HTX đi đầu trong cơ giới hóa các khâu sản xuất Ông Nguyễn Văn Oánh, xóm Chùa (Khánh Nhạc) đã ở cái tuổi thất tuần nên được chứng kiến sự đổi thay của quê hương, đất nước. Trong sản xuất nông nghiệp, niềm vui với "Lão nông" này là việc cơ giới hóa các khâu trong sản xuất nông nghiệp, đưa máy móc vào đồng ruộng.
Ông cho biết: Sản xuất nông nghiệp ở địa phương hiện nay nhàn và sướng hơn nhiều so với trước đây. Từ khâu làm đất đến thu hoạch và phơi sấy đều có thể sử dụng bằng máy. Vụ lúa đông xuân năm nay gia đình gieo cấy 8 sào.
Vốn chỉ có 2 ông bà đã già yếu (con, cháu đã lớn và ở riêng) nên khi lúa chín ông bà cũng lo đến việc mượn người thu hoạch. Nhưng nhờ có máy gặt đập liên hợp nên chỉ sau 2 giờ những bao lúa vàng óng đã được chở bằng xe công nông về sân nhà.
Ông Oánh cũng cho rằng: ở HTX Hợp Tiến (Khánh Nhạc), hầu hết các khâu trong sản xuất lúa đã có máy làm thay sức người nên giá trị và hiệu quả trong sản xuất cao, nông dân yên tâm, gắn bó với đồng ruộng
Trao đổi với chúng tôi, ông Hoàng Anh Tuấn, Chủ nhiệm HTX Hợp Tiến cho biết: Để đưa đuợc máy móc vào đồng ruộng, thực hiện cơ giới hóa các khâu trong sản xuất..., công việc đầu tiên và tiên quyết là thực hiện dồn điền, đổi thửa gắn với chỉnh trang lại đồng ruộng. Những ô, thửa nhỏ được dồn đổi lại thành những khu ruộng, mảnh rộng lớn; đường giao thông nội đồng, hệ thống kênh mương tưới tiêu, bờ vùng, bờ thửa được chỉnh trang, cải tạo, xây mới.
Với xã Khánh Nhạc, dồn điền, đổi thửa gắn với chỉnh trang lại đồng ruộng thành công không chỉ tạo điều kiện cho các phương tiện, máy móc được đưa vào đồng ruộng mà còn là cơ sở để cho các hộ và HTX chuyển đổi phương thức canh tác trong nông nghiệp.
Ở khâu làm đất, trong địa bàn HTX có 8 máy làm đất loại to (70-80 mã lực) và 2 máy cỡ nhỏ; khâu gieo cấy, nhờ có hệ thống kênh mương tưới tiêu hợp lý; máy bơm có 6 trạm, trong đó có 5 trạm là bơm vô ống (ngoài ra còn có các trạm bơm, máy bơm của Chi nhánh KTCTTL huyện), công tác tưới tiêu cho cây lúa được chủ động, kịp thời nên HTX đã áp dụng phương thức gieo vãi (gieo thẳng) 100% diện tích ở cả 2 vụ lúa.
Trên địa bàn tỉnh cũng đã có những mô hình thử nghiệm, khảo nghiệm về máy cấy, nhưng để áp dụng trên diện đại trà thì còn nhiều bất cập.
Vì vậy, có thể coi gieo vãi là giải pháp cơ giới hóa khâu gieo cấy truyền thống lâu nay. Khâu thu hoạch, HTX có 5 máy gặt đập liên hợp; nhưng đến thời điểm lúa chín, máy gặt đập liên hợp của các địa phương khác lại dồn về lên tới 15-16 cái và 1 máy trong 1 ngày có thể gặt được 12-15 mẫu.
Do đó, vụ lúa đông xuân vừa qua chỉ trong 3-4 ngày toàn bộ diện tích lúa của HTX (hơn 320 ha) đã được thu hoạch xong với 90% diện tích sử dụng bằng máy gặt đập liên hợp.
Đặc biệt, mới đây HTX đã đầu tư xây dựng 1 lò sấy lúa, công suất 10 tấn/mẻ và trong vụ này đã sấy được hơn 200 tấn thóc (100 tấn cho công ty giống, 70 tấn cho HTX và gần 40 tấn lúa nếp cho Nam Định).
Vẫn còn khó khăn, bất cập
Vụ đông xuân 2014-2015, huyện Yên Khánh gieo cấy 7.400 ha lúa xuân. Đến thời điểm này, toàn huyện đã thu hoạch xong và đang triển khai sản xuất vụ mùa. Theo đồng chí Đỗ Trường Giang, Phó phòng Nông nghiệp&PTNT huyện: Tiến độ thu hoạch lúa đông xuân năm nay diễn ra khá nhanh, chưa đầy 1 tuần đã hoàn tất với 90% diện tích lúa được thu hoạch bằng máy, cao hơn vụ đông xuân trước từ 40-50%.
Nhân dân đã thấy rõ lợi ích và hiệu quả của việc thu hoạch lúa bằng máy nên đã đầu tư mua sắm ngày càng nhiều; nắng nóng gay gắt, hạn hán kéo dài, đồng ruộng khô nẻ tạo điều kiện cho máy gặt hoạt động ở mọi nơi, mọi chỗ; thu hoạch bằng máy lại rẻ hơn nhiều so với thuê công lao động (thu hoạch bằng máy giá 100.000 đồng/sào, thuê lao động 220.000 đồng/sào). Như vậy, đến vụ đông xuân năm 2014-2015 huyện Yên Khánh đã có 2 khâu gần như đã được cơ giới hóa hoàn toàn là: Làm đất và thu hoạch.
Theo kết quả điều tra của Phòng Nông nghiệp & PTNT huyện, đến hết năm 2014 huyện Yên Khánh đã có 774 máy làm đất cỡ nhỏ; 105 máy làm đất loại trung; 65 máy làm đất loại lớn; gần 100 máy gặt đập liên hợp; 289 máy tuốt lúa; 111 xe, ô tô vận chuyển; 36 máy bơm vô ống; 356 máy bơm dầu; 3 máy sấy lúa.
Trung tâm Khuyến nông tỉnh cho biết trên địa bàn huyện còn có nhu cầu mua thêm hơn 200 máy làm đất; 160 máy thu hoạch; 6 máy sấy nông sản; 21 máy trong ngành chăn nuôi... nhưng lại khó khăn về vốn. Về cơ chế chính sách, ngày 14-11-2013, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 68/2013/QĐ-TTg về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp, thay thế các Quyết định 63/QĐ-TTg và Quyết định 65/QĐ-TTg với các điểm mới là: Các doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác, hộ gia đình, cá nhân được hỗ trợ mua máy móc sản xuất nông nghiệp.
Theo đó, chủng loại máy móc nông nghiệp được mở rộng cả máy nội và máy ngoại, chứ không giới hạn chỉ ở máy nội như trước đây; địa điểm mua máy ở tất cả các doanh nghiệp bán máy chứ không giới hạn ở cơ sở bán máy được Bộ Nông nghiệp & PTNT phê duyệt; địa điểm vay vốn ở tất cả các ngân hàng tín dụng thương mại, chứ không giới hạn ở ngân hàng Nông nghiệp & PTNT như trước đây.
Đại diện ngành Ngân hàng, ông Phạm Ngọc ánh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước tỉnh cho biết: Quyết định 68/QĐ-TTg là đúng, trúng với mục tiêu tất cả vì nông nghiệp, nông dân. Ngành ngân hàng luôn sẵn sàng cho vay và có đủ nguồn vốn đáp ứng nhu cầu của nhân dân.
Song, người vay vốn phải sử dụng đúng mục đích, đối tượng. Các ngân hàng thương mại đều có quy trình, quy định trong việc vay vốn nhằm đảm bảo đồng vốn của mình. Đó chính là vấn đề bất cập nhất để tiếp cận được nguồn vốn theo Quyết định 68/2013/QĐ-TTg của nhiều hộ gia đình có nhu cầu mua máy.
Do đó, cần tổ chức thí điểm mối liên kết giữa ngân hàng, doanh nghiệp và chính quyền cơ sở cùng người dân việc trong việc thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ; thực hiện điều tra nắm chắc tình hình, chủng loại máy móc hiện có ở từng địa phương; khảo sát kỹ nhu cầu về từng loại máy, chủng loại máy...để có kế hoạch mua máy phù hợp và sử dụng hiệu quả...
Đinh Chúc