa chữa nhà dột nát, đảm bảo thực hiện tốt chính sách trợ giúp.
Giảm nghèo là một chương trình mang tính tổng hợp, xã hội hóa công tác giảm nghèo đang cần có sự vào cuộc của toàn đảng, toàn dân. Hy vọng rằng, việc đẩy nhanh tăng trưởng kinh tế gắn liền đa dạng hóa huy động các nguồn lực cho công cuộc giảm nghèo, thực hiện tốt chuyển dịch cơ cấu lao động phù hợp với cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm, cải thiện cơ sở hạ tầng thì mục tiêu giảm nghèo nhanh, bền vững, phấn đấu đến năm 2010 tỷ lệ hộ nghèo còn 6% của Yên Khánh sẽ đạt được.
Hoàng Tâm