Hệ thống nhóm giải pháp thực hiện Nghị quyết cho thấy quyết tâm chính trị cao của Ban Chấp hành Trung ương Nghị quyết T.Ư 4 (khóa XII) lần này là nghị quyết chuyên đề về xây dựng Đảng đầu tiên mà BCH Trung ương Đảng khóa XII ban hành. Nghị quyết không những thể hiện một cách nghiêm túc mà còn rất sáng tạo, có tính cập nhật cao đối với hai trọng tâm mà Đại hội XII đã chỉ ra, đó là: Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ; tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, đủ năng lực, phẩm chất và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.
Điểm mới của Nghị quyết T.Ư 4 (khóa XII) thể hiện ở 3 nội dung, đó là: chủ đề, tiêu đề của Nghị quyết đã cụ thể hóa nội dung Nghị quyết; Trung ương đã trung thực, thẳng thắn chỉ rõ 9 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, 9 biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống và 9 biểu hiện về "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ; Trung ương đã đưa ra 4 nhóm nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, sát với tình hình thực tế để thực hiện Nghị quyết về công tác chính trị tư tưởng, tự phê bình và phê bình; về cơ chế, chính sách; về kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng; về phát huy vai trò của nhân dân và Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội. Mỗi nhóm nhiệm vụ giải pháp đều có những điểm nhấn quan trọng. Có những việc rất cấp bách, đòi hỏi phải làm ngay. Hệ thống các nhóm nhiệm vụ, giải pháp cho thấy quyết tâm chính trị cao của BCH Trung ương để lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện thành công Nghị quyết về xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
Đào Thị ánh Tuyết
Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Ninh Bình
Việc học tập, quán triệt Nghị quyết là yêu cầu bức thiết, là quyền lợi, nghĩa vụ của mỗi cán bộ, đảng viên
Phạm Văn Khoản
Qua nghiên cứu, quán triệt, học tập Nghị quyết T.Ư 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, tôi nghĩ việc triển khai quán triệt, học tập trong cán bộ, đảng viên là hết sức cần thiết. Bởi 3 lý do: Trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa- hiện đại hóa đất nước đòi hỏi phải tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng; xuất phát từ thực tiễn của công tác xây dựng Đảng trong những năm qua, đặc biệt từ sau khi Trung ương ban hành Nghị quyết T.Ư 4 (khóa XI) về "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay" đã có những chuyển biến tích cực và cũng có những tồn tại, hạn chế cần khắc phục; bối cảnh quốc tế, trong nước, đặc biệt là hoạt động diễn biến hòa bình của các thế lực thù địch tập trung xuyên tạc, bôi nhọ chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước. Xuất phát từ 3 lý do trên, việc học tập, quán triệt Nghị quyết là yêu cầu bức thiết, là quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên nhằm cụ thể hóa quan điểm của Đảng trong công tác xây dựng Đảng hiện nay. Qua đó góp phần xây dựng Đảng ta trong sạch, vững mạnh, củng cố niềm tin của quần chúng nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, góp phần vào công cuộc xây dựng, hiện đại hóa đất nước.
Đối với cán bộ, giảng viên Khoa Xây dựng Đảng, Trường Chính trị tỉnh, việc học tập, quán triệt, nghiên cứu sâu sắc nội dung Nghị quyết T.Ư 4 là yêu cầu cần kíp nhằm cụ thể hóa quan điểm, chủ trương của Đảng trong công tác xây dựng Đảng, đặc biệt là việc cụ thể hóa trong từng bài giảng mà Khoa đang đảm nhiệm. Cùng với việc nghiên cứu, học tập Nghị quyết, giảng viên Khoa Xây dựng Đảng chúng tôi sẽ tích cực đổi mới phương pháp giảng dạy, phương pháp nghiên cứu, hình thức, quá trình dạy và học, gắn lý luận với ứng dụng thực tế, tăng cường kiểm tra, nâng cao chất lượng quản lý, dạy và học lý luận chính trị theo đúng tinh thần Nghị quyết đã nêu về 4 nhóm nhiệm vụ, giải pháp.
Phạm Văn Khoản
Trưởng Khoa Xây dựng Đảng, Trường Chính trị tỉnh
Đẩy mạnh tự phê bình và phê bình, phát huy tính tiền phong gương mẫu của đảng viên
Hà Mạnh Vũ
Nhắc đến những tồn tại, hạn chế trong công tác xây dựng Đảng, nhiều cán bộ, đảng viên bày tỏ sự lo ngại đến những biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" mà Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) đã chỉ rõ. Những biểu hiện kể trên có nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân chính xuất phát từ một bộ phận cá nhân đảng viên, cán bộ lãnh đạo chưa thực sự gương mẫu về học tập lý luận, chuyên môn, nghiệp vụ, về lề lối, tác phong làm việc và đạo đức, lối sống… Do đó, Đảng ta phải chú trọng việc tuyên truyền, giáo dục, tổ chức học tập, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên, xây dựng cho cán bộ, đảng viên có lập trường tư tưởng vững vàng, lối sống trong sạch, lành mạnh. Đối với mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu phải gương mẫu, đi đầu trong thực hiện nhiệm vụ, nêu gương trong mọi hoàn cảnh. Ngoài trách nhiệm học tập, mỗi cán bộ, đảng viên còn phải nghiêm túc đẩy mạnh việc tự phê bình và phê bình. Phải nhận thấy rõ những khuyết điểm, hạn chế của bản thân, phải vô tư, khách quan khi đánh giá người khác. Tôi nhất trí cao với 4 nhóm nhiệm vụ, giải pháp mà Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) nêu, đồng thời, tôi cho rằng điều quan trọng là nếu bản thân người cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu mà không "thực tâm, thực lòng" thì rất khó để Nghị quyết đi vào cuộc sống một cách thiết thực, hiệu quả.
Hà Mạnh Vũ
Bí thư Chi bộ phố Khánh Trung, phường Tân Thành, thành phố Ninh Bình
Nâng cao ý thức, trách nhiệm trong học tập, bồi dưỡng kiến thức
Nguyễn Thị Hồng Chinh
Được quán triệt, học tập Nghị quyết T.Ư 4 (khóa XII), tôi đặc biệt quan tâm đến việc lần đầu tiên BCH Trung ương Đảng đã thẳng thắn chỉ ra một cách có hệ thống những biểu hiện của sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ. Theo tôi việc chỉ ra hệ thống những hạn chế là hết sức cần thiết để giúp mỗi cán bộ, đảng viên tự soi mình, làm cơ sở để góp ý cho người khác và cũng để xử lý đối với những tập thể, cá nhân vi phạm. Tôi nhận thấy trước kia khi chưa có Nghị quyết, nhiều thanh niên vẫn còn "mơ hồ" khi đề cập đến những biểu hiện suy thoái, còn cho rằng đó là những vấn đề "to tát". Tuy nhiên, sau khi được học tập Nghị quyết, nhiều đảng viên cũng đã hiểu suy thoái có thể xuất phát từ những biểu hiện rất nhỏ như: lười học tập nghị quyết, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước; né tránh trách nhiệm, làm việc qua loa, đại khái, kém hiệu quả, nể nang, ngại va chạm khi phê bình, tư tưởng thờ ơ, bàng quang với những gì đang diễn ra xung quanh mình… Chính vì vậy, tôi đồng tình cao với 4 nhóm nhiệm vụ, giải pháp mà Nghị quyết T.Ư 4 (khóa XII) nêu, trong đó phải coi việc học tập lý luận chủ nghĩa Mác-Lê nin và tư tưởng Hồ Chí Minh là việc làm thường xuyên, bắt buộc trong Đảng. Mỗi cán bộ, đảng viên phải hoàn thành nhiệm vụ học tập, bồi dưỡng hàng năm. Trong đó có việc thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả việc "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" theo Chỉ thị số 05-CT/T.Ư ngày 15-5-2016 của Bộ Chính trị.
Nguyễn Thị Hồng Chinh
Đảng viên Chi bộ Đài Truyền thanh huyện Kim Sơn