Từng bước xóa bỏ tư duy sản xuất manh mún, nhỏ lẻ Đồng chí Đoàn Trung Nam, Bí thư Đảng ủy xã Yên Hòa cho biết: Mặc dù trong những năm gần đây sản xuất nông nghiệp trên địa bàn xã đã có mặt chuyển biến tích cực, song đánh giá khách quan thì nền nông nghiệp ở địa phương vẫn còn những hạn chế, yếu kém nhất định, đó là: Sản xuất vẫn mang tính thủ công, việc áp dụng cơ giới hóa và khoa học kỹ thuật còn hạn chế; quy mô sản xuất nhỏ lẻ, tự phát, chất lượng và sức cạnh tranh của nông sản còn thấp, một phần do chưa bám sát nhu cầu thị trường; liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị chưa được hình thành; liên kết trong vùng sản xuất chưa được thống nhất, chưa hình thành được các vùng sản xuất lớn theo hướng tập trung nên chưa phát huy thế mạnh của vùng.
Trong khi đó, hoạt động kinh doanh, dịch vụ của HTX chưa thực sự rõ nét, mới chỉ dừng lại việc cung ứng các dịch vụ cơ bản cho nông nghiệp... Đặc biệt là tư duy sản xuất manh mún, nhỏ lẻ vẫn còn phổ biến trong bộ phận cán bộ, đảng viên, chưa mạnh dạn để tạo nên những khâu đột phá.
Vì vậy, với phương châm nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá một cách khách quan, trong quá trình xây dựng Đề án tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, Ban Chấp hành Đảng bộ xã Yên Hòa xác định phải từng bước xóa bỏ những rào cản bấy lâu nay. Muốn vậy, cần phải có cơ chế, chính sách rõ ràng, khuyến khích nông dân sản xuất theo hướng tập trung, nâng cao giá trị gia tăng.
Đầu năm 2017, Ban Chấp hành Đảng bộ xã đã ban hành Nghị quyết số 03 về lãnh đạo, tổ chức thực hiện Nghị quyết số 06 của Ban Thường vụ Huyện ủy về phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng sản xuất hàng hóa giai đoạn 2016 - 2020 trên địa bàn huyện Yên Mô.
Cùng với đó là hàng loạt chính sách đi kèm như: hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu theo Đề án tái cơ cấu trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn xã; quy hoạch vùng sản xuất từ đất trồng lúa sang đất trồng cây hàng năm, lâu năm và khu đấu giá giá trị quyền sử dụng đất giai đoạn 2017-2020...
Cũng theo đồng chí Bí thư Đảng ủy xã Yên Hòa, rào cản lớn nhất của quá trình tái cơ cấu nông nghiệp chính là tư duy chậm đổi mới của một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhân dân, nhất là những băn khoăn về hạn điền, về tích tụ ruộng đất, việc chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng cây lâu năm, cây công nghiệp hoặc sang nuôi trồng thủy sản. Việc đầu tư xây dựng các mô hình mất nhiều kinh phí.
Nhằm khắc phục tình trạng này, Ban Chấp hành Đảng bộ xã xác định công tác tuyên truyền phải đi trước một bước. Theo đó, Đề án tái cơ cấu nông nghiệp của xã được các thôn, đội họp bàn triển khai rộng rãi, lấy ý kiến của các tầng lớp nhân dân.
Đồng thời UBND xã tổ chức hội nghị đối thoại giữa Chủ tịch UBND xã với 200 hộ dân về việc thực hiện Đề án tái cơ cấu trong sản xuất nông nghiệp của xã trong giai đoạn mới hiện nay. Phương thức cầm tay chỉ việc được áp dụng, xã đã tổ chức đoàn với số lượng 90 đại biểu đi tham quan học tập mô hình chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp tại tỉnh Hải Dương và thành phố Hải Phòng.
Bằng các phương pháp cụ thể, thông qua tuyên truyền, nhận thức của nhân dân đã được nâng lên, nhiều hộ dân đã mạnh dạn đầu tư xây dựng mô hình, đưa cây con mới có giá trị vào sản xuất và chăn nuôi.
Xây dựng các mô hình điểm
Trên cơ sở Đề án thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên địa bàn xã giai đoạn 2016-2020, Yên Hòa đã thực hiện quy hoạch lại các vùng sản xuất, tạo điều kiện cho công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng, con nuôi. Việc điều chỉnh quy hoạch tập trung vào mở rộng các vùng chuyển đổi như: mở rộng diện tích vùng chuyên rau - cá khu vực Liên Trì; quy hoạch và mở rộng diện tích trồng chuối tây Thái Lan; phát triển và mở rộng diện tích nuôi cá chạch sụn.
Ngoài ra, UBND xã còn quy hoạch thêm một số vùng từ đất trồng lúa sang trồng cây hàng năm. Đặc biệt, Yên Hòa đã tập trung tuyên truyền, vận động, tạo điều kiện cho các hộ gia đình được chuyển nhượng đất 313, dồn đổi đất 5% ngân sách xã gọn vùng để tập trung ruộng đất phát triển các mô hình điểm để nhân dân học tập và nhân rộng các mô hình.
Gia đình ông Vũ Khắc Vượng ở thôn Trinh Nữ 3 là một trong những hộ đi đầu trong thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp với mô hình tổng hợp vườn, ao, chăn nuôi (tổng diện tích 3,7 ha). Đến thời điểm hiện tại, ông Vượng cũng là hộ có quy mô mô hình lớn nhất xã.
Ông Vượng cho biết: Nắm bắt được chủ trương tích tụ ruộng đất của xã và thực hiện Đề án tái cơ cấu nông nghiệp, lại được đi tham quan học hỏi kinh nghiệm, tôi đã mạnh dạn bàn với gia đình dồn đổi đất 313 của gia đình và thuê thêm của một số hộ để đầu tư mở rộng quy mô sản xuất. Sau khi được đi tham quan, học tập kinh nghiệm ở Hải Dương, tôi bắt tay trồng 2 ha chuối tây Thái Lan kết hợp thả cá.
Cây chuối tây Thái Lan dễ thích nghi, ít sâu bệnh, vốn đầu tư ban đầu thấp, chất lượng và sản lượng cao, thị trường tiêu thụ tương đối rộng nên rất phù hợp để người nông dân đưa vào sản xuất với quy mô lớn.
Hiện nay, cây sinh trưởng, phát triển khá tốt. Cây chuối cùng với các con nuôi khác đã mở ra hướng đi mới cho gia đình, nhất là xóa bỏ được tư duy "tự cung, tự cấp".
Ông Nguyễn Huy Đại ở thôn Trinh Nữ 3 cũng là một trong những hộ sớm nắm bắt được chủ trương tái cơ cấu nông nghiệp của xã Yên Hòa cho biết: Trên diện tích 1,7 mẫu của gia đình, tôi đã đầu tư đào 4 ao nuôi cá chạch sụn, đồng thời ký kết với Công ty cổ phần Vinceo ở thị trấn Quỹ Nhất (Nghĩa Hưng-tỉnh Nam Định) nhập nguồn giống và bao tiêu sản phẩm. "Sau thời gian nuôi thả, tôi thấy chạch sụn là loại cá dễ nuôi, tỷ lệ sống cao, nhanh lớn và cho lợi nhuận cao gấp nhiều lần so với các loại cá khác, nhất là đầu ra không phải lo lắng nên tôi rất yên tâm"- ông Nguyễn Huy Đại phấn khởi nói.
Bí thư Đảng ủy xã Yên Hòa Đoàn Trung Nam cho biết: Việc xây dựng các mô hình điểm được tiến hành thận trọng, tránh tình trạng làm ồ ạt, không hiệu quả. Hiện nay, toàn xã có 4 mô hình: Mô hình sản xuất chuyên canh rau - cá khu vực Liên Trì với diện tích 63ha; mô hình lúa - cá với diện tích 61,83 ha; mô hình trồng chuối kết hợp nuôi cá 12,75 ha; mô hình nuôi cá chạch sụn 7,95 ha.
Để đảm bảo gia tăng giá trị sản xuất, xã đã chỉ đạo đổi mới hoạt động HTX và tổ chức thành lập 2 tổ hợp tác (tổ hợp tác chuối tây Thái Lan Hòa - Trinh và Tổ hợp tác nuôi và tiêu thụ cá chạch sụn Yên Hòa) và đầu năm 2018 đã thành lập HTX tiêu thụ cây con đặc sản Yên Hòa. Đây là những hình thức hợp tác kiểu mới nhằm tiêu thụ sản phảm cho nhân dân.
Cùng với khuyến khích mở rộng các mô hình mới, xã chú trọng làm tốt công tác quản lý đất đai theo quy định của pháp luật, đảm bảo sử dụng đất đúng mục đích, tiết kiệm, hiệu quả, bảo vệ môi trường sinh thái. Với các mô hình điểm, chúng tôi hy vọng sẽ mở ra những nhận thức mới cho cả cán bộ xã và người nông dân về chủ trương tích tụ ruộng đất, tái cơ cấu nông nghiệp, phát triển nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, nâng cao đời sống nhân dân.
Đức Nghĩa