Giám đốc Công ty TNHH Vật tư nông nghiệp Hồng Quang, ông Phùng Văn Quang, cho rằng: Liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp là đòi hỏi khách quan trong tình hình hiện nay, nhằm tạo ra chuỗi giá trị với các bên tham gia là: Doanh nghiệp, HTX, người nông dân cùng có lợi. Sản xuất lúa giống đòi hỏi khắt khe hơn so với sản xuất lúa thương phẩm: Từ khâu làm đất, gieo cấy, chăm sóc đến khử tạp, thu hoạch và phơi sấy phải tuân theo quy trình, quy định.
Công ty cung ứng giống cho sản xuất, bao tiêu sản phẩm làm ra với giá thu mua cao hơn giá lúa thương phẩm (LT2) tại thời điểm.
Ngoài ra, Công ty sẵn sàng cho ứng các loại vật tư: Phân bón, thuốc BVTV phục vụ sản xuất nếu như các HTX và người nông dân có yêu cầu. Nhiệm vụ của HTX sau khi đã ký hợp đồng là quy hoạch vùng, vận động, thuyết phục và liên kết người dân cùng tham gia sản xuất theo quy trình, quy định, đảm bảo về quy mô, diện tích, số lượng, chất lượng đúng với điều khoản và cam kết trong hợp đồng.
Hiện nay, Công ty thuê 20 ha của các hộ trong HTX Kiến Thái (Khánh Trung) với thỏa thuận mỗi năm trả 4,7 tạ/ha cùng đơn giá 9.000 đồng/kg để hàng năm sản xuất, chọn lọc hạt giống nguyên chủng; đồng thời thuê luôn người dân có ruộng làm theo quy trình, kỹ thuật của Công ty. Đây là hình mẫu của mối liên kết ngang (nông dân với nông dân) và mối liên kết dọc (doanh nghiệp với nông dân) để đạt hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp.
Ông Đinh Văn Vọng, Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Khánh cho biết: Mối liên kết 4 nhà trong sản xuất nông nghiệp (nhà nước, nhà khoa học, doanh nghiệp và nhân dân) được huyện chú trọng, mang lại hiệu quả rõ nét như xây dựng thành công vùng sản xuất giống lúa thuần chất lượng cao 500ha, hàng năm cung cấp hàng nghìn tấn thóc giống chất lượng cao phục vụ cho sản xuất trong tỉnh và các tỉnh lân cận thuộc đồng bằng Bắc bộ và khu vực miền Trung.
Mô hình liên doanh, liên kết sản xuất lúa thương phẩm và các cây rau - củ - quả với các công ty, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh được duy trì ở các địa phương như: Khánh Hải, Khánh Hồng, thị trấn Yên Ninh, Khánh Thành… qua đó, hàng nghìn tấn sản phẩm được thu mua, tiêu thụ cho nông dân, mang lại hiệu quả cao gấp 1,2-1,3 lần so với kiểu "tự sản, tự tiêu"; đưa giá trị canh tác bình quân/ha từ 125 triệu đồng năm 2011 lên 138 triệu đồng năm 2018.
Điển hình là mô hình sản xuất lúa nếp cau đặc sản, hữu cơ ở xã Khánh Công, Khánh Nhạc được các công ty, doanh nghiệp ký hợp đồng thu mua hết sản phẩm. Vụ đông là vụ sản xuất có nhiều mô hình, liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ hơn cả.
Đơn cử như vụ đông năm 2018, các mô hình: Trồng ớt chỉ thiên ở xã Khánh Công, Khánh Hội, Khánh Cường… được liên kết với Công ty ớt Việt Nam thu mua sản phẩm với giá 22.000 đồng/kg, đem lại thu nhập ổn định cho người dân. Mô hình trồng khoai tây tại xã Khánh An, Khánh Cư, Khánh Vân được liên kết với Viện Sinh học nông nghiệp thu mua giá 7.200 đồng/kg, lãi đạt từ 2,5 - 3 triệu đồng/sào.
Ngoài ra, tại xã Khánh Nhạc có sự liên kết với Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao sản xuất đậu tương rau; Khánh Vân hợp đồng với Công ty Thành An trồng ngô ngọt…đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân; xã Khánh Thành, Khánh Công liên kết sản xuất trạch tả cung ứng nguyên liệu cho các Công ty dược phẩm…
Ông Phó Chủ tịch UBND huyện cũng chia sẻ: Những năm gần đây, Yên Khánh đã tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong tổ chức quản lý sản xuất, kỹ thuật sản xuất để nhân dân tiếp cận và áp dụng cùng với cung cấp thông tin về tiêu thụ sản phẩm, hỗ trợ đầu tư cho các mô hình liên doanh, liên kết.
Là huyện trọng điểm về nông nghiệp của tỉnh Ninh Bình, Yên Khánh xác định phát triển nông nghiệp là hướng đi vừa khai thác được tiềm năng, thế mạnh của địa phương, vừa ổn định và nâng cao đời sống nhân dân.
Yên Khánh đã thực hiện phát triển nông nghiệp một cách toàn diện theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao giá trị sản xuất; đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, cơ giới hóa nhiều khâu trong quy trình sản xuất, qua đó giúp giảm chi phí, giải phóng sức lao động, nâng cao thu nhập cho người dân.
Huyện đã tập trung vào những khâu then chốt như: Thực hiện thành công việc "dồn điền, đổi thửa" gắn với chỉnh trang lại đồng ruộng từ hệ thống giao thông, thủy lợi, bờ vùng, bờ thửa để chủ động tưới tiêu và đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp; tạo cho mỗi hộ dân có mảnh ruộng lớn hơn để áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; thực hiện xong quy hoạch lại vùng sản xuất, trên cơ sở đó thực hiện các chương trình, dự án phát triển cây con theo hướng liên kết sản xuất, áp dụng công nghệ cao, theo chuỗi giá trị.
Yên Khánh đã thực hiện cơ giới hóa 100% trong khâu làm đất và 90-95% diện tích lúa khâu thu hoạch; chủ động tưới tiêu 100% diện tích canh tác, 70-75% diện tích lúa được cấy bằng giống chất lượng cao, góp phần làm giảm chi phí sản xuất từ 4-5 triệu đồng/ha; tăng năng suất cây trồng từ 5 - 10%.
Bên cạnh đó, huyện đã tiến hành xây dựng gần 300 mô hình sản xuất có hiệu quả, hàng trăm trang trại, gia trại vừa và nhỏ trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi gia súc, gia cầm và nuôi trồng thủy sản. Các trang trại, gia trại đã khẳng định hiệu quả kinh tế cao gấp 4-5 lần việc trồng cây, con theo phương pháp truyền thống.
Đinh Chúc