Đồng chí Trần Ngọc Diệp, Trưởng phòng Nông nghiệp & PTNT huyện Yên Khánh cho biết: Trong khâu làm đất, huyện Yên Khánh là địa phương đầu tiên trong tỉnh đưa máy móc, cơ giới hóa vào sản xuất. Đây không chỉ là công việc vất vả nhất mà còn là khâu quyết định đến việc bảo đảm thời vụ và tăng hệ số sử dụng đất. Toàn huyện hiện có hàng nghìn máy làm đất đảm nhiệm 100% khâu làm đất của địa phương; trong đó có: 774 máy làm đất loại nhỏ (9-15 mã lực), 105 máy làm đất loại trung (16-30 mã lực), 65 máy làm đất loại lớn (30 mã lực). Từ khi có máy làm đất, sức lao động của người nông dân đã được giải phóng.
Khâu gieo cấy lúa còn nhiều khó khăn trong việc cơ giới hóa. Nhưng, trên địa bàn huyện Yên Khánh đã thực hiện theo phương thức gieo thẳng, gieo vãi, mỗi vụ toàn huyện có từ 2.700-3.000 ha được gieo thẳng, gieo vãi trong tổng số diện tích gieo cấy lúa của toàn huyện khoảng 7.400 ha. Thời gian qua, trên địa bàn huyện, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã phối hợp với một số đơn vị doanh nghiệp trình diễn mô hình về máy cấy Kubota của Nhật Bản, 1 người điều khiển cấy được 1ha/ngày nếu được hỗ trợ cung cấp đủ mạ. Tuy nhiên, mạ phải được gieo trên khay, phát triển đồng đều.
Theo thống kê, toàn huyện hiện có 289 máy tuốt lúa, 111 phương tiện vận chuyển (chủ yếu là ô tô cỡ nhỏ, công nông) và gần 100 máy gặt đập liên hợp. Thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp có rất nhiều ưu điểm: Nhanh, chi phí rẻ, một sào thu hoạch bằng máy mất chi phí 120.000 đồng, nhưng nếu thuê người lao động sẽ phải trả từ 200.000-250.000 đồng/sào, bên cạnh đó việc thu hoạch bằng máy hao hụt ít hơn trong quá trình thu hoạch. Tuy nhiên với các ruộng trũng, lầy thụt, ruộng xen kẹp thì việc thu hoạch lúa vẫn phải thực hiện bằng phương pháp thủ công.
Ở khâu phơi, sấy lúa, người nông dân vẫn chủ yếu tận dụng ánh nắng mặt trời. Gặp thời kỳ nắng to liên tục thì việc phơi lúa cũng thuận lợi hơn nhưng gặp thời tiết âm u kéo dài, thậm chí mưa rả rích thì việc phơi, sấy lúa gặp nhiều khó khăn. Để khắc phục tình trạng này, HTX Đông Cường (xã Khánh Cường) đã đầu tư mua 1 máy sấy lúa, HTX Kiến Thái (xã Khánh Trung) có 1 máy và Công ty cổ phần Giống cây trồng và Con nuôi Ninh Bình có 3 máy với công suất 1 mẻ sấy được 3-4 tấn lúa. Ngoài ra khâu chăm sóc và bảo vệ lúa cũng được các địa phương trong huyện quan tâm. Toàn huyện hiện có 36 trạm bơm vô ống, 356 máy bơm dầu các loại. Cùng với hệ thống máy bơm của Công ty TNHH KTCTTL tỉnh đã đáp ứng nhu cầu tưới và tiêu trong quá trình sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Yên Khánh. Được biết, trên địa bàn huyện, Công ty tư vấn thiết bị máy nông nghiệp Việt Nam đang thực hiện các mô hình trồng ngô đông, khoai tây với 90% các công việc trồng bằng máy theo phương thức mượn đất, thuê đất của nông dân ở một số địa phương trong huyện.
Đồng chí Đinh Văn Vọng, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Xác định nông nghiệp là thế mạnh của huyện, trong những năm gần đây, huyện đã có nhiều chính sách hỗ trợ nông dân vay vốn mua máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp. Các tập thể, cá nhân nằm trong nhóm xã thực hiện thí điểm xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2015 được hỗ trợ 75 triệu đồng khi mua 1 máy gặt đập liên hợp. Ngoài ra, huyện phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh, các doanh nghiệp tổ chức trình diễn các loại máy nông nghiệp, đồng thời hướng dẫn, thẩm định, giải ngân nguồn vốn vay cho các hộ nông dân có nhu cầu mua máy phục vụ sản xuất.
Có thể nói đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp ở huyện Yên Khánh thời gian qua không chỉ giải bài toán về thiếu lao động do một bộ phận nông dân thường xuyên đi làm ăn xa, một số người trong độ tuổi lao động đi làm tại các công ty, xí nghiệp mà còn giảm chi phí trong sản xuất. Đồng thời, tạo tiền đề quan trọng cho các địa phương trong huyện xây dựng các vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn, góp phần vào việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện nói riêng và trong tỉnh nói chung.
Đinh Chúc