Đồng chí Phạm Văn Hinh, Chủ tịch UBND xã cho biết: Sau gần 5 năm thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, bộ mặt nông thôn xã Khánh Cư đã có sự đổi thay toàn diện. Nổi bật là xã đã xây dựng được hệ thống cơ sở hạ tầng làm nền tảng để phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn, đáp ứng yêu cầu sản xuất và đời sống của nhân dân; hình thành các mô hình sản xuất có hiệu quả, nâng cao thu nhập cho người dân.
Được biết, đối với xã Khánh Cư, phong trào chỉnh trang đồng ruộng, dồn điền, đổi thửa là cuộc cách mạng ruộng đất để nhân dân thực hiện phương châm "rời làng không rời ruộng", nông dân áp dụng KHKT vào sản xuất như làm đất bằng máy lớn, gieo sạ nhiều diện tích, thu hoạch bằng máy gặt…, thực hiện hiệu quả chương trình CNH-HĐH nông nghiệp, nông thôn.
Trong gần 5 năm xây dựng nông thôn mới, nhân dân trong xã đã hiến hàng chục ha đất ruộng, đóng góp gần 2 tỷ đồng đầu tư kiên cố hóa kênh mương, xây ống cống các loại, chỉnh trang đồng ruộng, phục vụ sản xuất nông nghiệp. Đồng thời tích cực hoàn thiện công tác dồn điền, đổi thửa, hiện còn 1,4 thửa/hộ, nâng cao giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích.
Năm 2014, giá trị sản xuất đạt 110 triệu đồng/ha, giá trị sản xuất bình quân trên ha canh tác và mặt nước nuôi trồng thủy sản đạt 250 triệu đồng/ha. Thu nhập bình quân đầu người đạt trên 29 triệu đồng/năm, hộ nghèo chỉ còn 48 hộ, chiếm 2,4%... 11 thôn đều có nhà văn hóa.
Điểm nổi bật ở Khánh Cư là xã vinh dự từng được đón Bác Hồ về thăm, do đó khu trung tâm văn hóa xã là một quần thể gồm sân vận động, hồ nước, công viên cây xanh, đền thờ Bác Hồ và các anh hùng liệt sỹ… được đầu tư xây dựng hơn 8,5 tỷ đồng.
Đối với xã Khánh Trung, để thực hiện được mục tiêu về đích nông thôn mới năm 2015, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong xã đã quyết tâm cao độ, nỗ lực hoàn thiện các tiêu chí đảm bảo vững chắc và được kiểm tra công nhận đạt chuẩn nông thôn mới vào cuối tháng 9-2015.
Đồng chí Phạm Ngọc Duân, Chủ tịch UBND xã vui mừng cho biết: Từ thực tiễn chỉ đạo, tổ chức thực hiện xây dựng nông thôn mới thời gian qua, xã rút ra một số bài học kinh nghiệm đáng quý. Đó là, cùng với sự quan tâm tạo điều kiện và đầu tư của tỉnh, cần có sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Đảng ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể và sự hưởng ứng tích cực của nhân dân.
Khi xây dựng đề án cần đảm bảo sát, đúng, phù hợp với điều kiện thực tế địa phương. Khâu tuyên truyền, vận động cần được chú trọng và thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, tạo sự đồng thuận trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Cùng với đó là xây dựng được đội ngũ cán bộ từ xã đến thôn nhiệt tình, trách nhiệm, năng động, đi sâu, đi sát cơ sở để tuyên truyền, vận động và kịp thời biểu dương, khen thưởng những việc làm tốt, cách làm hay nhằm động viên kịp thời, nhân ra diện rộng…
Tiêu biểu như trong việc huy động nguồn lực xây dựng nông thôn mới, tổng nguồn lực huy động toàn xã là trên 359 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn của nhân dân là 220 tỷ đồng, tập trung vào việc xây dựng cơ sở hạ tầng công cộng, nhà văn hóa thôn xóm, công trình thủy lợi, làm đường giao thông nông thôn…
Đồng chí Đinh Văn Vọng, Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Khánh cho biết: Qua gần 5 năm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, bộ mặt nông thôn của các xã trong huyện được thay đổi căn bản. Phong trào đã huy động được cả hệ thống chính trị vào cuộc, bằng sự chủ động, sáng tạo, linh hoạt, phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương, công tác lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền có trọng tâm, trọng điểm, quyết liệt; sự tham gia phối hợp của các cấp, các ngành, các đoàn thể từ huyện đến cơ sở với những chương trình dự án, việc làm thiết thực, hiệu quả, tất cả hướng về người dân.
Đồng thời, nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong huyện về xây dựng nông thôn mới ngày càng đầy đủ, rõ ràng, người dân thực sự là chủ thể trong xây dựng nông thôn mới nên tin tưởng, phấn khởi, đồng tình hưởng ứng và tích cực tham gia thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới.
Là huyện đi đầu trong phong trào xây dựng nông thôn mới của tỉnh, năm 2013, huyện có 3 xã hoàn thành, năm 2014 có thêm 3 xã về đích và đến thời điểm hiện nay có thêm 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới, nâng tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới lên 10 xã.
Để các xã đã đạt chuẩn và đang đạt chuẩn nông thôn mới bền vững, huyện Yên Khánh chỉ đạo tiếp tục nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới; phát triển sản xuất nâng cao thu nhập cho nông dân bằng cách chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, cơ cấu cây trồng, con nuôi; áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; nhân rộng các mô hình kinh tế có hiệu quả cao; mở rộng cánh đồng mẫu lớn, mở rộng cơ cấu lúa chất lượng cao, nâng cao giá trị trên đơn vị diện tích; tiếp tục phát triển cây vụ đông theo hướng sản xuất hàng hóa...
Đối với những xã còn lại về đích nông thôn mới sau năm 2015, tùy điều kiện thực tế tại địa phương, mỗi xã phấn đấu hoàn thành 2 tiêu chí trở lên. Huyện Yên Khánh phấn đấu đến năm 2018 trở thành huyện nông thôn mới của tỉnh.
Đồng chí Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết thêm, điều đáng phấn khởi ở huyện Yên Khánh, là qua khảo sát về 19 tiêu chí ở cả 10 xã đã về đích nông thôn mới đều có từ 90 - 98% tổng số người dân trong xã hài lòng với kết quả xây dựng nông thôn mới; khẳng định, phong trào "Nhân dân Yên Khánh chung sức xây dựng nông thôn mới" được triển khai thực hiện sâu rộng, có sức lan tỏa; nhiều mô hình, cách làm trong xây dựng nông thôn mới như xây dựng cơ sở hạ tầng, giao thông nông thôn, phát triển sản xuất nông nghiệp, văn hóa, giáo dục, vệ sinh môi trường … thực sự có hiệu quả, có sự tham gia của đông đảo các tầng lớp nhân dân, của con em quê hương và của các doanh nghiệp, tạo được sức mạnh tổng hợp chung sức xây dựng nông thôn mới n
Mỹ Hạnh