Gia đình tôi mới gieo vãi 7 sào trước Tết 3 ngày mà bây giờ cây đã được 2,5 lá. Mấy ngày nay tranh thủ thời tiết nắng ấm, tôi ra đồng tỉa dặm, bón nhử tạo điều kiện cho lúa phát triển tốt. HTX nông nghiệp Hợp Tiến (Khánh Nhạc) có tổng diện tích gieo cấy lúa khoảng trên 300 ha và là HTX đi đầu trong việc thực hiện biện pháp gieo thẳng lúa của huyện Yên Khánh.
Đến nay người dân trong HTX đã có kinh nghiệm và thành thục với biện pháp này nên ở cả 2 vụ sản xuất trong năm (đông xuân và mùa) đều được thực hiện bằng biện pháp canh tác này với tỷ lệ gần 100%.
Đồng chí Nguyễn Mạnh Toàn (Phòng Nông nghiệp & PTNT huyện Yên Khánh) cho biết: Tại thời điểm ngày 18/2/2018, toàn huyện đã gieo cấy được 7.100 ha, trong đó có khoảng gần 95% diện tích là lúa gieo thẳng (khoảng trên 6710 ha). Về cơ bản huyện đã hoàn thành khâu sản xuất này, sớm hơn thời gian dự kiến 7 ngày.
Các địa phương có diện tích lúa gieo thẳng đạt từ 90-100% tổng diện tích gieo cấy là: Khánh Hòa, Khánh An, Khánh Phú, Khánh Cư, Khánh Vân, Khánh Hải, Khánh Tiên, Khánh Nhạc, Khánh Cường, Khánh Trung, Khánh Công...Đây là yếu tố quyết định đến tiến độ gieo cấy nhanh của huyện trong vụ sản xuất này.
Để lúa gieo thẳng cho năng suất, sản lượng cao, khâu làm đất phải kỹ hơn so với làm đất cấy lúa (đất tơi nhuyễn, phẳng và không để sướng quá lỏng); bón lót sâu, bón phân kết thúc sớm, bón cân đối NPK; ở giai đoạn kết thúc đẻ nhánh cần rút nước phơi ruộng từ 5 đến 7 ngày tạo điều kiện cho bộ rễ lúa ăn sâu, cứng cây, tăng khả năng chống đổ...Gặp thời tiết rét đậm, rét hại dưới 15oC thì cần triển khai tốt các biện pháp chống rét, bảo vệ lúa như duy trì nước ở rãnh, đảm bảo mặt luống luôn đủ ẩm...
Trước khi gieo thẳng nhất thiết phải phun thuốc trừ cỏ, tổ chức diệt chuột hại. Lựa chọn các giống lúa ngắn ngày, mở rộng và chú trọng thâm canh diện tích lúa lai, lúa thuần chất lượng cao phù hợp với điều kiện đất đai của từng địa phương.
Hiện tại, các địa phương trong huyện đang tập trung cho khâu chăm sóc và bảo vệ lúa xuân như: Dặm tỉa; điều tiết đủ và kịp thời nước cho lúa sinh trưởng và phát triển; nắm chắc tình hình, diễn biến sâu bệnh trên đồng ruộng và có biện pháp xử lý kịp thời.
Với diện tích lúa chưa được bón lót cần nhanh chóng bón lót kịp thời bằng NPK với lượng 20-25 kg NPK/sào hoặc sử dụng 15-20kg lân, 2 kg đạm urê/ sào; khi lúa được 2-2,5 lá đưa nước láng mặt ruộng và sử dụng 2kg đạm Urê/sào để bón nhử kết hợp với tỉa dặm đảm bảo mật độ; khi lúa được 5 - 6 lá tiến hành bón thúc lần hai sử dụng 4-5kg đạm Urê/sào, 2 - 3kg kali/sào, giữ mực nước nông để lúa đẻ nhánh thuận lợi.
Đến thời điểm ngày 5/3, sản xuất vụ đông xuân tương đối thuận lợi; toàn huyện gieo cấy được 7.300 ha lúa xuân, trong đó có 94,5% diện tích là lúa gieo thẳng. Các địa phương trong huyện cũng đã hoàn thành chăm sóc đợt 1 và sẽ kết thúc khâu sản xuất này trước ngày 15/3.
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, thời tiết luôn diễn biến phức tạp, khó lường, không tuân theo quy luật, do vậy huyện xác định không thể chủ quan, nhất là vấn đề hạn hán, nước tưới cho cây lúa nói riêng và cây trồng nói chung.
Thời tiết ấm nên diễn biến sâu bệnh ở vụ đông xuân năm nay cũng được tiên lượng sẽ rất phức tạp. Sâu cuốn lá, đục thân, rầy các loại khi thời tiết ấm lên, nguồn thức ăn dồi dào sẽ là cơ hội để phát sinh thành dịch.
Ngoài ra, chuột hại cũng dễ sinh sôi, nảy nở nhanh hơn, sức tàn phá lớn hơn. Do đó, nông dân phải tuân thủ đúng lịch thời vụ, đồng thời cần thường xuyên thăm đồng để điều chỉnh lượng nước, phân bón phù hợp.
Đây là vụ sản xuất quan trọng nhất trong năm, chiếm tỷ trọng lớn về giá trị sản xuất nông nghiệp cả năm và là vụ sản xuất có nhiều yếu tố thuận lợi, nên huyện sẽ phối hợp với các địa phương, đặc biệt là các xã điểm đẩy mạnh việc xây dựng vùng sản xuất hàng hóa tập trung theo hướng an toàn gắn với việc liên kết với các doanh nghiệp để bao tiêu sản phẩm.
Đinh Chúc