Các công trình hỗ trợ giảm nghèo, nâng cao đời sống nhân dân như: Chợ Yên Đồng, trạm y tế, trường học, việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người nghèo như: Các lớp hướng dẫn, chuyển giao KHKT, xóa nhà dột nát… đã làm đổi thay diện mạo của vùng quê nghèo. Cùng với sự quan tâm, giúp đỡ của các cấp chính quyền, người dân Yên Đồng đã nỗ lực vươn lên, xây dựng nhiều mô hình phát triển kinh tế phù hợp với điều kiện gia đình, địa phương để góp phần tích cực vào công tác giảm nghèo.
Trang trại của gia đình chị Hoàng Thị Uyên và anh Trần Văn Trí (xóm Khê Hạ) là mô hình trang trại có quy mô tương đối lớn của xã Yên Đồng. Bắt đầu từ những thùng đào, thùng đấu vốn là diện tích bỏ hoang, không cho giá trị kinh tế cao, anh chị đã đấu thầu và tiến hành đào ao, vượt nền để hình thành trang trại. Mới đầu, do vốn ít và quy mô nhỏ hẹp, hai vợ chồng anh Trí chỉ nuôi có 60 con vịt và 1 con bò kéo.
Sau nhiều lần đào ao, vượt nền, mua thêm diện tích xung quanh, trang trại được mở rộng lên 5 sào. Anh chị đã mạnh dạn vay thêm vốn của anh em họ hàng và ngân hàng để phát triển đàn vật nuôi như: vịt, ngan, ngỗng, trâu, bò, dê. Sau vài năm, thu nhập từ đàn gia súc, gia cầm đã giúp anh chị trả được nợ ngân hàng và mua sắm thêm phương tiện sản xuất như: máy dậm ruộng, xe công nông… để phục vụ thêm cho nhu cầu của bà con nhân dân trong xã.
Từ năm 2007 đến nay, gia đình anh chị đã nỗ lực duy trì và phát triển đàn gia súc, gia cầm, giúp thêm cho nhiều hộ nghèo trong xóm về con giống, kinh nghiệm, kiến thức KHKT… Đến nay, trang trại của gia đình anh chị đang chăn nuôi hơn 1.000 con vịt, một đàn ngan và ngỗng lấy trứng, 4 con trâu và đàn dê 45 con. Hàng ngày, thu nhập từ trứng vịt, ngan, ngỗng đã giúp cho anh chị có thêm kinh phí để mua thức ăn cho đàn gia súc, gia cầm và đầu tư để phát triển đàn vật nuôi.
Tuy đã thoát nghèo nhiều năm nay nhưng anh Trí, chị Uyên mong muốn từ trang trại của gia đình mình, các gia đình trong xóm, trong xã, nhất là hộ nghèo sẽ học tập và làm theo để mọi nhà cùng phát triển kinh tế, vươn lên ổn định cuộc sống. Được sự hỗ trợ từ Liên đoàn Lao động tỉnh, các hộ nghèo trong xã đã tiếp nhận 930 con gà giống thả vườn, 70 kg thức ăn, 1.350 kg phân NPK… Đến nay, nhiều mô hình chăn nuôi quy mô hộ gia đình được hình thành và góp phần đem lại thu nhập cho mỗi hộ nghèo.
Đàn dê của gia đình chị Hoàng Thị Uyên (xóm Khê Hạ).
Hai năm qua, ở Yên Đồng còn "nổi" lên mô hình trồng nấm là 1 trong những mô hình giảm nghèo được đánh giá là hiệu quả và phù hợp với người dân nông thôn được đưa về địa phương thông qua Hội phụ nữ xã. Sau các lớp tập huấn, chuyển giao KHKT do Hội phụ nữ xã phối hợp với Công ty sản xuất nấm Hương Nam tổ chức, toàn xã có 6 nhóm gia đình liên kết theo quy mô từ 10-15 hộ làm tập trung từ khâu ủ rơm, đảo rơm đến đóng gói rồi mới chia về các gia đình để chăm sóc và thu hoạch. Với kết quả 3 tạ nấm rơm, trừ chi phí khoảng hơn 100.000 đồng, còn lãi từ 450.000 - 500.000 đồng trong thời gian khoang 50 ngày. Do sản phẩm mới nên làm đến đâu tiêu thụ ngay tại địa phương đến đó.
Đến thăm gia đình chị Phạm Thị Nhuân (xóm Phong Lẫm Bắc) là một trong số các hộ triển khai làm mô hình nấm của xã, chị Nhuân cho biết: Nhóm của chị có 14 hộ cùng chung nhau triển khai mô hình. Nếu là làm nấm sò thì sau khi đóng gói, các hộ đưa về nhà treo. Còn làm nấm mỡ thì làm tập trung tại nhà chị. Do đó, ngay sau nhà, chị Nhuân đã xây dựng lán trại cẩn thận.
Theo như gia đình chị Nhuân thì chị đã thu hoạch được 3 vụ, trừ chi phí thì 1 tấn nguyên liệu thu lãi được 1,4 triệu đồng. Đây là mô hình dễ làm, dễ tiêu thụ nên gia đình nào làm cũng thành công. Nhiều phụ nữ trong xóm đang chỉ bảo cho nhau để cùng làm và xác định trồng nấm là nghề có thể giúp thoát nghèo và cho thu nhập khá…
Các mô hình giảm nghèo, phát triển kinh tế ở Yên Đồng từ hơn 2 năm qua không chỉ phát huy hiệu quả trong việc đem lại thu nhập và việc làm cho người dân sau các vụ sản xuất nông nghiệp mà còn phát huy được thế mạnh, tiềm năng của đất đai và nguồn lao động địa phương. Hiện nay, toàn xã có khoảng hơn 200 mô hình kinh tế, tập trung vào các lĩnh vực: Chăn nuôi cá + lúa, nuôi thả vịt, bò, dê… phù hợp với đăc điểm của vùng đồng chiêm trũng. Có những mô hình đã cho thu nhập từ 50 triệu đồng/năm trở lên. Nhiều mô hình đang trong quá trình hình thành và phát triển ban đầu với quy mô và số lượng nuôi thả nhỏ… Nhưng tất cả đều hướng tới mục tiêu giảm nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng và góp phần cùng cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện thành công Nghị quyết 10 của Tỉnh ủy. Đến nay, hộ nghèo ở Yên Đồng giảm còn 14,28%.
Bài, ảnh: Lý Nhân