Yêu chèo và tham gia câu lạc bộ nghệ thuật Trường THCS Khánh Hòa nhiều năm nay, em Nguyễn Quỳnh Nhi, học sinh lớp 9A chia sẻ: Hiện nay, do ảnh hưởng của sự bùng nổ và đa dạng thông tin đại chúng cùng các loại hình nghệ thuật hiện đại nên nghệ thuật truyền thống có chiều hướng chìm lắng và đang có nguy cơ bị lãng quên trong giới trẻ. Em đã được nhà trường định hướng và đưa loại hình nghệ thuật chèo vào trong hoạt động nghệ thuật của trường để chúng em được học hỏi và tìm hiểu sâu loại hình đặc trưng của dân tộc nói chung và của quê hương Yên Khánh nói riêng. Sau hơn 1 năm tiếp cận bộ môn này, em rất yêu thích các làn điệu chèo mà cô giáo nhạc truyền dạy. Đây là bộ môn khó học nên em mới biểu diễn thuần thục được vài tiết mục. Với tình yêu chèo em sẽ cố gắng luyện tập được nhiều bài chèo hơn nữa để góp phần bảo tồn nét văn hóa truyền thống của quê hương.
Trường THCS Khánh Hòa được biết đến là ngôi trường có hoạt động sân khấu học đường môn nghệ thuật truyền thống hát chèo khá nổi bật từ năm 2018, thu hút 100% học sinh toàn trường tham gia tập luyện. Hiện tất cả gần 400 học sinh nhà trường đã biểu diễn tiết mục đồng diễn thể dục giữa giờ trên nền nhạc bài hát chèo "Khánh Hòa yêu thương" và các thành viên CLB chèo nhà trường trình diễn tiết mục chèo "Về với đất Ninh Bình" trên sân khấu học đường và đạt kết quả cao khi tham gia các cuộc thi nghệ thuật quần chúng cấp huyện, cấp tỉnh năm 2018 và năm 2019. Đối với nghệ thuật chèo, từ năm 2017, học sinh Trường THCS Khánh Hòa đã được làm quen với loại hình nghệ thuật chèo truyền thống hát chèo qua hoạt động trải nghiệm sáng tạo môn Ngữ văn bằng việc sân khấu hóa Văn học dân gian với việc tham gia tiểu phẩm sân khấu chèo "Vua Hùng kén rể". Nhà trường luôn khuyến khích các thầy, cô giáo và các em học sinh phát huy cách dạy học theo chuyên đề, trong đó chú trọng đưa các loại hình nghệ thuật truyền thống tiếp cận với các em học sinh, trước mắt giáo dục các em biết về chèo.
Cô giáo Trần Thị Thanh Dung, giáo viên Âm nhạc Trường THCS Khánh Hòa cho biết: Là 1 giáo viên giảng dạy môn Âm nhạc, tôi nhận thấy rất cần đưa bộ môn hát chèo vào giảng dạy trong nhà trường trong tiết học ngoại khóa và trong tiết học âm nhạc thưởng thức để các em biết đến và hát được những bài hát theo làn điệu chèo. Từ đó, khơi dậy ở thế hệ trẻ niềm say mê, yêu thích loại hình nghệ thuật này, hơn nữa là bồi đắp tình yêu quê hương, đất nước, biết giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Để những bài hát chèo được phổ biến tới các em học sinh, nhà trường đã tổ chức các buổi ngoại khóa giới thiệu làn điệu chèo trên quê hương Yên Khánh. Qua các buổi hoạt động ngoại khóa đó, các em học sinh tham gia sôi nổi, mạnh dạn, tự tin, hào hứng với các tiết mục hát múa này.
Đồng chí Bùi Quang Bưởng, Giám đốc Trung tâm văn hóa - thể thao huyện Yên Khánh cho biết: Để duy trì bảo tồn nghệ thuật chèo cũng như thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Yên Khánh nhiệm kỳ 2015-2020 của huyện về công tác duy trì bảo tồn nghệ thuật chèo, 2 năm nay, Trung tâm đã mạnh dạn đưa chiếu chèo vào sân khấu học đường để đào tạo nhân lực trẻ kế cận cho nghệ thuật chèo truyền thống. Toàn huyện hiện có 3 trường là THCS Khánh Trung, Khánh Hòa, Khánh An duy trì và phát triển chiếu chèo trong sân khấu học đường, được chính quyền địa phương, phụ huynh và học sinh đồng tình, ủng hộ. Để các nhà trường triển khai thành công việc đưa nghệ thuật chèo vào sân khấu học đường, đối với những trường khó khăn về nhân lực đào tạo khi có nhu cầu học tập, Trung tâm mời nghệ nhân và người có chuyên môn về trường củng cố, giúp nhà trường dạy các em học sinh; mở các lớp tập huấn cho các thầy, cô giáo có chuyên môn để nâng cao kiến thức nghệ thuật chèo về truyền lại cho học sinh; tổ chức giao lưu, trải nghiệm kết nối giữa cái cũ và cái mới nhằm hình thành ý thức học tập, bồi dưỡng kiến thức và khơi dậy niềm đam mê với học sinh... Trung tâm cũng sẽ phối hợp với các nhà trường thường xuyên tìm tòi, đổi mới cách làm, tích cực lựa chọn, xây dựng các trích đoạn, chương trình phù hợp với lứa tuổi học đường từ những câu chuyện, nhân vật lịch sử, trích đoạn sân khấu để trình diễn, tạo sự hứng khởi cho các em học sinh.
Từ hoạt động hiệu quả các chiếu chèo trong sân khấu học đường, Trung tâm văn hóa-thể thao huyện Yên Khánh phấn đấu nhân rộng mỗi năm trong toàn huyện có từ 3-4 trường đưa nghệ thuật hát chèo vào sân khấu học đường, vừa tạo sân chơi và trì duy trì bảo tồn nghệ thuật chèo truyền thống. Qua đó cũng là nguồn để Trung tâm tìm kiếm hạt nhân cho các chương trình nghệ thuật quần chúng phục vụ nhiệm vụ chính trị và các hội diễn, hội thi, thể hiện được điểm mạnh và nét đặc sắc riêng có của huyện Yên Khánh.
Bài, ảnh: Hồng Vân