Từ thị trấn Yên Ninh qua Khánh Nhạc, Khánh Thủy, Khánh Trung, Khánh Thiện về Khánh Hồng, Khánh Cư... ở đâu chúng tôi cũng nhận thấy trên các cánh đồng, lúa đã lên xanh. Có mặt tại cánh đồng Trừ, HTX Hợp Tiến (xã Khánh Nhạc), ngày 8 Tết Kỷ Hợi chúng tôi cảm nhận được không khí sôi nổi, khẩn trương chăm sóc lúa của bà con nông dân.
Bên thửa ruộng ven đường, chị Hoàng Thị Mai vừa vãi phân cho lúa vừa cho chúng tôi biết: Vụ này thời tiết thuận lợi nên lúa phát triển đều và đẹp. Gia đình tôi mới gieo vãi 7 sào trước Tết 3 ngày mà bây giờ cây đã được 2,5 lá. Mấy ngày nay tranh thủ thời tiết nắng ấm, tôi ra đồng tỉa dặm, bón nhử tạo điều kiện cho lúa phát triển tốt.
Đồng chí Trần Ngọc Diệp, Trưởng Phòng Nông nghiệp & PTNT huyện Yên Khánh) cho biết: Vụ đông xuân 2018-2019, huyện phấn đấu gieo trồng 8.309 ha, trong đó có 7.250 ha lúa, năng suất phấn đấu đạt 67,81 tạ/ha; Giá trị sản xuất vụ xuân phấn đấu đạt 501.194 triệu đồng; giá trị sản xuất trên ha canh tác phấn đấu đạt 60 triệu đồng.
UBND huyện đã quán triệt kế hoạch sản xuấtđến các xã, thị trấn, các HTX nông nghiệp, các cơ quan, đơn vị của huyện.Giao phòng chuyên môn của huyện, các đơn vị có liên quan (Phòng Nông nghiệp và PTNT, Trạm Trồng trọt và BVTV, Trạm Khuyến nông, Chi nhánh khai thác công trình thủy lợi huyện) tổ chức tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, triển khai, thực hiện kế hoạch của UBND huyện.
Đến thời điểm ngày 28 Tết, toàn huyện về cơ bản đã gieo cấy xong lúa xuân, trong đó có gần 95% diện tích là lúa gieo thẳng. Hiện tại, các địa phương trong huyện đang tập trung cho khâu chăm sóc và bảo vệ lúa xuân như: Dặm tỉa; điều tiết đủ và kịp thời nước cho lúa sinh trưởng và phát triển; nắm chắc tình hình, diễn biến sâu bệnh trên đồng ruộng và có biện pháp xử lý kịp thời.
Với diện tích lúa chưa được bón lót cần nhanh chóng bón lót kịp thời bằng NPK với lượng 20-25 kg NPK/sào hoặc sử dụng 15-20kg lân, 2 kg đạm urê/sào; khi lúa được 2-2,5 lá đưa nước láng mặt ruộng và sử dụng 2kg đạm urê/sào để bón nhử kết hợp với tỉa dặm đảm bảo mật độ; khi lúa được 5 - 6 lá tiến hành bón thúc lần hai sử dụng 4-5kg đạm Urê/sào, 2 - 3kg kali/sào, giữ mực nước nông để lúa đẻ nhánh thuận lợi.
Trong những năm gần đây, thời tiết luôn diễn biến phức tạp, khó lường, không tuân theo quy luật..., do vậy huyện xác định không chủ quan, nhất là vấn đề về hạn hán, nước tưới cho cây lúa nói riêng và cây trồng nói chung. Thời tiết ấm thì diễn biến sâu bệnh ở vụ đông xuân năm nay cũng được tiên lượng sẽ rất phức tạp; sâu cuốn lá, đục thân, rầy các loại có cơ hội để phát sinh, phát triển thành dịch; ngoài ra, chuột hại cũng dễ sinh sôi, nảy nở nhanh hơn, sức tàn phá lớn hơn...
Do đó, người dân và các địa phương phải tuân thủ đúng lịch thời vụ, đồng thời cần thường xuyên thăm đồng để điều chỉnh lượng nước, phân bón và phòng trừ sâu bệnh kịp thời, phù hợp.
Đông xuân là vụ sản xuất lớn, quan trọng nhất, chiếm tỷ trọng cao về giá trị trong cả năm... Huyện Yên Khánh xác định sẽ phối hợp với các địa phương, đặc biệt là các xã điểm đẩy mạnh việc xây dựng vùng sản xuất hàng hóa tập trung theo hướng an toàn gắn với liên kết với các doanh nghiệp để bao tiêu sản phẩm.
Xây dựng các mô hình sản xuất có giá trị kinh tế cao trên cơ sở quy hoạch, kế hoạch; chuyển đổi diện tích cấy lúa hiệu quả thấp sang các cây trồng mới có giá trị kinh tế cao hơn với mỗi xã ít nhất có từ 1 đến 2 mô hình, như: Xã Khánh Hội chuyển đổi 20 ha diện tích cấy lúa sang trồng dưa chuột và 18,2 ha trồng ớt cay; xã Khánh Hồng chuyển đổi 3 ha diện tích cấy lúa sang trồng rau, củ, quả và nuôi trồng thủy sản; HTX Đông Cường chuyển đổi 5 ha sang trồng lúa, cá; xã Khánh Thủy chuyển đổi 10 ha sang nuôi trồng thủy sản; HTX Đồng Xuân Tiến chuyển đổi 3 ha sang trồng đậu tương rau; HTX Ninh Hồng chuyển đổi 10 ha sang lúa, cá; HTX Vân Bòng chuyển đổi 3 ha sang nuôi thủy sản và chăn nuôi tổng hợp; HTX Đại Thành chuyển đổi 5 ha sang trồng rau an toàn.
Đinh Chúc