Ông Phạm Văn Ngân, Chủ tịch UBND xã Yên Hòa cho biết: Thực hiện chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh, của huyện Yên Mô, xã Yên Hòa đã xây dựng Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên địa bàn xã giai đoạn 2016-2020 và xây dựng kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện cho các năm.
Trên cơ sở quy hoạch xây dựng nông thôn mới và đề án tái cơ cấu nông nghiệp, xã Yên Hòa đã rà soát, điều chỉnh và bổ sung quy hoạch lại các vùng sản xuất phù hợp với điều kiện canh tác của từng khu vực, từng thôn để phát triển và mở rộng các mô hình kinh tế. Việc điều chỉnh quy hoạch tập trung vào các vùng chuyển đổi sản xuất.
Cùng với điều chỉnh quy hoạch, Yên Hòa đã tổ chức họp triển khai đề án và kế hoạch thực hiện tới toàn thể nhân dân, tuyên truyền để nhân dân hiểu, nắm rõ từng vùng chuyển đổi và cùng với xã bắt tay thực hiện.
Bên cạnh đó, địa phương cũng tạo mọi điều kiện cho các hộ gia đình tích tụ ruộng đất, chuyển nhượng đất 313, dồn đổi đất 5% ngân sách xã gọn vùng, tập trung ruộng đất xây dựng, phát triển các mô hình điểm để nhân dân học tập và nhân rộng.
Tại những vùng được quy hoạch chuyển đổi, xã tổ chức cho các hộ dân đi tham quan học tập kinh nghiệm tại tỉnh Hải Dương. Từ đó thay đổi tư duy của người nông dân từ sản xuất nhỏ lẻ, manh mún sang sản xuất hàng hóa quy mô lớn, áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất nhằm nâng cao giá trị kinh tế.
Đồng thời, xã có chính sách hỗ trợ cho những mô hình chuyển đổi cây, con mới, theo các mức khác nhau, như: Mô hình chuyển đổi có diện tích từ 2 ha trở lên hỗ trợ 17 triệu đồng/ha; mô hình có diện tích từ 1 đến 2 ha hỗ trợ 13 triệu đồng/ha; mô hình có diện tích dưới 1 ha hỗ trợ 11 triệu đồng/ha.
Từ những chính sách hỗ trợ trên đã tạo động lực cho nhân dân Yên Hòa, nhất là những người dân trong vùng quy hoạch tích cực dồn đổi đất và chuyển đổi sang các mô hình kinh tế mới. Trên địa bàn xã Yên Hòa đã xuất hiện nhiều mô hình phát triển kinh tế mới mang lại thu nhập vài trăm triệu đồng cho 1 ha sản xuất.
Chỉ tính riêng từ đầu năm đến nay, Yên Hòa đã xây dựng và mở rộng nhiều mô hình kinh tế như: Mở rộng diện tích trồng rau rút, rau cần với quy mô 5 ha; chuyển đổi hơn 12 ha ruộng trũng cấy lúa kém hiệu quả sang nuôi thủy sản kết hợp với cấy lúa; chuyển đổi 8,1 ha diện tích cấy lúa kém hiệu quả sang trồng chuối kết hợp với nuôi thủy sản ở thôn Trinh Nữ và Trung Hòa; xây dựng mô hình ao nổi quy mô 0,7 ha nuôi chạch sụn.
Như vậy, toàn xã có gần 123 ha diện tích thực hiện các mô hình kinh tế hiệu quả, chiếm gần 25% tổng diện tích sản xuất nông nghiệp. Trong đó, vùng sản xuất chuyên canh rau rút, rau cần và cá ở thôn Liên Trì có diện tích 60 ha; vùng chuyển đổi sang mô hình lúa - cá 53 ha; chuyển đổi mô hình trồng chuối tây Thái Lan 8,1 ha; mô hình trồng chanh, ổi ăn quả 1 ha; mô hình nuôi cá chạch sụn, chạch đồng 0,7 ha.
Có thể khẳng định, nhiều mô hình kinh tế ở Yên Hòa đã và đang phát huy hiệu quả đất đai và nguồn vốn, có sự liên kết bao tiêu sản phẩm trong quá trình sản xuất hoặc có thị trường đầu ra ổn định, điển hình như: mô hình trồng rau rút, rau cần và cá ở thôn Liên Trì, giá trị thu hoạch bình quân ước đạt 500 triệu đồng/ha/năm; mô hình nuôi cá chạch sụn, chạch đồng cho thu nhập từ 15 triệu đồng/sào/năm; mô hình trồng chuối kết hợp nuôi cá dự kiến cho thu nhập trên 12 triệu đồng/sào/năm...
Là vùng chiêm trũng, khó khăn về tưới tiêu nhưng bên cạnh chuyển đổi sản xuất, Yên Hòa còn tập trung chuyển đổi cơ cấu giống, cơ cấu mùa vụ, áp dụng biện pháp thâm canh mới để giảm chi phí và nâng cao hiệu quả sản xuất, như: ở vụ đông xuân năm 2017 xã đã mạnh dạn mở rộng diện tích lúa gieo vãi lên 260 ha, tăng 220 ha so với vụ đông xuân năm trước, gieo cấy gần 152 ha lúa chất lượng cao và lúa nếp; ở vụ mùa diện tích gieo vãi 297 ha, tăng 207 ha so với vụ mùa năm trước và diện tích lúa nếp, lúa chất lượng cao đạt gần 246 ha.
Thực tế sản xuất cho thấy, hiện nay hầu hết các mô hình phát triển kinh tế ở Yên Hòa đều tự tiêu thụ sản phẩm ra thị trường, chưa xây dựng được mối liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ. Do đó, để hỗ trợ người dân trong sản xuất, thời gian tới, Yên Hòa sẽ thành lập các tổ hợp tác như: Tổ hợp tác bao tiêu sản phẩm rau của vùng rau Liên Trì; tổ hợp tác trồng chuối tây Thái Lan; tổ hợp tác chuyên kinh doanh và nuôi cá chạch để tạo mối liên kết giữa các hộ, tạo điều kiện hỗ trợ, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau, nhất là trong tiêu thụ sản phẩm.
Yên Hòa cũng kiến nghị với huyện có chính sách hỗ trợ xã xây dựng thương hiệu cho sản phẩm vùng rau Liên Trì và hỗ trợ về giống, vốn, tập huấn khoa học kỹ thuật cho những hộ đã mạnh dạn xây dựng mô hình cây, con mới. Đồng thời tích cực tích tụ ruộng đất, kêu gọi và thu hút các doanh nghiệp tham gia đầu tư sản xuất, tiêu thụ hoặc bao tiêu sản phẩm cho người nông dân.
Hồng Giang